Tiếng nước tôi

Trong những buổi nói chuyện của GS.TS Trần Văn Khê, ngoài kiến thức về âm nhạc dân tộc, khán giả còn học được từ GS rất nhiều về cách diễn giải, nghệ thuật dùng từ và nói trước công chúng. Chính xác và thu hút, tiếng Việt của một “bô lão” tuổi trên 90 và nửa đời sống tại Pháp không khỏi khiến người nghe ngưỡng mộ.

Tiếp xúc với GS Trần Quang Hải, trưởng nam của GS Trần Văn Khê trong dịp về nước tham dự lễ hội cồng chiêng Tây nguyên, có thể cảm nhận ngay sự trân trọng tiếng mẹ đẻ ở ông như một sự kế thừa đáng quý từ người cha. Cũng cách nói chuyện khúc chiết, phát âm rõ ràng và đặc biệt không hề chêm một từ tiếng Pháp, tiếng Anh nào dù công việc nghiên cứu và giảng dạy của ông luôn tiếp xúc với người nước ngoài, sử dụng ngoại ngữ.

Trong những thư điện tử GS trao đổi cùng chúng tôi, thật thú vị khi nghe những lời chào, tạm biệt bằng một ngôn ngữ xa xưa như cách đây vài chục năm. Câu “Thăm con vui mạnh” cuối thư thay cho “Best regard” thường nhận được khiến người tiếp xúc cảm thấy chân tình và khó tả như chạm vào một chút hương xưa đã mất.

GS Trần Quang Hải bày tỏ: “Ở Pháp mấy mươi năm tôi vẫn nói tiếng Việt. Dịp về Việt Nam vừa rồi, trả lời phỏng vấn báo chí tôi cũng nói bằng tiếng Việt, trong khi có một vài nhà báo lại chèn tiếng Anh trong câu hỏi. Người này nói: “Anh send hình qua mail giùm tôi”, người kia xin “số mobile”... Tôi không hiểu tại sao lại vậy. Phải chăng khi chêm mấy tiếng nước ngoài vô cuộc đàm thoại sẽ khiến họ trở nên sang trọng hơn?

Đi ra quán uống nước tôi được (bị) nghe nhiều bạn trẻ biểu diễn khả năng ngoại ngữ. Người này hỏi người kia: “What do you want to drink?” (Bạn muốn uống gì?), người kia đáp: “Coffee” (cà phê), người này nói lại: “Yeah, I like coffee too. It’s good”. (Tôi cũng thích cà phê. Nó ngon) rồi thì sau đó cứ hết “oh yeah” lại tới “wow”, “woah”. Để làm chi vậy”?

Danh ca Bạch Yến, phu nhân GS Trần Quang Hải, rất tự hào kể về người con gái thuộc thế hệ trẻ lớn lên ở xứ người nhưng về nhà chỉ nói tiếng Việt, vẫn biết thưa ba, thưa mẹ, đến bữa mời cơm người lớn... như ở quê hương. Khi chọn ngoại ngữ trong chương trình trung học, cô cũng chọn tiếng Việt. Chuẩn bị tốt nghiệp tú tài, chỉ quen nghe giọng Bắc, giọng Nam, cô giáo hướng dẫn trớ trêu lại là... người Huế.

Bước qua những bỡ ngỡ lúc đầu, con gái GS Hải vượt qua kỳ thi với số điểm rất cao và phần thưởng lớn hơn là đã nghe được nhiều làn điệu của “tiếng quê mình”.

Theo Phạm Thành Nhân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.