Vân Dung: "Càng xấu tôi càng tự tin"

“Tôi không sợ bất cứ biệt danh gì của khán giả đặt cho cả. Vì mỗi khi bước lên sân khấu đã… quá xấu rồi. Với lại, khán giả có thích mình thì người ta mới đặt "nghệ danh" chứ. Đứng trước khán giả, càng xấu bao nhiêu, tôi càng tự tin bấy nhiêu, còn mà khi trang điểm xinh lên, tôi thường hay mất tự tin” - cây hài Vân Dung chia sẻ.

Chồng tôi là người ít cười

- Là nghệ sĩ thường xuyên phải đi diễn xa nhà, chồng lại sinh sống ở tận miền Nam, ít có thời gian chăm sóc tới gia đình ngoài Hà Nội, nhiều người rất tò mò về cách giáo dục con cái của chị?

- Cu Nhím nhà Vân Dung năm nay đã học lớp 3 và ở ngoài Hà Nội với mẹ. Đúng là Vân Dung thường xuyên vắng nhà, nên Nhím thường phải ở nhà với ông, bà ngoại. Nhưng không vì thế mà tôi lơi lỏng việc giáo dục con cái.

Tôi rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con biết sống tiết kiệm và tự chăm sóc bản thân. Không bao giờ có chuyện con đòi gì cũng được, mà chỉ được thưởng những phần quà khi đạt điểm 10 học tập, hay có những thành tích mà thôi. Chẳng hạn như khi cu Nhím muốn mua một đôi giày mới, tôi đồng ý, nhưng mà phải đi rách đôi giày kia thì mới được đi tiếp, kể cả nếu có mua hẳn mười đôi đi chăng nữa.

Cu Nhím tuy còn nhỏ, nhà lại cũng có người giúp việc nữa, nhưng với những công việc vặt hàng ngày trong nhà như quét sân, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo… thì cháu đều phải làm. Làm những công việc đó, có thể Nhím sẽ không làm được kỹ, được sạch, thì tôi hoặc người giúp việc sẽ làm lại. Bây giờ, có nhiều đứa trẻ được nuông chiều quá mức, đã 18 tuổi mà không biết nấu cơm, luộc rau, giặt quần áo. Tôi rất sợ con mình giống như thế, nên phải rèn cháu từ nhỏ. Cuộc sống ngày càng có điều kiện, việc nhà có người giúp việc phụ giúp, nhưng không có nghĩa là con mình được ỷ lại, không biết làm gì cả.

- Chị đã có định hướng cho con trai về nghề nghiệp sau này chưa?

- Bây giờ, Nhím còn quá bé để hướng cháu, tôi cứ để cháu tự phát huy sở trường của mình thôi. Nhưng có điều, tôi sẽ không cho nó theo làm nghệ thuật giống mẹ, vì cả nhà đã theo nghệ thuật rồi. Tôi muốn Nhím làm một công việc nào đó liên quan đến trí óc và đàn ông một chút, chứ làm nghệ thuật thì hơi bị nữ tính.

- Vân Dung thấy sao nếu có người nói, chị không phải là mẫu người phụ nữ của gia đình?

- Tôi không phải là một người phụ nữ của gia đình, mà phụ nữ của xã hội thì đúng hơn, vì thời gian đi làm nhiều hơn ở nhà. Bây giờ công việc ổn định, kinh tế cũng đỡ vất vả hơn xưa, nên tôi mới có thể giãn công việc ra để ở nhà quan tâm nhiều hơn đến con cái, gia đình. Chứ ngày xưa mới sinh Nhím, tôi có ít thời gian quan tâm, chăm sóc con hơn bây giờ.

Lúc đó, mới sinh xong, phải ở nhà một mình, nhìn thấy bạn bè đi diễn, làm đĩa là tủi thân lắm, nhìn sang con thì đỡ buồn hơn đôi chút, nhưng lại nghĩ, mình không thể ở nhà nấu cơm, giặt quần áo như một người giúp việc được, mà phải tham gia vào các hoạt động xã hội, vừa giúp kinh tế ra đình, lại vừa thỏa mãn đam mê bản thân. Đó cũng là suy nghĩ của một người trẻ tuổi, nên tôi cố gắng phấn đấu, mà phần nào lơi lỏng trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ, mình đã quyết định đúng, một xã hội hiện đại thì người phụ nữ có thể làm bất cứ công việc gì của đàn ông và ngược lại.

- Công việc cả hai vợ chồng dần ổn định, kinh tế cũng đều có cả, nhưng tình cảm gia đình có thể sẽ không được như ý khi "vợ bắc chồng nam" như hiện giờ?

- Đúng là vợ chồng ở xa nhau như thế này, về lâu dài sẽ không tiện lắm, nhất là khi con cái lớn lên nữa. Sau này, chắc sẽ phải dọn về một chỗ để ở chung. Nhưng có điều, tôi sẽ không vào Sài Gòn ở, mà anh ấy sẽ phải dọn ra Hà Nội. Tôi đã từng vào đó một lần theo ý của anh ấy, nhưng khi đó, mọi thứ sinh hoạt đều rất vất vả, nên sinh xong, tôi đã trở ra Hà Nội, cho tới tận bây giờ.

Với lại, ngay từ đầu khi hai vợ chồng lấy nhau, tôi đã giao hẹn, nếu lấy nhau thì phải ra Hà Nội ở, còn nếu không thì đừng lấy, và anh ấy đã đồng ý.

- "Thuyền theo lái, gái theo chồng", chị có thấy làm thế là quá ích kỷ, bởi anh ấy còn cả công ty kinh doanh trong đó?

- Tôi nghĩ rằng, vấn đề là hai vợ chồng có thể ở nơi nào để có được hạnh phúc vào thoải mái là được. Hơn nữa, tôi lại không thể sống xa bố mẹ được. Khi chuyển ra ngoài này, công việc của anh ấy sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, điều này sẽ là khó khăn, nhưng tôi sẽ giúp anh ấy vượt qua.

- Có nghĩa là chị sẽ tham gia vào việc kinh doanh giúp chồng?

- Không hẳn thế, vì tôi luôn muốn tách bạch công việc của chồng và của mình. Tôi không muốn là người "đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", vì ông cha bảo rồi, cứ dính vào vợ con là người đàn ông rất khó làm việc. Chỉ khi nào có việc gì cần giúp đỡ thì tôi giúp, chứ không muốn phải giẫm chân vào nhau trong công việc. Tôi không thích làm công việc của anh ấy, chỉ muốn có mái nhà chung với chồng, chứ không thích được gọi là làm việc trong “công ty của gia đình”.

- Có nhiều nét riêng biệt, vậy thì đâu là điểm hấp dẫn của anh ấy, để có thể chinh phục được Vân Dung?

- Ngày xưa, khi mình bước ra đường, ai gặp cũng phải cười hềnh hệch. Riêng chỉ anh ấy là chả nói cười gì cả, tôi bực quá, nên đã chủ động tán anh ấy, ai ngờ đổ luôn.

Chồng tôi luôn khuyến khích động viên tôi đi theo con đường nghệ thuật đã chọn, thế nhưng… rất ít khi xem tôi diễn. Còn nhớ, có lần trên sân khấu, bọn tôi diễn 6 vở Đời cười liền, mà anh ấy không thèm cười tý nào. Anh ấy chỉ cười khi diễn viên bị bắt lỗi như nói nghịu và bị rơi râu thôi. Ở nhà, dù vợ cũng hay trêu trọc, nhưng anh hiếm cười lắm. Anh ấy quan tâm tới vợ bằng cách khác, mà tôi rất vui, đó là luôn có những lời khuyên chân thành cho vợ như cùng đọc kịch bản, rồi khuyên vợ có nên nhận hay không, thi thoảng đi xem vợ diễn, cũng góp ý là nên thế này, thế kia thì mới tốt.

Càng xấu tôi càng tự tin

- Nghĩ tới Vân Dung, nhiều khán giả liên tưởng ngay tới hình ảnh Vân Dung “cá mắm” đanh đá, chua ngoa, lại có người gọi là “cây đào thế” rồi thì “mỏng như tờ giấy”… Chị sợ nhất bị mọi người đặt cho mình biệt danh gì?

- Tôi không sợ bất cứ biệt danh gì của khán giả đặt cho cả. Vì mỗi khi bước lên sân khấu đã… quá xấu rồi. Với lại, khán giả có thích mình thì người ta mới đặt "nghệ danh" chứ. Đứng trước khán giả, càng xấu bao nhiêu, tôi càng tự tin bấy nhiêu, còn mà khi trang điểm xinh lên, tôi thường hay mất tự tin. Vậy nên, cũng có vài lời mời làm MC, nhưng tôi chả bao giờ nhận cả.

Với sân khấu là vậy, nhưng về nhà, ra đường, thì cũng phải xinh một tý. Cũng phải đứng trước gương 15 phút trang điểm, cũng chịu khó bôi kem, quấn tóc, và nước hoa là thứ không thể thiếu với tôi mỗi khi ra ngoài. Phụ nữ mà, ai cũng vậy thôi.

- Là một trong những danh hài có tiếng ở đất Bắc, chị có rất nhiều fan hâm mộ, có khi nào vì buồn, vì xa chồng, rồi hoàn cảnh xô đẩy khiến chị “rung rinh" trước một ai đó?

- Là nghệ sĩ hài nên cũng được nhiều khán giả yêu mến, nhưng được “yêu mến” quá mức thì chưa. Lúc đi diễn, bước chân lên sân khấu là lúc để người ta thần tượng mình nhất, thì đó lại là lúc Vân Dung xấu nhất thì làm gì có ai mê nữa chứ. Có mà xô vào người ta lại đẩy ra ý chứ! (cười).

Còn nói đến hoàn cảnh xô đẩy, nhiều khi là số của con người rồi, rất khó tránh. Nói ngay như một người bạn của tôi, đó là một cô gái cực kỳ ngoan ngoãn, đảm đang, chung thủy tuyệt đối nhưng vẫn… 3 đời chồng. Đó là một điều thật khó hiểu, chỉ có thể trách số phận mà thôi. Đầu tiên cô ấy lấy phải một tay cờ bạc, bỏ. Ông thứ 2 nghiện hút, chồng thứ 3 thì trai gái. Thế là gia đình đổ vỡ thôi. Hoàn cảnh xô đẩy đâu chỉ riêng do nguyên nhân từ người phụ nữ, mà cả đàn ông nữa.

- Trong thời điểm lĩnh vực giải trí bùng nổ, phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì nghệ sĩ là người phải biết chiều lòng khán giả, mới mong tạo được chỗ đứng. Vân Dung có thấy vậy?

- Tôi chưa bao giờ tham vọng điều gì cả, nên cũng không quan tâm nhiều đến điều đó. Đúng là nghệ sĩ ai cũng muốn có một thời điểm nào đó là đỉnh cao của mình, để mọi người ai cũng nhớ đến. Còn riêng tôi, tôi sợ lên "đỉnh" lắm, vì lên đỉnh rồi thì ít khi có thể hạ cánh an toàn. Tôi muốn mình lúc nào cũng ở lưng chừng thôi, khi khán giả lâu lâu không thấy Vân Dung thì nhớ một chút, khi nghe thấy tiếng mà chưa thấy người mà biết đó là Vân Dung thì điều đó đã là quá đủ.

Nghệ sĩ thì đôi khi cũng cần lấy lòng khán giả, nhưng không có nghĩa là là phải đánh đổi tất cả mọi thứ để làm điều đó, vì bên cạnh còn có gia đình bạn bè, người thân. Tôi không bao giờ đánh đổi tất cả để có đỉnh vinh quang. Cũng chính vì thế, mà như nhiều người thấy, dân hài chúng tôi sống rất kín là thế, luôn bằng lòng với tất cả mọi thứ, chỉ cố gắng chứ không bao giờ đánh đổi.

- Chị có định dấn thân vào nghề diễn cả đời không?

- Có lẽ, sẽ là đến hết đời, vì nó là cái nghiệp rồi. Cái nghề "mang lại tiếng cười cho người khác" không giống như nghệ sĩ múa hoặc ca sĩ, nên không bao giờ có thể bỏ được.

- Một công việc mơ ước của Vân Dung, ngoài nghiệp diễn?

- Tôi không thích thay điện thoại, thay ô tô, xe máy, không thích sưu tầm máy tính, vì không biết sử dụng, nhưng rất thích trang trí nhà cửa, bày biện nội thất. Tôi ước có thật nhiều nhà để trang trí, nhưng chỉ để trang trí thôi, không cần ở cũng được.

- Thời điểm cuối năm này, Vân Dung có phải tất bật chạy sô như những nghệ sĩ khác?

- Đây là thời điểm mà nghệ sĩ hài chúng tôi khá bận rộn, để làm nên những nụ cười xuân hóm hỉnh, nhẹ nhàng cho khán giả. Vân Dung cũng có nhiều công việc sẽ phải làm như: Làm Táo quân, là chương trình gala cuối năm, đĩa hài Tết, và một chương trình hài đầu xuân của Nhà hát Tuổi trẻ.

Mới đây nhất thì Vân Dung cũng tham gia vai diễn osin trong phim Tết cháy osin của Đạo diễn Tất Bình. Lúc đầu đạo diễn mời tôi vào vai Mai - vai chính trong phim. Nhưng tôi lại thích vai osin hơn vì đó là vai xấu, cứ xấu là thích ngay, nên nhận. Và khi diễn, được đạo diễn đánh giá rất tốt. Thú thực, vai osin này, tôi lấy "nguyên mẫu" cách cư xử, hành động của cô bé giúp việc nhà tôi ngày xưa, nên vào vai rất thoải mái.

Tôi cũng vừa hoàn thành tiểu phẩm hài Mạt cưa mướp đắng, diễn chung với Công Lý, Hiệp Gà và Vượng Râu, tiểu phẩm này sẽ có trong đĩa hài Tết phục vụ khán giả.

- Cảm ơn Vân Dung!

Theo Văn Trinh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.