Cảnh báo đủ "mánh" thi hộ đại học

Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng thi hộ vẫn luôn xuất hiện trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng với những chiêu thức ngày một tinh vi. Đây tiếp tục là nội dung mà các trường phải đặc biệt lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng thi hộ vẫn luôn xuất hiện trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng với những chiêu thức ngày một tinh vi. Đây tiếp tục là nội dung mà các trường phải đặc biệt lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

“Tấn công” cả trường công an

Năm 2013 một loạt trường công an đã phát hiện các trường hợp thi hộ.

Vào buổi thi môn cuối của đợt I kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 (môn Hóa, sáng ngày 5/7), giám thị ở điểm thi ĐH Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) – đã nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong thẻ dự thi nên báo cáo lên Hội đồng tuyển sinh (HĐTS). Kết thúc thời gian thi, giám thị đã mời thí sinh này lên HĐTS để xác minh. Sau một hồi quanh co, thí sinh này thừa nhận được thuê thi hộ cho một người khác. Tại cơ quan công an, người thi hộ này được xác định là Đỗ Ngọc Quang, SN 1981, trú tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Còn người được thi hộ là Nguyễn Anh Dũng, SN 1995, trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Đối chiếu ảnh là một biện pháp hữu hiệu chống thi hộ. Ảnh: Văn Chung 

Trước đó, trong buổi thi môn môn Toán diễn ra vào ngày 4/7, tại điểm thi số 5 của Học viện An ninh, giám thị đã nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong giấy báo thi. Sau khi hết giờ làm bài, thí sinh này được mời về Hội đồng thi để kiểm tra. Khai thác nhanh về tuổi của bố mẹ, tên cô giáo chủ nhiệm lớp 12, thí sinh này không trả lời được nên thừa nhận là người đi thi hộ và bị cơ quan chức năng tạm giữ. Theo công an TP Hà Nội, người thi hộ tên Lưu, SN 1987, quê ở tỉnh Hà Nam còn thí sinh được thi hộ tên Sơn, SN 1995, quê ở tỉnh Lạng Sơn.

Tới đầu tháng 4/2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 7 bị can trong đường dây thi hộ vào trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân về tội danh làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phượng (SN 1975, quê Hải Dương, từng bị Học viện Kỹ thuật Quân sự đuổi học, rồi lại tiếp tục thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân).

Đường dây này hoạt động từ năm 2012. Trước khi mùa thi bắt đầu, Phượng trực tiếp tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên có kiến thức tốt ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách khoa, Xây dựng... vào đường dây.

Thu từ 200 đến 250 triệu đồng một trường hợp thi hộ, đường dây này hết sức tinh vi khi không chỉ tìm người “đóng thế” có khuôn mặt giống thí sinh nhất, mà còn dùng phần mềm photoshop tạo ảnh mới vừa giống thí sinh thật vừa giống người thi hộ để gửi lại cho các gia đình dán vào hồ sơ đăng ký dự thi. Thậm chí, đường dây này còn gửi cả chữ viết của người thi hộ cho thí sinh thật tập viết cho giống để đối phó khi nhập học.

Bằng các thủ đoạn trên, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, đường dây này đã tổ chức thi hộ trót lọt cho 5 trường hợp; năm 2013 là 14 trường hợp.

Nhiều mánh thi hộ, thi kèm

Trước đó, tại kỳ thi tuyển sinh năm 2010, trường CĐ Kỹ thuật Y tế Trung ương II tại Đà Nẵng, trong buổi thi môn Toán đã phát hiện trường hợp 1 thí sinh thi hộ. Theo đó, giám thị coi thi phát hiện 1 thí sinh điền số báo danh của 1 thí sinh khác cùng tên và vắng thi vào bài thi của mình.

Đường dây thi thuê đại học do Ngô Thành Sơn tổ chức bị lộ diện vào mùa tuyển sinh năm 2003. Bắt đầu từ việc tháng 7/2003 các cơ quan chức năng phát hiện tại địa điểm thi ĐH Giao thông vận tải, Thương mại, Học viện Tài chính có một số thí sinh sử dụng chứng minh thư, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, phiếu đăng ký dự thi giả... để thi hộ, thi kèm cho những thí sinh khác.

Ngô Thành Sơn khai, nếu thi kèm, nhóm của Sơn phải làm giả giấy tờ cho người thi thuê có tên họ, ngày tháng năm sinh trung với "khách hàng" nhằm lọt được vào cùng phòng thi. Người này sau đó tìm cách nhắc bài cho thí sinh. Còn thi hộ, người thi thuê giả làm thí sinh, sử dụng giấy tờ của thí sinh trừ những tài liệu có dán ảnh.

Cũng trong kỳ tuyển sinh này, ba đối tượng liên quan đến một đường dây thi ĐH thuê có tổ chức tại Thái Nguyên đã bị bắt giữ. “Mánh” của trường hợp này là trước giờ thu bài môn vật lý 15 phút, tại phòng thi số 612 ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Hoàng Thụy Trang (nam) đã bị giám thị phát hiện khi đang viết họ tên vào bài thi là Hoàng Thị Thu Trang (nữ) mang số báo danh DTKA 25835 cùng phòng. Thủ đoạn gian lận của đối tượng rất tinh vi, nên đã qua mắt được giám thị trong môn thi Toán, đến cuối giờ chiều thi môn Vật lý mới bị phát hiện.

Hoạt động thi thuê ở thời điểm đó chủ yếu được thực hiện dưới hình thức “thi kèm”. Khách hàng sẽ được "bạn thi" ngồi cạnh hoặc cùng phòng gà bài. Thông thường mỗi một thí sinh được một người thi thuê kèm, nếu là khách hàng đặc biệt sẽ có hai "đồng môn". Các đối tượng đi thi thuê là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp có học lực từ khá trở lên.

Theo Quy chế tuyển sinh, thí sinh vi phạm quy chế thi sẽ bị xử lý với mức nặng nhất là đình chỉ thi nếu vi phạm một trong các lỗi như: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi; Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi. Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.

Đặc biệt, tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi như: Có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh; Sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp; Nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức; Có hành động phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác. Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.


Theo Ngân Anh (VietNamNet)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.