"Chân dài" tìm chốn... "dung thân"

Làng giải trí TP Hồ Chí Minh chứng kiến những cuộc "nhập cư" liên tục. Như một mảnh đất lành cho những tài năng nghệ thuật. Và trên sân khấu, trên màn bạc, lúc nào cũng có thể gặp cả ba giọng nói Bắc - Trung - Nam. Người trẻ tuổi, nhiều tham vọng, có chút ít tài năng đều muốn chứng tỏ mình. Như thể cá lớn tìm sóng lớn.

Đất dữ, đất lành

So với giới ca sỹ, giới người mẫu Hà Nội có những cuộc "đổ bộ" chậm rãi hơn. Những năm 2000, giới ca sỹ Hà Nội như Tuấn Hưng, Minh Quân... đầu quân cho các công ty giải trí tại TP Hồ Chí Minh. Rồi vài năm sau, họ trở lại Hà Nội, không bám trụ với thành phố này. Những cuộc "Nam tiến" ít nhiều mang lại cho họ kinh nghiệm. Và có thể sẽ giúp họ tăng... cát sê. Minh Quân mới đây nói, bây giờ thu nhập ở Hà Nội của anh một tháng bằng một năm ở Sài Gòn vài năm trước. Thôi thì nghề ca hát, ở đâu khán giả cũng có nhu cầu nghe nhạc, rừng nào cọp nấy...

Nhưng, nghề người mẫu thì khác. Hà Nội có nhiều người đẹp. Các cuộc thi nhan sắc, kể cả siêu mẫu, thì người đẹp Hà Nội vẫn chiếm lĩnh rất nhiều giải cao. Các cô gái chân dài "miên man", mang một mớ giải thưởng và vương miện cất vào trong tủ kính như một thứ lưu niệm. Sau cuộc thi, họ lại trở lại cuộc sống của mình với những thứ thong thả, từ tốn và một nền biểu diễn nghiệp dư, một năm có khoảng... 10 show, dường như sự xuất hiện của họ chỉ có ở hai tuần lễ thời trang Xuân - Hè và Thu - Đông.

Một vài người mẫu nổi tiếng sẽ được bước cùng các model hàng đầu của TP Hồ Chí Minh trong các show thời trang đặc biệt hơn, như Đẹp Fashion show chẳng hạn. Nghề người mẫu không giống nghề ca sỹ. Thời trang trên sân khấu chỉ là một phần nổi của tảng băng, mà phía sau nó là sự phát triển của cả một nền công nghiệp. Những cô người mẫu mặc những bộ đồ đẹp lên tạp chí, lên báo... là những giai đoạn cuối cùng, để giới thiệu với công chúng những sản phảm mới của ngành dệt may.

Và giới người mẫu Hà Nội luôn nhìn vào sự sôi động của thị trường thời trang TP Hồ Chí Minh như một niềm mơ ước. Cơ hội cho chân dài ở Việt Nam thực ra rất ít và rất ngắn. Lên sân khấu vài năm là đã trở nên già nua, buộc phải tìm đường khác. Đi tìm cơ hội cho mình, như đi tìm... chốn dung thân mới cho nghề nghiệp, cũng là một cách nghĩ nghiêm túc của những người có thực lực và tham vọng. Không ít người đã thành công.

Xuân Thu

Hoàng Anh

Sự di chuyển của các người đẹp, từ thế hệ "tiền bối" như Giáng My, Trương Ngọc Ánh đã là một "tiền lệ". Tuy nhiên, những người đẹp này không phải di chuyển cuộc sống vì nghề người mẫu. Họ chỉ tham gia thời trang như một hoạt động... cộng thêm. Phải đến lứa của siêu mẫu Bình Minh thì mới là sự nhập cuộc thực sự. Bình Minh đã thành công, không chỉ với nghề người mẫu, mà còn cả phim ảnh nữa. Đến nay, Bình Minh đã có vài vở diễn đều đặn tại sân khấu kịch Phú Nhuận. Với Sài Gòn, Bình Minh đã có tất cả, từ gia đình, danh tiếng, tiền bạc.

Sau Bình Minh có thể kể đến một loạt những gương mặt mới, như Hoàng Anh, Trang Trần, Xuân Thu, Quang Hòa, Tuấn Phạm, Hương Giang, Thái Hà, Thùy Dương... Họ bổ sung cho đội ngũ người mẫu Sài Gòn những gương mặt mới. Và cũng chính họ, tự xác lập vị trí của mình trên sàn catwalk. Hoàng Anh thành công với nhiều phim ảnh. Xuân Thu với giải vàng siêu mẫu 2008, Hương Giang là một trong 5 người mẫu sáng giá nhất của công ty PL.

Những cuộc di chuyển đã trở thành bình thường. Và ai cũng có quyền theo đuổi ước mơ của mình. Hết mình với tham vọng nghệ thuật, cũng là một cách để không phải nhìn lại và hối tiếc. Sài Gòn có thể là đất lành cho những tham vọng ấy. Nhưng có thể cũng sẽ là đất dữ cho những ảo tưởng kéo dài. Thành hay bại, trước hết là... do trời nhưng sau cùng vẫn là do "nhân hòa". Thành hay bại, đường đi ngay dưới chân...

Trang Trần

Hương Giang, Á hậu 2 cuộc thi Miss Vietnam Global 2009: Không hề hối tiếc vì đã ra đi

Hoa hậu Hải Dương vào Sài Gòn từ hai năm trước, chuyển đổi cả trường đại học, với lý do duy nhất là cô bị bệnh thấp khớp 10 năm, nếu cứ ở Hà Nội thì mùa đông sẽ là mùa cực khổ nhất. Sau hai năm, cô vừa tốt nghiệp khoa Báo chí - Truyền thông của ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, bắt đầu cộng tác với kênh Real TV để biên tâp một số chương trình truyền hình thực tế, đoạt giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu người Việt toàn cầu tại Mỹ và trở thành gương mặt quan trọng của công ty người mẫu PL. Hương Giang nói, cô chưa bao giờ hối tiếc vì đã ra đi. Cuộc sống tại Sài Gòn mang đến cho cô những trải nghiệm thú vị...

- Thực ra, mỗi người có một lý do để rời bỏ một miền đất và tìm kiếm chính mình ở một miền đất khác. Với cô thì chỉ vì lý do sức khỏe. Hay còn vì chuyện tình yêu?

- Năm tôi ra đi, tôi mới 19 tuổi, mẹ thì ở Hải Dương, chị thì ở Hà Nội, gia đình ba người mà ở ba miền đất khác nhau, xa cả ngàn cây số, nói thật là cũng suy nghĩ rất nhiều. Nếu vì tình yêu thì có lẽ ngay khi vào Sài Gòn tôi đã... cưới ngay. Nhưng thôi, tuyệt đối không nhắc đến tình yêu vào lúc này. Tôi thích giữ những bí mật. Còn chuyện di chuyển, khi ấy tôi chưa yêu thích thời trang như bây giờ. Tôi chỉ thích thay đổi môi trường sống, tốt cho sức khỏe. Và tôi thích làm việc trong ngành truyền thông. Nếu ở Hà Nội, tôi sẽ rất vất vả tìm chỗ đứng và khẳng định bản thân. Tôi xác định chuyển vào Sài Gòn vì sự nghiệp của mình nhiều hơn. Mẹ tôi lo cho tôi. Nhưng đã có người thân rồi, nên tôi thấy mọi chuyện cũng ổn dần.

Hương Giang (Ảnh: Ngô Anh Khôi)

- Cô không yêu thích thời trang mà cuối cùng lại thành công với nghề người mẫu, kể cũng lạ nhỉ?

- Tôi bị cái tính nói thẳng và nói thật, thành ra nghe cứ như là phụ nghề vậy. Nhưng ban đầu, tôi không có ý định làm người mẫu chuyên nghiệp đâu. Tôi ký hợp đồng làm người mẫu với công ty PL là vì muốn có tiền để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở đây. Nhưng sau hai năm, thực sự tôi bị thời trang cuốn hút, đến giờ thì yêu thích. Và thời điểm này tôi muốn hết mình và đẩy mạnh công việc người mẫu. Tôi sẽ tạo một phong cách riêng, đó là hình ảnh một quý cô sang trọng. Mỗi người cần có phong cách của riêng mình.

- Trải nghiệm nào đáng giá nhất khi tham gia nghề người mẫu?

- Rất nhiều. Nói là không yêu, nhưng đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn. Trong một môi trường cạnh tranh cao, thì mình phải học và tập rất nhiều, để có thể đứng vững. Và đó chính là điều làm tôi thay đổi. Ngày trước tôi hoàn toàn mơ hồ về âm nhạc, về tiết tấu và giai điệu. Tôi cũng chẳng biết gì về trang phục và phong cách. Đi làm rồi phải học cách cảm nhạc, phải biết tiết tấu để di chuyển trên sân khấu cho có thần. Người mẫu mà không có thần thì đi trên sân khấu giống cái hình nộm thôi.

Giờ tôi nhìn một bộ trang phục là hiểu ngay nó theo phong cách nào, nó phải phối hợp với những phụ trang gì, trang sức ra sao và trang điểm theo tông màu nào nữa. Tôi vốn không biết trang điểm và rất ít khi mua sắm. Đi làm nghề trong lĩnh vực này mình cũng thấy... khôn ra, nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Và nghề người mẫu làm tôi có cái nhìn trực diện với những thị phi trong giới hơn. Thực ra phần lớn những thị phi động trời trong giới xuất phát từ tin đồn.

(Ảnh: Ngô Anh Khôi)

- Không có lửa làm sao có khói, phải không?

- Vẫn có... khói nhân tạo. Chẳng hạn, người ta hay đồn người mẫu vedette thì hay giành đồ đẹp để mặc, còn người mẫu hạng B, C sẽ phải mặc những bộ rộng thùng thình xấu xí. Nhưng ở một show diễn chuyên nghiệp, dù bạn có vô danh thì việc sắp xếp đồ diễn cho bạn vẫn được thực hiện nghiêm túc, tên bạn gắn sẵn trên bộ trang phục đó rồi. Chuyện đó chỉ xảy ra ở những show diễn... chợ, mà chợ thì hơi khó để mời vedette.

Hay chuyện các người mẫu giành nhau vị trí sau cùng trong show diễn. Điều này là tuyệt đối khó. Tôi ở vị trí nào trong nghề tôi biết rất rõ. Việc tôi xuất hiện trước chị Thanh Hằng là một điều bình thường, chứ lúc này mà tôi lại làm vedette, đi sau Thanh Hằng mới là có vấn đề, ai cũng nhìn ra được điều đó cả.

- Cô không bao giờ mơ mình sẽ thế chỗ Thanh Hằng trên sàn diễn à?

- Tôi không thích thế chỗ của Thanh Hằng, mà tôi muốn tự tạo chỗ đứng của mình. Tôi rất thích làm vedette. Nhưng thành công hay không còn do tôi nỗ lực đến đâu và trời thương tới cỡ nào. Hên xui!

- Ồ! Hên xui! Thế nên sau bao nhiêu lần thi sắc đẹp xui xẻo thì cô đã gặp hên với giải Á hậu 2 và hai giải phụ của Miss Vietnam Global 2009. Bước tiến trong nghề người mẫu phải không? Và có thể nói nếu không vào Sài Gòn, cơ hội này không bao giờ đến với cô?

- Đúng vậy. Tôi được tham gia một số cuộc thi, cũng là nhờ công ty PL lo giúp thủ tục và tài trợ hết. Chứ nếu mà một mình tự lo thì tôi chịu. Ở công ty này tôi học được nhiều điều và cũng biết ơn mọi người đã lo lắng cho mình.

(Ảnh: Ngô Anh Khôi)

Tôi vào đây tay trắng, đi thuê nhà để học, vậy mà rồi cuộc sống cũng ổn và còn phát triển được nghề người mẫu nữa, phải nói là cũng gặp may. Giải thưởng từ Miss Vietnam Global 2009 cũng làm tôi thấy mình có được những cơ hội mới trên sàn diễn. Nhiều người biết đến hơn và hình như... thu nhập cũng tốt hơn rất nhiều (cười).

- Nghề người mẫu có hạn kỳ, thời gian cho cô không nhiều nữa, có tính một phương án dự phòng cho tương lai không?

- Tôi đã học xong ngành báo chí và đã có những trải nghiệm của một phóng viên tại báo Doanh nhân Sài Gòn trong 3 tháng. Thực sự nghề báo cực nhọc mà... nghèo. Tôi viết mảng Doanh nhân trẻ, người ta gặp tôi cũng có thiện cảm và tôi thấy thích công việc của mình trong lĩnh vực truyền thông. Tôi đang dự tính sẽ đi du học về truyền thông vào cuối năm sau. Còn hiện tại thì tôi sẽ làm biên tập một số chương trình truyền hình thực tế của Real TV, kênh truyền hình mới trên hệ thống truyền hình cáp của VTV.

Nhiều người hỏi sao không đi đóng phim. Tôi cũng nhận được những lời mời, nhưng đóng phim chiếm mọi thời gian trong ít nhất 3 tháng. Tôi không dám đánh đổi mọi công việc hiện tại để theo phim ảnh. Nghề người mẫu vẫn là công việc tôi muốn gắn bó vào thời gian này.

- Cô không nói chuyện tình yêu, phải chăng vì có chuyện buồn? Yêu người ngoài nghề thì khó hiểu nhau, hay người mẫu yêu nhau đi?

- Không trả lời tình yêu nữa đâu đấy nhé (cười). Còn yêu người mẫu ư? Không đời nào. Nghệ sỹ thì hơi phù phiếm, tôi thấy không hợp đâu.

(Ảnh: Ngô Anh Khôi)

Á Hậu 2 Hoa hậu Hà Nội 2005 Nguyễn Thái Hà: Quyết liệt với chính mình

Sau giải "Siêu mẫu phong cách" tại cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2009, Thái Hà vừa có thêm một cuộc "ứng thi" nữa, đó là cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế, diễn ra tại Trịnh Châu (Trung Quốc). Cô Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Hà Nội 2005 cho đó là những thành công mới của cô trong thời trang. Cô cũng vừa khai trương một tiệm tóc trên đường Lê Thị Riêng (Q1, TP Hồ Chí Minh), bắt đầu tính chuyện dài lâu với miền đất mới...

- Cô mất 7 năm để theo học ballet tại trường múa, rồi cuối cùng cô vào Sài Gòn, làm công việc chẳng liên quan tới múa chút nào. Không thấy phí sao?

- Tôi thích múa từ nhỏ, bé tí đã phải vào trường học. Bao nhiêu năm đứng chân trên đôi giày mũi cứng, học những bài ballet cổ điển, rồi cuối cùng tôi đã không theo được nghề. Thực lòng, tôi thấy tiếc và nhớ múa khủng khiếp. Nhưng múa là thứ học nhiều, làm nghề ít. Ballet không có chỗ cho tôi. Tôi quá cao, diễn trong một tập thể tôi cứ lênh khênh thế này, trông rất... chỏi. Học múa thì được một điều tốt là mình đi diễn thời trang trên sân khấu cũng uyển chuyển, cảm nhạc tốt hơn. Như vậy cũng dễ tạo phong cách riêng.

Thái Hà

- Và cô cũng đã mang ballet tới cuộc thi "Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2009"?

- Vâng. Múa là sở trường của tôi. Nhưng cũng phải tập lại trước cả tháng, vì tôi bỏ bẵng đi mất 3 năm rồi, có làm nghề đâu. Mỗi buổi tập là mình lại nhớ những năm tháng cũ, mình đã chấp nhận mọi vất vả để được múa. Nhưng giờ thì buộc phải chuyển qua niềm đam mê thứ hai.

- Cô làm mẫu vài năm ở Hà Nội trước khi di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Cô thấy môi trường khác nhau nhiều không?

- Khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thực lòng tôi hoang mang nhiều lắm. Dù gì ở Hà Nội tôi cũng chẳng phải lo gì nhiều. Có gia đình, nhà cửa để ở. Có việc để làm. Nghĩa là việc kiếm sống với mình nó nhẹ nhàng, nó như vui chơi ấy thôi. Nhưng khi vào đây, mình chẳng quen ai, hầu như các mối quan hệ chỉ là sơ giao. Mà mình thì nghe nhiều chuyện về sự cạnh tranh, những đố kỵ trong giới người mẫu nữa. Nhưng phải nhập cuộc ngay lập tức. Nếu không thì mình sẽ bị sốc, bị chán nản và sẽ muốn quay về.

Thực sự ở Hà Nội người mẫu không có nhiều điều kiện làm nghề. Khi vào môi trường mới, tôi có những cơ hội tốt trong nghề nghiệp, đi diễn nhiều hơn, chụp hình tạp chí cũng nhiều, tham gia quảng cáo cho một số nhãn hàng. Nếu ở Hà Nội có lẽ lúc này tôi đã giải nghệ, đi làm việc khác. Còn ở đây thì mình được làm nghề. Bạn bè đồng nghiệp cũng quý nhau. Tôi may mắn là không gặp sự cố nào trong nghề nghiệp.

- Có một điểm này không biết có chính xác 100% hay không, nhưng khi cô nói giọng Bắc thì sẽ có một số người Nam không thích. Khái niệm "Bắc kỳ" thường được dùng theo hướng hơi tiêu cực một chút. Và trong giới nghệ sỹ, điều này có vẻ rõ rệt hơn vì sự cạnh tranh cũng trực tiếp hơn. Cô có thấy điều này? Sự hòa nhập có vất vả?

- Cũng có thể anh nói đúng. Nhưng một số người thì không có nghĩa là tất cả không yêu quý mình. Tài năng, nỗ lực mới là thứ quan trọng nhất để chinh phục. Còn chuyện đố kỵ ở đâu cũng có. Mình phải vượt qua thôi. Khi mới vào tôi gần như không trò chuyện với ai. Đi diễn thì ngồi im trong cánh gà, diễn xong thì đi về. Tôi cũng không la cà quán xá. Vì la cà tốn tiền, tốn thời gian và chắc chắn sẽ bị tai tiếng.

Chẳng hạn hôm nay mình ngồi với một người bạn, ngày mai với người bạn khác, chẳng ôm chẳng hôn chẳng làm gì cả, nhưng người ta sẽ vẫn đi nói là mình quan hệ lăng nhăng, cặp người này, cặp người kia.

Tôi cũng không quen ăn cơm ở ngoài đường. Từ khi vào Sài Gòn, tôi đi chợ và về nhà nấu cơm, ăn cơm Bắc đã quen. Chuyện "kỳ thị" thì chắc là không có nhiều đâu, nếu có cũng chỉ là một số rất ít cực đoan thôi. Tôi luôn nhìn người Sài Gòn như những người cởi mở và chân thành nhất. Mà ở đây, đi đến bất cứ đâu, anh cũng thấy có nhiều giọng nói. Người Sài Gòn gốc rất ít. Mà đất này là đất của những cuộc hội ngộ, người đến từ muôn phương. Ai thích ứng được thì ở lại, vậy thôi.

- Cô học múa, đi diễn thời trang, sống một mình trong thành phố sôi động, quả là điều kiện lý tưởng cho những thị phi. Và cả những lời đề nghị khiếm nhã. Sống thế nào để mình không phải hát "trách ta vội vàng nên đánh mất"?

- (Cười) Tôi là một con nhím xù lông ngay trước bất cứ nguy hiểm nào. Không nên hy vọng đến gần tôi chỉ vì những điều đó. Chỉ những ai hiểu tôi thì mới yêu được tôi thôi. Tôi cũng may chưa dính thị phi nào.

- Cô có từng phải trả giá vì quyết định ra đi của mình?

- Không. Tôi không có khái niệm trả giá, vì đã quyết thì không hối hận. Nếu có một điều tiếc thì đó là chuyện tình cảm. Tôi đã chia tay bạn trai. Vì tôi đã quá chú tâm vào phát triển sự nghiệp mà người ta thì lại không thể chia sẻ hết được với mình. Chia tay. Tôi sống một mình. Công việc kéo mình đi ầm ầm. Đến giờ cũng không thấy buồn. Tôi mới 22 tuổi, cũng không vội gì, để xem người nào yêu mình thật lòng thì hãy yêu, chứ lao vào nhau ầm ầm rồi mai mốt nói "giá như..." thì cũng tội cho tình yêu...

- Cô mở tiệm tóc, tính chuyện kinh doanh rồi, cô chán thời trang sao?

- Không chán. Kinh doanh là hoạt động song song với nghề người mẫu. Tạo mẫu tóc cũng rất gần với thời trang mà. Tôi mở cùng chị gái, chứ mình thì không có nhiều thời gian. Tôi thích ca hát. Nên thời gian tới có thể sẽ tham gia ca hát. Vẫn yêu nghệ thuật và muốn làm được điều gì đó. Kinh doanh là chuyện lâu dài, còn nghệ thuật thì chỉ có thời để mình tìm kiếm cơ hội thôi.

- Xin cảm ơn cô!

Siêu mẫu Thùy Dương: Vẫn còn có ngày mai

Thùy Dương là trường hợp đặc biệt. Cô đoạt giải vàng siêu mẫu phía Bắc 2005, cũng lọt vào top 10 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và tham gia một cuộc thi quốc tế nữa. Nhưng quả là không may mắn, cô gần như vẫn chưa được giới thời trang biết tới khi mọi hoạt động của cô vẫn còn trong khuôn khổ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Và đến tận giữa năm 2009, cô mới chính thức gia nhập đội ngũ người mẫu tại TP Hồ Chí Minh, sau khi giã từ môi trường quân đội.

Ở tuổi ngoài 20, Thùy Dương được các nhiếp ảnh gia mê đắm, vì khả năng biến hóa trong những phong cách khác nhau, tạo nên những bức ảnh thời trang đặc biệt. Điều này không dễ có. Đó là điểm mạnh nhất của chân dài này. Cao, mảnh mai và gần như không trang điểm trong đời thường, Thùy Dương mang đến cảm giác giản dị. Nhưng khi cô chạm đến những bộ trang phục và sắc diện biến ảo theo từng gam màu make up, cô đã là một người khác. "Cô Bắc kỳ nho nhỏ" đang là một cơn gió lạ, xuất hiện đều đặn trên sàn catwalk Sài Gòn và có cuộc đổ bộ rầm rộ trên các trang tạp chí. Như thể, cô đã chờ đợi cơ hội này của mình trong suốt nhiều năm và ngày hôm nay đã đến.

Thùy Dương

Thùy Dương đã để lỡ một nhịp với nghề người mẫu. Đó là khi cô có hàng loạt các giải thưởng và được xướng tên trong danh sách những người mẫu mới nhiều triển vọng. Nhưng khi ấy, cô tiếc công và gia đình cô mong muốn con gái có được sự ổn định lâu dài.

Cô rời nhà để vào trường nghệ thuật quân đội học từ năm 12 tuổi. Và cô đã chọn Đoàn nghệ thuật quân khu 2 để hoạt động, như một lẽ đương nhiên. Và khi đã nằm trong biên chế một đoàn nghệ thuật, những kỷ luật hành chính sẽ làm giới hạn lại những hoạt động nghệ thuật của một người mẫu. Mà cơ hội dành cho người mẫu ở Hà Nội chưa bao giờ nhiều. Cô đã chính thức loại mình ra khỏi top những người dẫn đầu, để an phận với công việc của một nghệ sỹ - chiến sỹ.

Nhưng, sự tiếc nuối đã diễn ra nhiều ngày sau đó. Và cô cảm thấy như mình đã bỏ qua đi những cơ hội không được phép đánh mất. Và quyết định dứt bỏ để làm lại đã được đưa ra sau 2 năm. Quả là một sự dũng cảm. Nhưng cuối cùng, cô đã bắt nhịp rất nhanh chóng với cuộc sống và công việc. Thùy Dương được dự báo sẽ là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng mẫu năm 2009.

Những ngày này, Thùy Dương đang di chuyển Hà Nội - Sài Gòn. Cô đang tìm... mua nhà. Như một sự chắc chắn để... an cư. Và cô sẽ tiếp tục công việc của một người mẫu trước khi ca hát và đóng phim.

Theo Thảo Điền



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.