Phải tước hết, kể cả chút sĩ diện của Diễm Hương?
Nhưng cho dù có dồn vào đường cùng, thì Diễm Hương vẫn được gọi là Hoa hậu.
Những gì Diễm Hương đang trải qua nếu xét một cách trầm trọng, thì xem như cô bị dồn vào đường cùng, bị cơ quan chức năng xử lý, bị xã hội lên án… Nhưng nếu tìm kiếm từ khóa “tước vương miện Hoa hậu” – thì kết quả hiển thị ngay lập tức lại là Mai Phương Thúy. Đơn giản là Hoa hậu Việt Nam 2006 cũng từng sống trong những ngày tháng hết sức cùng cực thế này.
Câu chuyện về việc Hoa hậu Mai Phương Thúy mặc chiếc áo dài mỏng tang năm 2012 kéo đến hệ quả là một làn sóng dữ dội trong dư luận đòi cô phải trả lại vương miện. Sự bới sâu quá mức của giới truyền thông kéo theo ý kiến chỉ trích của nhiều chuyên gia cho thấy Mai Phương Thúy chẳng khác nào kẻ “tội đồ”.
Buồn cười ở chỗ đã lâu lắm rồi Mai Phương Thúy không còn đeo vương miện khi đi ra đường, và chiếc vương miện của cô khi đăng quang cũng chẳng có giá trị gì về kinh tế (sau này người đẹp tự bỏ tiền túi ra mua vương miện khác to đẹp hơn). Hơn nữa cô cũng không gánh vác trọng trách gì của một Hoa hậu đã đăng quang 6 năm, cho nên có tước hay không tước cũng không giải quyết vấn đề gì.
Bởi vì, một lần làm hoa hậu, mãi mãi được gọi là hoa hậu.
Tước vương miện không tước được danh xưng
Chuyện hoa hậu bị tước vương miện trên thế giới xưa nay chẳng thiếu. Nhưng tất cả các trường hợp đó đều cùng chung một lý do: không hoàn thành trọng trách của một đương kim hoa hậu. Trọng trách ở đây được tính bằng một nhiệm kỳ trong khoảng một năm trước khi tìm được người kế nhiệm. “Nếu vì bất cứ lý do gì, tân hoa hậu không thể hoàn thành sứ mệnh thì Á hậu 1 sẽ là người thay thế” – đó là câu nói quen thuộc của tất cả các MC Hoa hậu Hoàn vũ trước khi công bố người thắng cuộc.
Còn ở Việt Nam, có những cuộc thi chỉ tổ chức một hoặc hai lần, và tất nhiên các Hoa hậu ở Việt Nam không có trọng trách gì sau khi đăng quang. Vậy thì nếu như không có trọng trách, việc tước đoạt danh hiệu hóa ra… chẳng để làm gì cả!
Nếu như Thu Thảo có nghĩa vụ làm từ thiện trên toàn đất nước Việt Nam, nghĩa vụ đại diện Việt Nam tranh tài tại Miss World… thì đương kim Hoa hậu Việt Nam có lẽ bị tước vương miện từ lâu, cả Ngọc Hân và Thùy Dung cũng vậy. Các cô gái này hầu hết hoạt động tự do, không có tổ chức bảo lãnh và cũng tùy hứng quyết định thi Miss World hay không.
Hoặc trớ trêu hơn là trường hợp của Hoa hậu Thùy Lâm, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ cách đây đã 7 năm mà vẫn chưa tìm được người kế nhiệm. May là cô chẳng có trách nhiệm gì cả, cho nên đã sòn sòn đẻ 2 nhóc tì và tận hưởng cuộc sống đầy hạnh phúc.
Đối với Diễm Hương, cô hoàn toàn tuân thủ quy định khi tham dự Hoa hậu Thế giới người Việt. Sau đó tiếp tục đại diện Việt Nam lọt vào chung kết Miss Earth. Việc cô tham dự Hoa hậu Hoàn vũ nghĩa là cô đã thuộc quyền quản lý của một tổ chức khác (công ty cổ phần Hoàn vũ). Các đơn vị này không can dự gì đến nhau, nên chuyện vì sai lầm ở cuộc thi thuộc đơn vị này mà tước vương miện ở một tổ chức khác xem ra khá rắc rối và buồn cười.
Phủi sạch những cống hiến của Diễm Hương
Diễm Hương phải chịu hình thức xử lý là điều hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không bị đẩy đi quá xa nếu cơ quan chức năng có động thái tìm hiểu trước thời điểm Diễm Hương thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Trong hồ sơ của mỗi thí sinh dự Miss Universe luôn phải có giấy chứng nhận chưa từng kết hôn. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục đã nhận được giấy chứng nhận chưa kết hôn của Diễm Hương. Tức là trong cùng một năm, UBND phường nơi Diễm Hương sinh sống vừa chứng nhận đăng ký kết hôn (giấy Chứng nhận kết hôn số 81 tại UBND phường 10, quận Phú Nhuận, TP HCM, vào ngày 21-11-2011) và chưa đăng ký kết hôn cho người đẹp này. Vậy thì sai phạm ở đây đồng thời thuộc về cơ quan chức năng nơi Diễm Hương sinh sống nhưng không được các cơ quan truyền thông lưu tâm.
Thông tin về việc Diễm Hương đã kết hôn và xăm mình từng xuất hiện ồ ạt trước khi cô lên đường tham dự Miss Universe. Có thể hiểu ở đây, Diễm Hương một phần vì muốn được thể hiện bản thân và đóng góp sức mình tại một đấu trường mang tầm vóc quốc tế, một phần vì năm 2012 là năm “kiệt quệ” nhan sắc nước nhà nên cô được coi là lựa chọn tối ưu. Suốt quá trình dự thi, Diễm Hương đã làm tròn trách nhiệm của mình và sau đó, cô tiếp tục được công ty cổ phần Hoàn vũ bầu chức đại sứ Miss Universe Việt Nam – người sẽ tìm kiếm và đào tạo các đại diện của Việt Nam trong tương lai.
Thành tích lớn nhất là Diễm Hương đoạt được là lọt top 14 Hoa hậu Trái đất 2010 – điều mà chưa từng có cô gái Việt Nam nào làm được. Vậy phải chăng, tước vương miện của Diễm Hương cũng nên tước luôn thành tích này của người đẹp?
Hoa hậu đã trở thành một nghề
Những luồng dư luận nặng nề dồn nén khiến Diễm Hương hoàn toàn mất tích khỏi giới truyền thông. Câu hỏi được đặt ra là nếu không tham gia biểu diễn nghệ thuật nữa, phải chăng Diễm Hương sẽ trở thành… dân thường hay chờ đợi vài năm để có cơ hội quay lại đóng phim?
Chuyện có đóng phim hay không cũng chưa bao giờ thuộc về trách nhiệm hay phận sự của một Hoa hậu. Có thể Diễm Hương không cần làm hoa hậu, với nhan sắc và khả năng của mình, cô vẫn tham gia đóng phim và lao động nghệ thuật. Để có được vai diễn trong phim là cả một quá trình phấn đấu và học hỏi của Diễm Hương, chứ không phải vì là Hoa hậu nên cô được trao một xuất đóng phim. Nhưng với lệnh cấm được ban hành, không nói đến cá nhân Diễm Hương mà nhà sản xuất bộ phim Mỹ nhân Sài Gòn bỗng dưng mất trắng 16 tỷ đồng và hàng trăm người trong ekip lãng phí thời gian, công sức là điều khó chấp nhận. Xét một cách rộng hơn, vì sai phạm trong một cuộc thi nhan sắc mà cấm hoàn toàn hoạt động biểu diễn của Diễm Hương – vô tình Cục nghệ thuật biểu diễn đang coi Hoa hậu cũng là một nghề?
Phải chăng chúng ta đang quá đặt nặng ý nghĩa của hai tiếng “hoa hậu”, khi nhất quyết buộc Diễm Hương phải trả lại vương miện dù điều đó không giải quyết vấn đề gì? Chưa nói đến việc một số kênh truyền thông còn đề xuất người sẽ kế vị Diễm Hương. Thực tế, hai Á hậu là Kiều Khanh và Thúy Vi đều không sống ở Việt Nam và cũng không có đóng góp gì nổi trội, cô gái khác trong top 5 là Phan Thị Lý thậm chí đã có chồng và sinh con.
Vì sao Trương Thị May dù sánh vai với các hoa hậu trên khắp năm châu nhưng vẫn chỉ được gọi là Á hậu trong nước – là bởi cô chưa bao giờ đoạt danh hiệu Hoa hậu. Trong khi Nguyễn Thị Loan chỉ lọt tới top 5 nhưng lại được gắn danh xưng là Hoa hậu vì được trao ngôi Hoa hậu Biển – một danh hiệu rất nhỏ? Vì chúng ta quá câu nệ danh xưng trong khi ở đấu trường quốc tế, họ đều được gọi là “Miss”.
Chuyện đặt nặng danh xưng vô tình khiến công chúng đôi khi quên mất cống hiến của cá nhân người được trao, mà chỉ trực soi xét xem họ có gọi đúng tên của mình hay không?
Tương tự với câu chuyện Lý Nhã Kỳ dự liên hoan phim Cannes đã giới thiệu cô là đại sứ Du lịch Việt Nam (dù đã hết nhiệm kỳ), hay Hà Anh đến buổi giới thiệu America’s Next Top Model tại Mỹ và giới thiệu cô là host của Vietnam’s Next Top Model. Lý Nhã Kỳ và Hà Anh bị không ít người chỉ trích, thay vì nhìn xem họ đã làm gì và cống hiến những gì. Nghĩ thoáng ra một chút, Lý Nhã Kỳ hay Hà Anh cũng đâu có tự huyễn hoặc về bản thân họ?
Cái kết bỏ lửng
Có lẽ câu chuyện về danh xưng của Hoa hậu Diễm Hương còn lâu mới đi đến hồi kết, vì người ta còn mải nhìn vào sai lầm của cô và chỉ trích. Diễm Hương có thể mất một vai diễn vì sai lầm đã trôi qua được 2 năm, nhưng hàng trăm người khác trong ekip phải vất vả thực hiện lại từ đầu cho một bộ phim. Diễm Hương có thể mất vài năm để học diễn xuất, làm từ thiện, làm đại sứ thiện chí… những thứ không phải là bổn phận của một hoa hậu Việt Nam mà cô dày công trau dồi và luyện tập – đó là cái giá phải trả của thực tại.
Dù sao, cô vẫn còn một hy vọng, đó là hy vọng vào thời gian trôi qua đủ dài để cho những cống hiến và thay đổi của bản thân mình.
Có điều, dù có bị cấm diễn và tước vương miện, thì khi nhắc đến “Hoa hậu” – người ta chỉ nhớ đến khoảnh khắc cô ấy đăng quang và được trao vương miện. Còn sau ánh hào quang tạm thời đó, mỗi người có một cách lựa chọn lối đi riêng cho cuộc đời mình.
Bởi vì, một khi đã trở thành hoa hậu, thì mãi mãi là hoa hậu!