"Tôi không vội vã bước vào cuộc hôn nhân khác"

Người phụ nữ cầm máy ảnh này cũng đã bước qua một cuộc hôn nhân. Cậu con trai duy nhất được tòa xử ở với bà nội và một ông bố là người nổi tiếng. Loan BB lên đường, ở nhà thuê và nay đây mai đó với chiếc máy ảnh cùng một tinh thần phấn chấn để khám phá mọi ngóc ngách cuộc sống bằng nghệ thuật nhiếp ảnh.

Tinh thần và ý thức của Loan BB, bộc lộ nhiều trên blog cá nhân. Sự hồn nhiên của Loan làm bạn bè cảm thấy yên tâm nhiều về chị sau cú sốc hôn nhân. Khi thực hiện bài phỏng vấn này, tôi cứ ngỡ như Loan đã tìm được chính mình sau cuộc chia tay, tạo ra được một cách sống khác. Nhưng mọi câu hỏi đặt ra đều là ngược lại. Bởi thế tôi mới biết, hóa ra phụ nữ vẫn chỉ là phụ nữ. Nỗi buồn là giống nhau, và chỉ khác họ có bày biện ra và đau đáu vì nó hay không mà thôi.

- Hậu chia tay, dường như chị đã được bộc lộ hết con người của mình, được sống đúng với những đam mê, khát vọng trong cuộc sống và trong con người của chị?

Theo tôi thì chẳng có người phụ nữ nào lập gia đình rồi lại chọn giải pháp chia tay để được "bộc lộ con người, sống vì đam mê khát vọng..." cả. Chia tay là chuyện ngoài ý muốn. Bạn bước vào và ra khỏi hôn nhân bằng chính con người của bạn, ngây ngô hay từng trải chỉ là theo giai đoạn đời sống mang lại.

Chỉ có khác là sau khi "ra khỏi" hôn nhân, tôi không vội vã bước vào một hôn nhân khác mà dành thời gian và sự tự do của người tự do để thực hiện những ước muốn, ý thích riêng mà rất khó người nào đang lập gia đình mà làm được. Và bù lại tôi mất mát những thứ mà bất cứ người bình thường nào cũng có: một mái ấm.

Nhiếp ảnh gia Loan BB (Ảnh: Oliver Rockwell)

- Hậu chia tay. Ắt hẳn là buồn, và người phụ nữ còn buồn nhiều và lâu hơn? Nhưng rõ ràng, chúng ta phải biết sắp xếp nỗi buồn cũng như sắp xếp lại cuộc sống để chuẩn bị một cuộc sống mới đúng không chị?

Người phụ nữ nào ly hôn cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý trầm trọng không kém trước khi chuẩn bị ly hôn. Có người thể hiện ra mặt, có người che đậy bằng trạng thái tâm lý khác. Có giai đoạn tôi tỏ ra mình tự do như "chim sổ lồng", tỏ vẻ lạc quan, tỏ vẻ mình "đúng" khi quyết định độc thân...v.v nhưng rồi thú thật, đó không phải là cảm giác dễ chịu.

Cái tên đúng cho trạng thái này là "khủng hoảng". Bạn gọi đúng tên, bạn nhìn ra đúng thực chất của nó rồi thì bạn mới đứng dậy làm mới cuộc đời mình được.

- Và chị đã sắp xếp thế nào? Chị dành nhiều thời gian và ý thức cho việc thực hiện những đam mê dang dở (mà nếu là người phụ nữ của gia đình chị sẽ không làm được) hay dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ xã hội mới, thông qua đó tìm kiếm những hạnh phúc khác?

Cũng như nhiều phụ nữ ly hôn khác, tôi cố gắng ngoi ra khỏi "khủng hoảng" bằng mọi cách. Mở rộng quan hệ xã hội, cũng là một cách. Tìm hiểu một số đối tượng mới, cũng là một cách. Nhưng rồi cách nào tôi thấy cũng không có giá trị bằng cách làm sao tự mình tìm thấy mình và nâng niu giá trị mới của mình. Tôi tìm được đam mê đồng thời là sự nghiệp trọn đời của tôi vài năm sau ly hôn: nhiếp ảnh.

- Người ta nói, phụ nữ hậu chia tay thường coi nhẹ hôn nhân nhưng lại tìm thấy đúng giá trị của câu “tôi là phụ nữ”. Và chính bởi khi phụ nữ nhìn thấy họ là ai, hôn nhân kiểu Á đông thường bị đặt vào mối nguy kịch?

Không, sau khi ly hôn tôi càng coi trọng hôn nhân. Chính vì quá coi trọng hôn nhân nên tôi không dễ dàng lao vào một đề nghị kết hôn mới. Tôi trở nên quá thận trọng. Có lẽ vì thế một số đối tượng cho rằng tôi "chảnh". Và cái giá trị "tôi là phụ nữ" mà anh đề cập có phải xuất phát từ đó?

- Có phải phụ nữ càng thông minh, càng nhiều khát vọng thì hôn nhân càng có nguy cơ không thưa chị?

Phụ nữ thông minh, nhiều khát vọng thì "nâng tầm" hôn nhân của mình lên một tầng cao hơn chứ sao lại nguy cơ được? Chỉ là nguy cơ nếu người phụ nữ đó sống với người chồng ích kỷ, tự tôn và thiếu thiện chí với vợ thôi.

- Chị có nghĩ là nếu như chị bước vào một cuộc hôn nhân mới, chị lại một lần nữa phải cất đi những đam mê khác, như cầm máy ảnh, gặp gỡ những người bạn xung quanh mình không?

Đó là điều tôi sợ nhất lúc này. Là phải xếp xó những giấc mơ riêng để lại lao vào những trách nhiệm mới mà chẳng khác cái cũ là mấy. Trường hợp tôi là "trong cái rủi có cái may", tình cờ tìm được niềm vui từ nỗi bất hạnh, giờ mà lao vào hôn nhân mới chẳng biết tương lai ra sao mà phải hy sinh cái niềm vui đó, tôi thấy phải cân nhắc nhiều lắm. Đến giờ này không biết là may hay rủi, là chưa có đối tượng nào khiến tôi phải tình nguyện dâng tặng sự tự do của tôi.

- Chị cũng có con trai và chị cũng rất yêu nó. Chị đã chấp nhận để cháu sống cùng bà nội và ba vì có điều kiện tốt hơn. Làm sao để giấu đi được tình yêu của mình với con bởi tôi thấy thường phụ nữ thường giành quyền nuôi con?

Tôi chẳng tài gì mà giấu được tình yêu con. Tôi đã phát điên loạn hơn một năm trời kiện tụng giành quyền nuôi con mà quyền đó về sau chồng tôi giành được. Tôi khóc giẫy giụa và rất mất bình tĩnh đấy chứ. Nhưng mà cuối cùng, tôi nhận thấy sự bình an cho con mình còn quan trọng hơn cả sự thể hiện tình mẫu tử kiểu thông thường là phải được ôm con trong tay.

Nhờ phúc đức, con tôi sống yên vui trong tình thương của bố và bà nội. Tôi đành sống một mình và tôi có niềm vui yêu con từ xa. Tình mẫu tử của tôi vẫn thiêng liêng đó thôi!

- Chị vẫn gặp cháu, hai mẹ con nói chuyện như những người bạn. Chị chia sẻ đến đâu với cháu về cuộc sống ngày xưa và hôm nay của cả ba và mẹ?

Tôi và con trai tôi đúng là những người bạn. Con tôi còn nhỏ (7 tuổi) nhưng rất biết tế nhị, con không đề cập hay trách móc chuyện bố mẹ chia tay. Tôi mang ơn con vì con không làm tôi khó xử. Tuệ (tên con trai tôi) có vẻ tự hào về cách mẹ đến trường sau mỗi buổi chiều tan học, mẹ có kiểu yêu con hơi khác với mẹ của các bạn.

Mẹ Tuệ có vẻ "ga lăng" hơn, nâng niu cảm giác gần bên con hơn những người mẹ khác. Vì sao? Vì họ được sống bên con nhiều hơn tôi nên họ không có dịp lóng ngóng luống cuống khi gặp con như tôi. Tôi nói vậy cũng là tỏ ra ganh tỵ với các bà mẹ được gần con. Tôi thèm muốn được như họ mà hoàn cảnh không cho phép đấy chứ.

- Chị dạy cháu điều gì để chấp nhận một thiệt thòi của cháu so với bạn bè?

Tôi nghĩ tốt nhất là mình cứ để con cảm nhận chuyện bố mẹ chia tay không phải là chuyện kém may mắn. Người ta chỉỉ kém may mắn nếu sống không nhà cửa, không người chăm sóc. Con tôi là đứa bé lạc quan. Tôi không dám nói là cháu ảnh hưởng tốt từ mẹ. Nhưng chắc cũng đúng một phần, vì người mẹ sống lẻ loi một mình mà vẫn lạc quan thì con trai đang được sống ấm áp với bố và bà không thể không lạc quan được!

- Nếu được làm lại, chị sẽ thay đổi mình trong hôn nhân hay chị sẽ thay đổi cuộc hôn nhân?

Tôi cảm ơn hôn nhân đã giúp tôi trưởng thành khi có và cả khi không có nó. Tôi không đặt ra "nếu...thì" với chuyện buồn đã qua nữa. Tôi đã khác với thời kỳ hôn nhân, tốt hơn hay xấu hơn tùy góc nhìn của người khác. Nhưng rõ ràng, tôi đang yêu cuộc sống độc thân của tôi.

Theo Hoàng Trung



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.