Lại trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) có công văn số 750/NTBD-PQL “thổi còi” một số Sở VH-TT&DL địa phương trong việc đưa ra quy định bắt buộc các nhà sản xuất băng, đĩa và các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng và giấy biên nhận đóng tiền bản quyền mới được cấp phép. Còn Cục Bản quyền Tác giả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả...

“Lịch sử” vẫn… lặp lại

Công văn số 750 do Cục trưởng Lê Ngọc Cường ký ngày 3/11/2009 xuất phát từ việc một số Sở VH-TT&DL, trong đó có TP. HCM, từ gần một năm nay đã có quy định bắt buộc các nhà sản xuất băng, đĩa và các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật muốn xin cấp giấy phép sản xuất, phát hành băng, đĩa và biểu diễn khi nộp hồ sơ phải có hợp đồng và giấy biên nhận đóng tiền bản quyền thì mới được cấp phép.

Công văn trên, ra đời sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VH - TT&DL Trần Chiến Thắng, khẳng định việc làm nói trên của các Sở địa phương là sai nguyên tắc, trái với quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, với quy định nói trên của Sở VH-TT&DL TP.HCM, được biết, số tiền bản quyền do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (BVQTGANVN) chi nhánh phía Nam thu được trong năm 2009 tăng lên đáng kể so với năm trước.

Sự việc này nhắc người ta nhớ tới “sự cố” gây ra nhiều luồng thông tin trái chiều xảy ra năm 2005 khi Trung tâm BVQTGANVN ký hợp đồng ủy nhiệm với khoảng 30 Sở Văn hóa Thông tin (VH - TT) địa phương thu tiền bản quyền tác giả đối với các hộ kinh doanh karaoke. Sở VH - TT Hà Tây là nơi đầu tiên thu được hơn 70 triệu đồng. Nhưng các hộ kinh doanh karaoke ở Hà Tây đã phản ứng bằng cách “kiện” lên Thanh tra Bộ VH - TT vì Sở đã xem việc thu phí nói trên như là điều kiện để đổi hoặc cấp giấy phép kinh doanh. Bộ VH - TT lúc đó đã lập tức “thổi còi” Sở.

Còn các nhạc sĩ và những người có nhiệt huyết với việc bảo vệ tác quyền của giới nhạc sĩ thì phản ứng rất gay gắt trên báo chí cũng như trong cuộc họp giữa các bên diễn ra sau đó. Một cán bộ của Trung tâm BVQTGANVN (hiện đã nghỉ việc) cũng đã kiến nghị Bộ VH - TT đưa vào các văn bản điều khoản khi cấp giấy phép chương trình biểu diễn phải xem xét xem đã có cam kết thỏa thuận tác quyền chưa. Ông này còn cho rằng, phải coi cam kết đó như một điều kiện bắt buộc của cấp phép. Không có điều kiện này tức là "đánh bùn sang ao", các cơ quan nhà nước nghiễm nhiên "đá" luật Bản quyền vì thấy khả năng vi phạm mà không ngăn chặn!

Luật “đi sau” luật, nhưng…

Trở lại sự việc vừa mới xảy ra, Cục NTBD “thổi còi” các Sở bắt buộc các đơn vị khi xin phép sản xuất hoặc tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng bản quyền là căn cứ theo luật. Bởi Nghị định 11/2006/NĐ-CP, Quyết định 47/2004/QĐ-BVHTT đang có hiệu lực không quy định hồ sơ xin phép phát hành băng đĩa và công diễn phải có hợp đồng và giấy biên nhận đóng tiền bản quyền.

Có chăng, về thủ tục cấp phép lưu hành, kinh doanh băng đĩa, theo Nghị định 11 thì phải có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng, Quy chế Hoạt động biểu diễn nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành theo Quyết định 47 đã được Bộ trưởng Bộ VH - TT (nay là Bộ VH - TT& DL) ký từ năm 2004, tức là trước thời điểm Việt Nam có Luật Sở hữu Trí tuệ.

Trong khi Luật Sở hữu Trí tuệ ra đời năm 2005 và đã vừa được sửa đổi vào năm 2009 này. Hơn nữa, để giải quyết những vấn nạn nhức nhối về bản quyền, ngày 31/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTG về việc Tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Như vậy, rõ ràng là Quyết định 47 đã có những điểm “đi sau” thực tế tới 4, 5 năm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm BVQTGANVN - từ chối bình luận về công văn 750 của Cục NTBD. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc quy chế về cấp phép biểu diễn và phát hành băng, đĩa ca nhạc nếu không yêu cầu người sử dụng thỏa thuận trước với tác giả thì vô hình trung đã tiếp tay cho hành vi xâm hại quyền tác giả. Ông cũng cho rằng, cần bổ sung vào quy chế này, dù chỉ một dòng, cho phù hợp Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành.

Còn theo Cục trưởng Lê Ngọc Cường: “Việc thực thi bản quyền là nguyên tắc. Là một người làm công tác quản lý, và cũng là một nghệ sĩ sáng tác, tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Tuy nhiên, ra quy định như việc một số Sở VH-TT&DL đã làm là sai vì nó không phải là chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan quản lý nhà nước cấp Sở. Hơn nữa, theo tôi, để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội ta, những người thực thi bản quyền cần phải vận động để thay đổi nhận thức về vấn đề này. Việc trả bao nhiêu tiền cũng là sự thỏa thuận của “người bán”, “người mua”. Cơ quan quản lý không thể thu thay cũng như không thể “ép” các đơn vị được. Trong giấy phép cấp cho các chương trình biểu diễn, băng, đĩa ca nhạc, chúng tôi đều ghi rõ: Đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đóng bản quyền. Việc hỗ trợ có lẽ chỉ có thể dừng ở đó… Hơn nữa, theo tôi, mức thu phí tác quyền cũng phải xây dựng thành hệ thống để Bộ Tài chính duyệt như chế độ nhuận bút hiện hành, chứ không thể để xảy ra tình trạng thu bao nhiêu thì thu, nhiều cũng được mà ít cũng xong như hiện nay. Còn nếu cho rằng Quyết định 47/2004/QĐ-BVHTT có những điểm không phù hợp thực tế thì phải nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm để sửa chữa. Nhưng việc sửa chữa không thể cảm tính mà phải có căn cứ khoa học. Chúng tôi hoàn toàn không cản trở việc thu phí tác quyền. Song Trung tâm BVQTGANVN cần phải xây dựng bảng phí hợp lý, phù hợp với đời sống xã hội. Thực thi nghiêm túc, và phải đảm bảo tính công bằng…”.

Một lần nữa, vấn đề bản quyền lại “lùm xùm” từ trong nhận thức, cũng như trong cách thức thực hiện của chính những người đang thực thi pháp luật. Thiết nghĩ, việc các đơn vị này cùng ngồi lại với nhau để đưa ra tiếng nói chung không có gì khó khăn. Thế nhưng không rõ vì sao chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” cứ lặp đi lặp lại ở vấn đề bản quyền âm nhạc vốn đã rõ như ban ngày?

Theo Hà Chi - Thu Hằng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.