Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi thuộc về phe số ít!

Thời gian này nhạc sĩ Dương Thụ có lẽ không có một cuối tuần đúng nghĩa: ông đang tất bật với vai trò giám đốc nghệ thuật của nhiều dự án khá “đồ sộ”. Một trong số ấy là chương trình hòa nhạc VietNamNet - Điều còn mãi sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội đúng vào thời khắc ghi nhớ lại lịch sử dân tộc 64 năm trước: 14 giờ ngày 2/9. Và một quán cà phê...

“Hồi ức” và “Niềm hy vọng” luôn song hành

- Điều gì khiến ông nhận lời làm giám đốc nghệ thuật chương trình hòa nhạc Điều còn mãi tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều ngày 2/9 tới đây? Nó có giống với 15 năm trước, khi ông làm tổng đạo diễn chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam (1994) cũng trên sân khấu này?

- VietNamNet có ý tưởng mà tôi thích: muốn tổ chức định kỳ hàng năm vào 14h ngày 02/09 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội một buổi hòa nhạc nghiêm túc theo phong cách thính phòng - giao hưởng. VietNamNet không nhảy vào kinh doanh ca nhạc mà muốn dùng khả năng truyền thông của mình để làm một việc có ý nghĩa bằng âm nhạc. Điều này thuyết phục tôi. Được làm một chương trình như thế phù hợp với lòng mong muốn của tôi cũng như của nhiều bạn bè âm nhạc: làm một điều gì đó, không phải cho mình mà là cho đất nước mình, bằng chính cái nghề của mình.

Nhạc sĩ Dương Thụ

Điều còn mãi có cái tầm của Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam nhưng do thu hẹp trong phạm vi thính phòng - giao hưởng nên về mặt văn hóa âm nhạc nó ở một đẳng cấp cao hơn. Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam chỉ diễn ra một lần, còn Điều còn mãi là một chương trình định kỳ theo năm với một giờ diễn duy nhất và ở một đia điểm duy nhất. Và cái trước (Nửa thế kỷ) “đóng” để kết thúc một thời kỳ, còn cái sau (Điều còn mãi) “mở” gắn hơn với sự phát triển của xã hội và âm nhạc

- Mấy năm trước, ông và ê kíp Mỹ Linh - Anh Em đã thực hiện album Chat với Mozart được xem là một “biến tấu” âm nhạc bác học để đưa âm nhạc này đến gần hơn với công chúng trẻ Việt Nam. Điều còn mãi có đi tiếp con đường này?

- Chat với Mozart là tìm cách bắc cầu để bạn trẻ nào không có dịp tiếp xúc với âm nhạc cổ điển đến với âm nhạc cổ điển. Điều còn mãi là làm sống lại bằng âm nhạc “hồi ức và niềm hy vọng” về những điều đẹp nhất vẫn ẩn giấu trong tâm hồn mỗi người về đất nước mình cho lớp công chúng đã từng tạo ra lịch sử và lớp công chúng mới đang tác động đến chuyển động của xã hội.

Và phần nào nó muốn tìm cách bộc lộ cái nền móng thật sự của âm nhạc Việt Nam thông qua những tác phẩm đầy cảm xúc và giàu tính nghệ thuật của nền khí nhạc và thanh nhạc “có tính chất trường qui” mà chúng ta đã gây dựng ngót nửa thế kỷ.

- Sóng gió đã từng nổi lên khi ông giữ vị trí người lựa chọn và biên tập tác phẩm trình diễn Trong chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam. Với Điều còn mãi, ông có gặp khó khăn và băn khoăn gì khi lựa chọn và biên tập tác phẩm?

- Chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam mà bạn nhắc đến “phức tạp” lắm. Tôi bị “ăn đòn” nhiều, nói theo cách nói của các bạn nhà báo, là bởi nó động chạm đến một vài “vấn đề nhạy cảm”. Chương trình này thì không. Tình hình xã hội bây giờ không phải như 15 năm trước, cởi mở hơn nhiều. Vả lại, tuy vẫn là “lịch sử tâm hồn người Việt” viết bằng âm nhạc nhưng lại thu hẹp trong lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc “hàn lâm” nên tác phẩm và tác giả của nó không quá nhiều để ta gặp khó khăn trong việc lựa chọn.

Không phức tạp, nhưng cũng không có nghĩa là đơn giản. Buổi hòa nhạc ấy sẽ như thế nào? Nó hướng đến điều gì (những giá trị nhân văn và âm nhạc) và công chúng của nó sẽ là ai ? Việc định dạng nó không dễ. Tôi luôn nghĩ rằng muốn vượt qua 2 mét, không nên đặt sào 1,99 mét. Phải từ từ nâng dần lên. Một buổi hòa nhạc - thính phòng giao hưởng ở ta (và chỉ ở ta thôi) trong mức độ “dân trí âm nhạc” còn thấp đừng nên “nặng” (về học thuật) quá.

Trong 14 tác phẩm sẽ trình diễn, tôi đặt tỷ lệ 7/7 cho khí nhạc và thanh nhạc, 11/3 cho cái “dễ nghe” và cái “ khó nghe” khi cấu tạo chương trình. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, Hòa nhạc Vietnamnet 2009 Điều còn mãi vẫn luôn phải là một chương trình hòa nhạc nghiêm túc, phải như một hồi ức và như một hy vọng về những điều đẹp nhất của đất nước mình. Và ê kíp làm chương trình phải đưa ra một góc nhìn riêng về chuyên môn những gì âm nhạc nghiêm túc Việt Nam đã trải qua và sẽ hướng tới, cái mà chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam đã chưa thể làm được.

Còn có “gặp khó khăn và băn khoăn gì” ư, thì đó thuộc về “túi tiền” và thời gian làm chương trình: tài chính cạn hẹp (mà chương trình đầu tiên này lại không muốn bán vé) và quĩ thời gian quá eo hẹp cho một chương trình lớn (có một tháng). Nhưng khó khăn cũng là một cái hay, vì ít nhất nó cũng buộc ta phải cố gắng hơn và cũng giúp ta có nhiều kinh nghiệm hơn để làm những chương trình tới.

Nghệ sỹ Violon Bùi Công Duy cũng sẽ có mặt trong chương trình Điều còn mãi

- Điều gì ông mong muốn và hy vọng sẽ là “điều còn mãi” của chương trình này?

- Thứ nhất, đó là cái hồn của chương trình thông qua tiếng đàn và giọng hát đầy cảm xúc của các nghệ sĩ trình diễn. Cả người diễn lẫn người nghe sau cuộc biểu diễn nhờ nó sẽ nhận ra được điều này: Chúng ta có thể thay đổi, có thể để mất nhiều thứ nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, không thể mất đi, và sẽ còn mãi mãi đó là tình yêu đối với đất nước mình.

Thứ hai, trong chương trình, cả “hồi ức” lẫn “niềm hy vọng” luôn song hành: Tác giả, tác phẩm của một thời cùng với tác giả tác phẩm và người trình diễn là của ngày hôm nay và họ chính là niềm hy vọng của chúng ta. Tôi đã đưa vào chương trình tác phẩm viết cho piano, bản Fantasia Bồng bềnh của Tuệ Nguyên (nhạc sĩ sáng tác thuộc thế hệ 8X đã có tác phẩm viết cho piano rất độc đáo: Piano “đối thoại với Tuồng”, “đối thoại với Chèo cổ”), và hai nghệ sĩ độc tấu thế hệ 7X đầy cá tính, có tiếng đàn theo tôi là rất hay - trong tương quan Việt Nam, nhưng chưa được công chúng biết đến: Xuân Huy (Violon), Phó An My (Piano). Đấy là chưa kể Bùi Công Duy (violon), một người nổi tiếng thuộc thế hệ 8X.

Và sau cùng, là cái nhìn “đời hơn” đối với nhạc thính phònggiao hưởng, một phong cách âm nhạc được mệnh danh là bác học, hàn lâm hay kinh viện gì đó. Một số ca khúc viết trong kháng chiến và sau ngày hòa bình lập lại như Người Hà Nội, Du kích sông Thao, Bình Trị Thiên khói lửa, Người về mang tới niềm vui, Mẹ yêu con, Bài ca hy vọng, Xa khơi vốn là những ca khúc thông thường sẽ được “thính phòng hóa” (cái thì dựng thành Acapella, cái thì hát với dàn nhạc giao hưởng, cái thì hát với Piano). Một số ngôi sao nhạc nhẹ sẽ đứng cạnh ca sĩ thính phòng trong chương trình: Mỹ Linh, Khánh Linh, Đức Tuấn có mặt cùng với Quang Thọ, Lan Anh, Tân Nhàn.

Làm một cái gì đó lớn hơn album

- Bên cạnh các chương trình hòa nhạc hàn lâm tiếng tăm như Hennessy Concert, Toyota Classic, thời gian gần đây đáng chú ý đã có những chương trình hòa nhạc “100% Việt Nam” như Giai điệu mùa thu hay Điều còn mãi. Ông có nghĩ rằng âm nhạc hàn lâm đang tìm được đường đến với công chúng ở Việt Nam?

- Tìm đường đến với công chúng thì đúng, nhưng đã tìm được chưa thì tất cả mới chỉ là bắt đầu. Tôi là một khán giả nhiệt thành của những chương trình giao hưởng - thính phòng diễn ở TP. Hồ Chí Minh, hoặc ở Hà Nội (mỗi khi tôi ra ngoài đó). Từ hàng ghế khán giả tôi hiểu rằng sẽ còn lâu chúng ta mới trở lại được cái không khí giao hưởng - thính phòng của những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước.

Tôi rất thích thú với cách làm chương trình của Nhà hát giao hưởng Việt Nam, một thái độ thật đời sống, thật gọi mời đối với người nghe nhạc trẻ tuổi, khi phút giải lao có cuộc thi vui tập làm nhạc trưởng dành cho khán giả. Cả dàn nhạc giao hưởng đã đánh theo sự chỉ huy của một cô bé thế hệ 9X, người trước đó đã rất hồn nhiên khai rằng mình không biết một nốt nhạc nào.

Tiếng cười vui, tiếng vỗ tay độ lượng đã xóa đi cái khoảng cách mênh mông giữa cái được gọi là hàn lâm, là bác học với đời sống bình thường. Tôi tin rằng với lớp nghệ sĩ và những người quản lý trẻ tuổi của Nhà hát giao hưởng, của Học viện âm nhạc quốc gia cũng như các nhà hát và nhạc viện trong cả nước, với cách nhìn mới và cách làm mới họ sẽ tìm được đường đến với công chúng. Họ sẽ làm được những điều mà các quốc gia phát triển khác đang làm.

- Theo ông, đâu là trở ngại của những concert “made in Vietnam” trên con đường đến với công chúng trong nước và đi ra thế giới? Chương trình Giai điệu mùa thu từng có dự định tổ chức tại Singapore nhưng bất thành vì kinh phí trong khi Hennessy concert hay Toyota Classic đứng sau đều là những “đại gia” kinh tế. Phải chăng các concert Việt đang phải chờ những “đại gia Việt”? Bao giờ thì những “đại gia” này thay vì đổ núi tiền mua những chân sút hàng “khủng” (bóng đá) để “mua” những đêm nhạc này?

- Tôi nghĩ rằng đẳng cấp của Hennessy và Toyota là đẳng cấp văn hóa chứ không đơn giản chỉ là “đẳng cấp tiền”. Phải giàu đến mức nào (cả về văn hóa lẫn tiền bạc) mới có thể làm được Hennessy concert hay Toyota Classic. Đại gia Việt Nam tôi chả rõ tiền bạc đến mức nào, nhưng xem cách tiêu tiền của họ tôi thấy thuyết phục để họ “mua” những đêm nhạc kiểu này cũng chẳng dễ đâu. Dẫu vậy tôi cũng đã thấy có người coi trọng văn hóa, nhận ra tầm quan trọng của nó đối chiến lược kinh doanh và sự phát triển xã hội, nhưng những người ấy chỉ là một vài, và chưa đủ sức mạnh tài chính. Chúng ta cần chờ đợi.

- Con đường “biến tấu” để phổ cập âm nhạc bác học theo kiểu Chat với Mozart theo ông bây giờ có còn cần thiết? Vì sao ông dừng lại dự án này?

- Tôi đâu có dám phổ cập âm nhạc bác học, nếu có làm chỉ vì quá mê nhạc cổ điển, thấy được cái ích lợi của nó đối với sự hoàn thiện bản thân nên muốn chia sẻ với các bạn trẻ bằng cách cùng với Mỹ Linh, Anh Quân, Huy Tuấn làm Chat với Mozart để “dụ dỗ” họ, làm cho nhạc cổ điển trở nên bớt “đáng sợ”, có thể nghe được. Làm cách này cũng thành công, đĩa phát hành số lượng vượt ngoài tưởng tượng của mình. Vừa qua vì có quá nhiều việc nên tạm ngưng thôi. Tôi nghe nói anh Nguyễn Bách có lập một nhóm hát cổ điển theo kiểu “Chat với Mozart” (đặt lời Việt cho các giai điệu nhạc đàn cổ điển), chưa biết khi nào họ ra mắt, nhưng đó cũng là một ý hay.

Dương Thụ trong chương trình Echo of Love - Ảnh: Hữu Trịnh

- Theo dõi chương trình Giai điệu mùa thu, ông tỏ ra rất thích thú với sáng tác mới của Việt Anh hay phần chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Dường như những bạn trẻ này đang truyền cho ông cảm hứng để làm một cái gì đó rất mới, thay vì viết những ca khúc cho các “ngôi sao” như đã từng?

- Việt Anh viết cho dàn nhạc khá phức tạp nhưng nghe hấp dẫn. Ngôn ngữ mới lạ mà không chuộng lạ. Trần Nhật Minh chỉ huy rất tuyệt vời một tác phẩm đồ sộ viết cho hợp xướng và dàn nhạc làm tôi nảy ra ý định cộng tác với Trần Nhật Minh dựng cho hợp xướng không nhạc đệm tổ khúc Những bài hát ru của tôi mà tôi vẫn để trong ngăn kéo cái bản nháp dang dở từ nhiều năm nay.

Làm một cái gì đó lớn hơn một bài hát đã bắt đầu từ album Khu vườn yên tĩnh viết cho Hồng Nhung. Nhưng album ra và dừng lại. Kịch bản cho một thứ nghệ thuật pha trộn định làm với Quốc Trung cũng không thành. Bây giờ lại háo hức mơ đến những dự án âm nhạc mới. Đúng như bạn nói, sau khi trả nợ song mấy cái album ca khúc đã chót nhận lời với ca sĩ, tôi sẽ làm một thứ nhạc khác. Đã lớn tuổi rồi, quĩ thời gian cho nghệ thuật còn ít lắm.

Chủ quán bất đắc dĩ

- Vậy mà lại thấy ông đang rất bận rộn với việc khai trương quán Cà phê Thứ Bảy. Nhiều người ngạc nhiên hỏi: nhạc sĩ Dương Thụ đã chuyển qua kinh doanh cà phê từ lúc nào?

- Tôi đâu có kinh doanh cà phê. Cà phê Thứ Bảy là một dự án văn hóa do tập đoàn Trung Nguyên đầu tư tài chính. Anh Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng giám đốc) là người coi trọng văn hóa, nhận ra tầm quan trọng của nó đối với chiến lược kinh doanh và sự phát triển xã hội đã ủng hộ tôi thực hiện dự án. Trung Nguyên đảm trách phần đầu tư và kinh doanh, còn tôi làm văn hóa. Nhưng để dự án không bị đi chệch hướng tôi phải nhận làm “chủ quán một cách bất đắc dĩ”.

Đây là quán cà phê mà trí thức, văn nghệ sĩ, những người yêu thích văn hóa nghệ thuật và thích sáng tạo là khách hàng thân hữu có nghĩa đây là chỗ cà phê của bạn bè cùng giới. Có người hỏi nó là cà phê sách, hay cà phê nhạc, hay cà phê tranh, cà phê điện ảnh? Xin thưa rằng không phải, dù nó cũng có tranh, có nhạc, có sách .v.v... đấy. Muốn biết hoạt động văn hóa của nó như thế nào xin bạn đến Cà phê Thứ Bảy, 37 Nguyễn Đình Chiểu (góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Phùng Khắc Khoan) sau ngày khai trương (5/9/ 2009) thử tìm hiểu xem. Có thể nó cũng hay đấy.

Chương trình Giai điệu mùa thu

- Ông từng nói: niềm ham mê lớn nhất của cuộc đời là viết nhạc. Vậy với công việc mới này thì sao?

- Công việc mới này tôi đâu có làm một mình. Cả một ê kíp chủ trì cho những cuộc “cà phê tán gẫu” văn hóa văn nghệ. Ví dụ để chia xẻ về âm nhạc đã có nhà báo Danh Đức, người nổi tiếng với chuyên mục “Lá thư âm nhạc”, nói chuyện sách đã có học giả Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Văn Trọng, nói chuyện tranh pháo đã có nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân và nhà sưu tập tranh hàng đầu Trần Hậu Tuấn .v.v...

Công việc của tôi chỉ là kết nối anh em lại. Việc này tôi làm được, vui là chính. Ai lại đi bỏ nghề để làm chuyện bao đồng. Tôi vẫn còn viết nhạc được mà. Năm nay tôi phải “trả nợ” hai album, một của Nguyên Thảo, một của Đức Tuấn, sang năm làm tiếp với Trọng Tấn, Khánh Linh. Đấy chưa kể phải tham gia làm đĩa với Anh Quân, Mỹ Linh.

- Những ca khúc nổi tiếng, gắn bó với các ca sĩ nổi tiếng - đã đưa ông đến với “công chúng số nhiều”. Vì sao giờ này ông lại nói nhiều, bày tỏ sự quan tâm nhiều tới “công chúng số ít”?

- Thanh Lam hát rất nhiều bài của tôi nhưng công chúng mỗi khi nói đến Thanh Lam người ta nghĩ đến Thuận Yến, Thanh Tùng, Quốc Trung, Lê Minh Sơn, có ai nghĩ đến Dương Thụ. Cũng như thế cô Hồng Nhung thì “cặp” với Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Lã Văn Cường (Vườn yêu), Duy Thái (Lời của gió), còn tôi cũng chỉ gọi là. Hát là một chuyện, còn họ có nghe không là một chuyện khác. Cũng không có nhiều người nghe nhạc của tôi lắm đâu.

Ra đường vẫn có người rụt rè hỏi tôi: “Chú có phải là Thanh Tùng không”, hoặc “Ông này là Bảo Chấn đấy mày ơi”, hoặc “Thưa chú Bảo Phúc, chú hồi này có sáng tác nhiều không ạ”. Tôi ngượng, nhưng đành phải vậy thôi vì các ông Thanh Tùng, Bảo Chấn, Bảo Phúc “đè” mình bẹp dí rồi còn oan nỗi gì. Đấy là chưa kể các ông bạn trong bộ tứ Hà Nội của tôi: Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, nếu đứng cạnh ba ông ấy, gần như mọi người chẳng biết mình là ai. Cũng “hơi bị tủi thân”.

Tôi biết mình bao giờ cũng thuộc về phe thiểu số, nên cái danh hiệu người của công chúng chẳng qua cũng chỉ là một sự hiểu lầm. Tôi thuộc về phe số ít nên quan tâm đến số ít cũng là điều tự nhiên. Làm nhạc dù không được hàng triệu người yêu thích mà chỉ độ khoảng nghìn người (một nghìn lần ít hơn) với tôi cũng là hạnh phúc lắm rồi.

- Từ khi quan tâm tới “công chúng số ít” này, ông phát hiện ra được những điều gì thú vị?

- Không phải là “từ khi” mà tôi vốn là người quan tâm đến số ít trong việc giao tiếp và làm nghệ thuật. Tôi nhận được ở số ít sự thấu hiểu và những tình cảm sâu sắc. Đó là cái được của việc sống và làm nghệ thuật của riêng mình.

- Xin cám ơn ông

Theo Vân Hạc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.