"Tôi không phải là cái bóng lập lờ"

Trang Trần - một cô gái từ Bắc đã Nam tiến - để sống, kiếm tiền, và được làm việc trong các lĩnh vực cô yêu thích.

Cuộc sống chật vật từng bước đi đầu tiên, từng cuộc thi, và cả thất bại không được các đại gia đỡ đầu, không “thuận lợi” như cô bạn Maya của mình, hiện nay Trang khá vững trên sàn catwalk và các show diễn lớn, tham gia đóng một vài bộ phim truyền hình, tuy nhiên, điều cô tâm huyết, đó vẫn chính là sân khấu - Trang Trần thẳng thắn tâm sự:

Những người mẫu chuyển sang đóng phim hầu như không thoát ra khỏi sự cứng nhắc và lạnh lùng. Bóng dáng của họ trên sàn diễn đã theo họ mọi nơi, kể cả những nơi không cần họ phải diễn như vậy.

Tôi thấy lại hình bóng tôi trong họ ở các mục đích, tham vọng và cả nhu cầu đoạt giải.

Không nên nhập nhằng

Một người đẹp bây giờ thường quá năng động, tham gia sàn catwalk, đóng phim, chạy show, đóng kịch, đóng hài, MC… đủ thứ. Nhưng dường như họ vẫn bị nhập nhằng giữa các lĩnh vực đó, chưa thoát được khỏi cái bóng của chính họ, chị nghĩ sao?

Tôi nghĩ để được đóng nhân vật chính thì người diễn viên phải có một kỹ năng đạt đến trình độ diễn mà như không diễn. Trên sân khấu kịch nói, hầu hết những diễn viên được đóng vai chính hoặc vai thứ chính đều là những người được đào tạo chuyên nghiệp. Tất cả là thước phim quay chậm trực tiếp với khán giả nếu diễn sai, nói thoại nhầm là hỏng cả buổi diễn.

Hiện nay, các nhà làm phim khi casting nhân vật thường không chuyên nghiệp và rất cảm tính. Đa số các bộ phim thị trường đều chọn người mẫu hoặc ca sỹ hoặc người thân quen để tham gia. Khó còn cơ hội cho những người được đào tạo chuyên nghiệp nhưng không có nhiều mối quan hệ quen biết như tôi. Những người mẫu chuyển sang đóng phim hầu như không thoát ra khỏi sự cứng nhắc và lạnh lùng.

Bóng dáng của họ trên sàn diễn đã theo họ mọi nơi, kể cả những nơi không cần họ phải diễn như vậy. Đạo diễn không hiểu không nhìn thấy hay nhìn thấy mà cố tình làm ngơ để diễn viên make-up quá kỹ, ăn mặc quá cầu kỳ sành điệu... làm mất hình tượng nhân vật. Một số diễn viên tay ngang hình như không thể phân tích được xuất thân nhân vật dẫn đến việc làm cho khán giả cảm thấy lố bịch. Có nhiều phân đoạn diễn viên đóng cảnh ngủ dậy, đi bơi, một cô gái quê đi chợ... gắn nguyên cặp lông mi giả...

Không đi diễn trên sân khấu vì ít tiền, và không mấy khi được nhận vai chính, vậy sân khấu đã trở thành một bóng hình dĩ vãng đối với chị?

Không bao giờ nó là cái bóng của dĩ vãng. Đã rất nhiều lần tôi khóc một mình khi đi xem các vở kịch có các bạn cùng lớp của tôi đang tham gia. Thấy các bạn tập luyện, diễn những vai mặc dù rất nhỏ nhưng rõ ràng họ đã làm được điều mà tôi ước mơ. Khi cầm tấm bằng tốt nghiệp và lời mời về Nhà hát kịch, tôi khóc vì hạnh phúc. Nhưng đồng lương “còi cọc” với cuộc sống có quá nhiều điều phải lo toan. Nghĩ đến mẹ và các em tôi đã không thể! Tôi sẽ thực hiện ước mơ sau khi lập gia đình.

Hà Nội không phải là đất dựng võ, và chị đã tiến vào Nam với nhiều hứa hẹn trong tay?

Không hề có hứa hẹn. Nhưng tôi nghĩ vào Nam là việc tôi đã quyết định nhanh nhất và đúng đắn nhất. Tôi đã nói dối mẹ là được mời vào làm việc trong này. Tôi biết trong mắt mẹ tôi vẫn là đứa trẻ và cũng biết rất nhiều khó khăn đang chờ tôi phía trước nhưng tôi luôn lạc quan và có một niềm tin mãnh liệt. Thời gian đầu tôi đi xe ôm và ở một phòng trọ 800.000đ/tháng.

Ông Trời không phụ ai cả, sau ba tháng nhờ sự giúp đỡ của mọi người tôi đã có thu nhập ổn định. Đó là động lực giúp tôi tồn tại và làm việc đến giờ phút này với công việc là một người mẫu (mặc dù đó không phải là ước mơ của tôi nhưng nó có một sức hút kỳ lạ).

Đừng nghe hình bắt bóng

Chị nghĩ gì về giới người mẫu?

Rất phức tạp nếu như mình nghĩ nó phức tạp. Có rất nhiều chuyện không như người ta đồn thổi. Nào là cãi nhau, giành giật đồ, chèn ép... Đó là những điều tôi chưa từng thấy trong 4 năm đi diễn của mình. Cũng có thể các người mẫu không ưa nhau nhưng đã là người mẫu chuyên nghiệp, ai cũng biết mình phải làm gì để có chỗ đứng và thiện cảm trong mắt người khác.

Còn việc báo chí hay viết về việc bắt được mấy cô chân dài “đi khách” nghe rất giật gân thì tôi nghĩ có phần nào tiêu cực. Như thế nào là một người mẫu chuyên nghiệp? Đâu phải chỉ là chiều cao, số đo chuẩn, hình thức bắt mắt sẽ là người mẫu! Rất nhiều lần tôi bắt gặp những cô gái đèm đẹp như vậy giới thiệu mình là người mẫu mà họ không hề thấy hổ thẹn. Bởi vì khi lục tìm trong trí nhớ chưa bao giờ tôi nhìn thấy họ ở bất kỳ một show diễn nào, hay trên trang báo nào. Tôi hy vọng xã hội nên có một cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp của chúng tôi chứ đừng có nghe hình, bắt… bóng!

Người ta thường có một thần tượng cho riêng mình và đôi khi biến mình thành một cái bóng thứ n của họ. Còn chị?

Tôi thích phong cách sexy quyến rũ lạnh lùng của Gisele Bunchen, Natasha Poly. Có thể, trong làng nghệ thuật, tôi không bằng ai, nhưng tôi chưa bao giờ rập khuôn và làm một cái bóng lập lờ của ai đó để đổi lấy những điều khác.

Vậy chị sẽ làm thế nào để không bị chìm nghỉm giữa muôn vàn các cô người mẫu nổi tiếng khác?

Như thế nào gọi là nổi và nổi đến đâu thì mới thỏa mãn đó là một câu hỏi khó mà trả lời. Tôi không nổi tiếng, cũng chẳng phải là một vơ-dét nhưng tôi hạnh phúc vì được đánh giá cao về phong cách trình diễn. Điều tôi cần làm là sự sáng tạo và làm mới mình.

Hình như chị cũng học tập được nhiều từ ca sỹ Cindy Thái Tài?

Sau khi thất bại ở những cuộc thi, tôi rất buồn nhưng chị có nói với tôi rằng: “Tại sao em lại phải buồn. Em yêu thích thời trang và sân khấu hãy làm vì đó là đam mê của em chứ không phải cho ai khác”. Chị dạy tôi rất nhiều về cách ứng xử trong cuộc sống, về sự nhẫn nhịn chịu đựng, đặc biệt là lòng vị tha. Điều tôi nể chị nhất là dám đối mặt với sự thật, dám sống cho bản thân mình. Tôi cảm thấy buồn cho những ai có cái nhìn không thiện cảm với thế giới thứ 3 chứ không phải chỉ riêng gì với Cindy.

Chị có đọc bài báo về Phi Thanh Vân và Xuân Lan không?

Sau khi đọc bài báo đó tôi rất buồn. Từ ngày bước chân vào nghề, chị LaLa là một tấm gương để tôi học tập về cách làm việc và kinh nghiệm sân khấu. Chị rất hay nói đùa và vui vẻ. Đôi khi câu nói đi thì nhẹ nhưng khi nghĩ lại thì nặng. Tôi nghĩ rằng xung đột đó là một sự hiểu lầm mà thôi. Nếu như lúc nào cũng nghĩ những câu nói đó là xúc phạm, vùi dập thì có lẽ chính tôi đã không thể trở thành một model chuyên nghiệp. Hãy suy nghĩ mọi điều thật nhẹ nhàng - đó là điều tôi nghĩ mọi người nên làm để đừng làm tổn thương nhau.

Bên trong lớp vỏ

Bên trong những ánh đèn màu, của sự lộng lẫy hào nhoáng, của phấn-son-nước hoa-đồ hiệu, bỏ những lớp vỏ đó đi, một model như chị, sẽ là gì?

Với tôi, model không phải là búp bê xinh đẹp mà là một người công nhân trên sân khấu. Model giống như một cái mắc áo, chỉ khác một điều: Cái mắc áo này tự mình chuyển động (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Chuyển động tâm lý bằng đôi mắt và cơ mặt khó hơn chuyển động trên đôi chân rất nhiều. Những khiếm khuyết không làm tôi mất tự tin trên sân khấu.

Sự hào nhoáng của những bộ quần áo đắt tiền, sự lộng lẫy trên sân khấu đối lập hoàn toàn với con người thật của tôi. Sự sâu sắc hay không là do suy nghĩ của mỗi người. Tôi cảm nhận hầu hết những người làm nghệ thuật đều sống rất sâu sắc và có một nỗi buồn rất lớn. Ai cũng có những nỗi niềm riêng. Có điều họ có nói ra hay không mà thôi.

Đã từng thi Siêu mẫu 2008, và không đoạt giải, chị có thấy chính mình trong các thí sinh thi Siêu mẫu 2009 không?

Trước kia, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi sắc đẹp và có kinh nghiệm đau thương thất bại nhiều. Tôi thấy lại hình bóng tôi trong họ ở các mục đích, tham vọng và cả nhu cầu đoạt giải. Thực sự tôi luôn hy vọng mình giành được một giải thưởng nhỏ để khi đi diễn không bị coi là người mẫu không giải thưởng. Chị có lẽ đang thắc mắc lý do của tôi quá buồn cười phải không?

Nhưng sự thật là nếu không có giải thưởng sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi trong chuyện nhận cát-sê. Tôi biết có rất nhiều người mẫu chẳng để lại ấn tượng gì trên sân khấu nhưng lại có giải hoa hậu của cuộc thi sắc đẹp cấp tỉnh thì cát-sê sẽ cao hơn cát-sê của tôi. Đấy cũng là điều hạn chế trong tư duy của nhà tổ chức. Tôi đã không được diễn rất nhiều show chỉ với một lý do rất đơn giản: “Em ơi chương trình này người ta yêu cầu phải là những người có giải!”

Và bây giờ, tôi thấy các cuộc thi đang lặp lại, nó không hề thay đổi, cả tư duy lẫn hình thức. Chính vì vậy tôi cảm thấy các cuộc thi sắc đẹp gần đây hình như có vấn đề nên mặt bằng chung các thí sinh đi thi đều rất bình thường. Đơn giản vì chẳng ai còn tin được nữa.

Dạ Thương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.