Xét danh hiệu nghệ sĩ: Sao cho tâm phục, khẩu phục

Ngành Văn hóa đang làm dự thảo về quy chế liên quan đến việc xét tặng các danh hiệu để trình lên Chính phủ phê duyệt. Tôi xin góp đôi ý kiến.

Nhà nước phong các danh hiệu cho một số nghề nghiệp (văn nghệ, y tế, giáo dục…) để tôn vinh những người xứng đáng, nhằm động viên sức sáng tạo, khả năng cống hiến của họ cho xã hội là việc làm cần thiết. Trong lĩnh vực văn nghệ, việc phong các danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần đầu tiên được diễn ra vào năm 1984. Ngay từ đợt phong đầu tiên, dư luận trong giới cũng như xã hội đã thấy có những khiếm khuyết trong việc xét tặng.

Tuy nhiên, dẫu sao thì đợt phong đầu tiên vẫn ít tiếng ì xèo trong dư luận hơn các lần phong sau đó. Người ta thấy không ít NSƯT được đôn lên NSND chỉ đơn thuần là vì năm tháng, hoặc có cương vị quản lý chứ chưa có thành tích nghệ thuật gì đặc biệt, thậm chí, do bận công tác mà họ còn xao nhãng hoạt động nghề nghiệp.

Sẽ rất không tế nhị nếu người viết nêu tên những nghệ sĩ có danh hiệu không bằng người chưa được phong hoặc người có danh hiệu cao lại non kém hơn người mang danh hiệu thấp. Bởi họ không có lỗi trong việc này, mà lỗi là ở những ngừi thẩm định, bình chọn, xét duyệt.

Những điều trên đã dẫn tới một thực tế là tuy giới nghệ sĩ biểu diễn và toàn xã hội rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước nhưng lại không tâm phục khẩu phục một số trường hợp cụ thể do cách xét chọn chưa thuyết phục của các hội đồng bình xét. Hệ lụy của việc này là đã có một số nghệ sĩ thực sự có tài, có thành tựu, được công chúng hâm mộ nhưng không mặn mà với việc thực hiện các thủ tục để được xét.

Cuối cùng, tuy họ rất nổi tiếng nhưng không mang danh hiệu gì. Rõ ràng đó là điều không công bằng, bởi số đông người dân đâu có biết "nội tình" với việc họ không làm "đơn" mà chỉ biết họ không được Nhà nước công nhận như các nghệ sĩ khác.

Giới nghệ sĩ, trí thức - nhất là những người có tài - thường có lòng tự trọng cao. Vì vậy, thiết nghĩ không nên yêu cầu họ làm đơn xin phong. Những người có trách nhiệm và hội đồng xét chuyên ngành cần chủ động làm việc này.

Cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng chuyên ngành. Thành viên các Hội đồng này phải là những nghệ sĩ tài ba, có uy tín chuyên môn và xã hội, được các nghệ sĩ trong lĩnh vực đó nể phục, chứ không nên chỉ thuần túy là người quản lý (chức sắc). Trước khi công bố chính thức, nên thông báo rộng rãi danh sách dự kiến để tham khảo thêm ý kiến trong ngành, thậm chí là rộng rãi nhân dân.

Tuy chỉ mang tính tham khảo nhưng không thể coi thường việc này. Bởi là NSƯT mà diễn viên cùng ngành không thấy có gì nổi trội, ưu tú; NSND mà nhân dân không công nhận thì rõ ràng là bất ổn. Có thể có sự đố kỵ, kỳ thị nhưng tỷ lệ chắc chắn không nhiều bằng những ý kiến trung thực, vô tư. Có thể số đông nhân dân không tinh thông nghệ thuật nhưng là NSND, dứt khoát họ phải biết (nổi tiếng) và yêu quý.

Đương nhiên tiêu chí năm tháng hoạt động phải đặt ra, nhưng ngay sau đó là tài năng, dấu ấn trong công chúng và phẩm chất, tư cách, đạo đức. Ý thức phục vụ cũng không thể xem nhẹ. Có thể chấp nhận được không nếu NSND mà không sẵn sàng phục vụ các cuộc biểu diễn chỉ thuần túy giáo dục, tuyên truyền chính trị, đòi hỏi trả cátsê quá đáng?

Ghi nhận, tôn vinh nghệ sĩ là rất nên, rất cần. Nhưng phải khiến xã hội tâm phục, khẩu phục mới phát huy được tác dụng...

Theo Nguyễn Đình San



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.