‘'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô’
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: "Ôi, thật bi hài! Cả đời làm giáo dục của tôi chưa bao giờ chứng kiến một câu chuyện nào vớ vẩn như thế này cả. Cải thiện điểm ư? Hết sức vớ vẩn".
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: "Ôi, thật bi hài! Cả đời làm giáo dục của tôi chưa bao giờ chứng kiến một câu chuyện nào vớ vẩn như thế này cả. Cải thiện điểm ư? Hết sức vớ vẩn".
Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm tới những “bí ẩn” xung quanh chuyện Hoa hậu Đặng Thu Thảo đã được Trường ĐH Tây Đô dành nhiều ưu ái khi đặc cách cho thi tốt nghiệp hệ Trung cấp sớm hơn các học viên cùng lớp tới 3 tháng, rồi ưu tiên cho thi liên thông lên hệ Cao đẳng trước các học sinh cùng khóa.
Và điều bất ngờ có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục Việt Nam, đó là sau khi Thu Thảo đã trúng tuyển hệ Cao đẳng, thì Thu Thảo vẫn được trường Tây Đô cho phép trở lại làm bài kiểm tra ở hệ Trung cấp (dù đã công nhận tốt nghiệp) để “cải thiện điểm” (tất cả nội dung này là lời Quyền Hiệu trưởng Phan Văn Thơm; còn chưa rõ thực hư đến đâu).
Xung quanh những vấn đề bất thường này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo, tổ chức các kỳ thi.
“Đặc cách” cũng được nhưng phải tường minh
- Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, những ngày vừa qua sau khi các bạn học của Hoa hậu Thu Thảo cho rằng, cô không thi nhưng lại được công nhận đỗ tốt nghiệp hệ Trung cấp của ĐH Tây Đô, lãnh đạo trường này giải thích là Thu Thảo được “đặc cách” thi tốt nghiệp trước các học sinh khác để có thời gian dự thi hoa hậu. Là một cán bộ đã có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo, ông nghĩ sao về chuyện “đặc cách” này?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Thu Thảo được đặc cách thi tốt nghiệp hệ Trung cấp trước những học sinh cùng khóa, rồi lại trúng tuyển vào hệ Cao đẳng, sự thật thế nào thì chỉ có hiệu trưởng là người rõ nhất, vì trong quy định của Bộ về quy chế hoạt động của các trường đại học, kể cả Trung cấp thì có một câu: “Trong những trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng phải quyết định”.
Gần đây, ta thấy rằng có những chuyện đặc cách cho thí sinh vào trường đại học, thí dụ một học sinh giỏi nhưng nhà nghèo là em Lê Đức Duẩn đã được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký văn bản gửi Học viện Quân y nhận vào học. Dư luận khắp nơi ủng hộ, vì điều ấy đúng. Rồi tiếp sau đó, chính vị Bộ trưởng này lại ký văn bản cho một thí sinh đạp xe 300km là Ngô Đức Thuận ở Nghệ An được vào học Trường Sỹ quan Tăng -Thiết giáp. Việc làm ấy hợp với lòng dân.
Tôi có nói vui với mấy người bạn rằng, nếu một hiệu trưởng mà thích sinh viên trường mình nổi tiếng ở lĩnh vực không phải do trường đào tạo, tức là không phải một sản phẩm trí tuệ, thì phải hết sức cẩn thận. Trường học không phải là nơi đào tạo ra Hoa hậu. Cái nhan sắc là trời phú, cộng với bản thân tự rèn giũa, chứ không phải do trường đào tạo ra. Các ông có đào tạo cũng không ra nổi Hoa hậu đâu, vậy thì thôi, đừng có làm những gì bất bình thường. Nếu có đặc cách cho thi thật rồi, thì hãy để cho mọi thứ được diễn ra bình thường, đúng với bản chất của nó.
Câu chuyện "lùm xùm" về học vấn của Hoa hậu Thu Thảo đã làm "nóng" nhiều trang báo trong những ngày gần đây.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Nói gì thì nói, rất nhiều học sinh ở khóa ấy, trường ấy đã cho rằng ở đây có chuyện mờ ám, hoặc là lãnh đạo trường đang ưu ái quá mức cho một cá nhân (ngay tại thời điểm ban đầu khi là thí sinh dự thi, chứ chưa phải là Hoa hậu như hiện nay để mà có lý do ưu tiên).
Rõ ràng, ngay cả học sinh ở trường này cũng bàn tán, xì xào về những điểm mập mờ ấy thì rất không hay, dẫn đến chuyện uy tín của nhà trường bị ảnh hưởng, thương hiệu của trường bị tổn thất. Vậy cho nên Hiệu trưởng ĐH Tây Đô phải lý giải cho rõ về điểm này thôi.
Bây giờ đạo diễn của những bộ phim hay người ta để cho khán giả tự hiểu về cái kết, như thế mới thú vị. Nhưng đã là đào tạo thì đừng làm như phim, hư hư ảo ảo: Giỏi cũng được, khá cũng được, dốt cũng được… Không! Đã đào tạo phải công minh chính đại, phải tường minh. Làm gì thì làm, đặc cách cũng được, miễn là phải công minh chính đại, nếu không thì chính dư luận ở trường đó coi thường anh, chứ chưa nói gì tới xã hội.
Trong công tác đào tạo có “luật chơi riêng”, thứ nhất không được đem thí sinh ra làm trò đùa. Thứ hai, không được tùy tiện xếp lớp. Ông hiệu trưởng có quyền thương xót sinh viên, rút tiền từ túi của mình ra cho, nhưng không được phép cho điểm. Vì anh là đại diện cho cả hội đồng nhà trường, mà lại thương sinh viên kiểu ấy thì là phá nát hết cả tôn ti luật lệ rồi, thế còn những trường hợp khác thì sao? Họ cũng cần “đặc cách” chứ. Vậy là hỏng ráo cả, vì thật giả lẫn lộn hết rồi còn đâu.
- Vậy trong quy chế đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hiện nay, có những quy định về thi đặc cách như trường hợp của Thu Thảo không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Chẳng có quy định nào đặc cách như vậy cả, đó là do Trường ĐH Tây Đô họ tự làm thôi, quyền ấy thuộc về hiệu trưởng. Trường là của họ, và họ “đặc cách” cho ai đó là tùy ở họ. Nhưng như tôi đã nói, đào tạo thì phải tường minh, chứ bỗng dưng đặc cách, ưu ái mấy lần mà chẳng thèm công bố thì rất không hay.
Đã tốt nghiệp còn “cải thiện điểm” là chuyện kỳ quái
- Trong suốt mấy chục năm công tác trong ngành giáo dục, đã bao giờ ông chứng kiến một vụ “đặc cách” như chuyện của Hoa hậu Thu Thảo?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Có chứ, tôi đã thấy những chuyện đặc cách rồi, tất nhiên nó không giống hoàn toàn chuyện xảy ra ở Trường ĐH Tây Đô, nhưng những chuyện cũ đó đều có một điểm chung là mờ ám, tùy tiện, không quang minh chính đại.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội
- Có những ý kiến cho rằng, ngay cả khi Thu Thảo có thi tốt nghiệp hệ Trung cấp và thi lên hệ Cao đẳng thì đề thi cũng chưa chắc gì đã tường minh. Ông nhận định thế nào về điểm này?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đúng là ngay cả chuyện Thu Thảo có được Trường ĐH Tây Đô tổ chức cho thi thật thì đề thi ra làm sao, người coi thi thế nào, chấm thi… cũng là chuyện cần phải xem xét. Nếu đề thi dễ quá, làm như một bài kiểm tra nhỏ cho qua thì không công bằng với các thí sinh khác rồi. Trường học tổ chức thi mà không công bằng thì làm sao đào tạo được.
- Còn có một chuyện mà các học sinh cùng lớp cho là không bình thường nữa, là khi Thu Thảo đã được công nhận tốt nghiệp hệ Trung cấp và trúng tuyển vào hệ Cao đẳng, thì mới đây người ta lại phát hiện ra Thu Thảo vẫn còn có tên trong một bài kiểm tra ở hệ Trung cấp. Hiệu trưởng trường Tây Đô đã giải thích rằng cho phép Thu Thảo làm lại bài kiểm tra để “cải thiện điểm”. Ông nghĩ sao về lối giải thích này của Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Ôi, thật bi hài, cả cuộc đời làm giáo dục của tôi chưa bao giờ chứng kiến một câu chuyện nào vớ vẩn như thế này cả. Cải thiện điểm ư? Hết sức vớ vẩn. Mỗi một sinh viên khi làm bài thi tốt nghiệp và được công nhận tốt nghiệp thì họ đã đạt được thang chuẩn về kiến thức, thang chuẩn về kỹ năng, thang chuẩn đạo đức.
Học sinh được công nhận tốt nghiệp đã có xếp hạng học tập kèm theo, nghĩa là không còn gì để thay đổi nữa (theo văn bản mới công bố ra báo chí để thanh minh của ĐH Tây Đô, đã có quyết định công nhận tốt nghiệp cho một loạt thí sinh, trong đó có Hoa hậu Thu Thảo)
Hành động này nếu không phải là gian dối thì cũng trái về mặt đạo lý; không đúng với quy chế đào tạo đối với một bậc học, một ngành học mà Bộ Giáo dục Đào tạo đã hướng dẫn; sai trái về mặt đạo đức.
- Nhưng Hiệu trưởng trường Tây Đô giải thích là do chưa cấp bằng chính thức nên vẫn cho… “cải thiện điểm”?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Kể cả chưa cấp bằng thì cũng không được làm cái chuyện ấy, vì anh đã thi tốt nghiệp rồi và được công nhận tốt nghiệp rồi và đã có xếp hạng kèm theo, nghĩa là anh đã hoàn thành mọi thủ tục ở phía mình, chỉ còn chờ trường cấp bằng.
Nếu Trường ĐH Tây Đô làm cái việc kỳ quái ấy thì học viên cùng khóa với cô Thu Thảo cũng sẽ đòi hỏi kiểm tra lại, thi lại để “cải thiện điểm”, thậm chí là sinh viên ở các khóa trước của trường này cũng sẽ quay lại để yêu cầu “cải thiện điểm”; rồi thì sinh viên các trường khác họ cũng sẽ đặt câu hỏi: Trường Tây Đô cho “cải thiện điểm”, sao trường mình không cho? Làm như vậy thì loạn hết cả. Cuộc thi chỉ có một, và anh phải chấp nhận luật chơi chung.
- Trân trọng cảm ơn ông!