"Mang tiếng chuyên văn mà dạy con toàn điểm thấp"

Chị Hoàng Thịnh (Lâm Đồng) chia sẻ câu chuyện dạy con học văn và nhận xét chua chát của người bạn học thời phổ thông.

Chị Hoàng Thịnh (Lâm Đồng) chia sẻ với độc giả câu chuyện dạy con học văn và nhận xét chua chát của người bạn học thời phổ thông.

Đón con tan học tại một trường THCS (huyện Đức Trọng – Lâm Đồng), thấy mặt cháu buồn so, tôi hỏi: “Ở lớp lại có chuyện gì hả con?”.

Gặng hỏi mãi cháu đáp: “Bài tập làm văn mẹ hướng dẫn cho con viết chỉ được có 7 điểm thôi”.

Tôi nói: “Làm Tập làm văn mà được 7 điểm là cao rồi sao con còn buồn?"

Cháu trả lời: “Lớp con có bạn còn được 8,5 và 9 điểm kia, chỉ có mấy đứa không đi học thêm giống con thì 7 điểm thôi...”

Rồi cháu tha thiết: "Mẹ phải cho con đi học thêm môn văn!"

Tôi tìm cách hỏi thêm thông tin từ Quý, bạn học cùng lớp với con trai. Quý cho tôi biết trên lớp đúng là có chuyện bạn nào đi học thêm thì thường được điểm cao. Quý tâm sự: “Con cũng đi học thêm văn, khi học thêm ở nhà cô, cô thường chuẩn bị sẵn bài văn mẫu đọc cho tụi con chép rổi dặn về nhà học thuộc khi nào kiểm tra một tiết thì viết lại, có bạn lười học tiết kiểm tra cô cho nhìn văn mẫu chép luôn”.

Dạy con, chuyên văn, Dạy con làm văn, điểm thấp, Lâm Đồng

Nghe cháu nói vậy, tôi có chút lo lắng. Tôi đã từng hướng dẫn cho con chuẩn bị 2 bài Tập làm văn.

Lần thứ nhất là viết một bài văn biểu cảm về người thân, tôi gợi ý con nên viết về anh trai của cháu vì anh đang đi học xa sẽ dễ biểu đạt được tình cảm, cảm xúc hơn.

Tôi hướng dẫn con cách lập dàn ý: Mở bài con giới thiệu về anh con và tình cảm của con đối với anh như thế nào? Thân bài con nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình đối với anh, tả một vài chi tiết về ngoại hình của anh mà con rất yêu, rất nhớ. Kể một vài kỷ niệm của hai anh em để nhấn mạnh tình cảm, sự quan tâm của anh đối với con. Nói lên sự quan trọng của anh đối với cuộc sống của con…

Kết bài: Khẳng định lại một lần nữa tình cảm của con đối với anh. Tôi yêu cầu cháu viết thành một bài văn hoàn chỉnh sau đó tôi đọc và sửa cho cháu cách dùng từ, đặt câu. Tôi và cháu đều tự tin bài văn sẽ được điểm cao. Nhưng thật tội nghiệp cho cháu bài văn chỉ được 5,5 điểm.

Cháu về mặt buồn rười rượi nói “tại mẹ nói con viết biểu cảm về anh nên con bị điểm thấp.”

Cô nói “Cả khối 7 ai cũng viết bà hoặc mẹ có mỗi mình con là viết anh”. Không lẽ viết không đúng ý cô, cô cho điểm thấp sao?

Lần thứ hai cô cho chuẩn bị trước một bài Tập làm văn chứng minh câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Cháu lại nhờ tôi hướng dẫn, rút kinh nghiệm lần này tôi đã tìm hiểu kỹ sách tham khảo, rồi tra tìm trên Google và hướng dẫn cháu cách làm.

Phần mở bài, con phải khẳng định câu tục ngữ này là đúng với phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Ở thân bài, con giải thích câu tục ngữ theo nghĩa đen: khi ăn một quả ngon thì phải nhớ đến người vun trồng, chăm sóc. Theo nghĩa bóng: Khi hưởng thành quả lao động của người khác đem lại thì phải biết trân trọng, yêu quý, bảo vệ… Thế hệ sau hưởng thành quả của thế hệ đi trước thì phải biết ơn, từ đó hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình. Lòng biết ơn đối với những người sinh thành, nuôi dưỡng, với tổ tiên con tìm các câu ca dao, tục ngữ, lễ giỗ tổ Hùng Vương… để dẫn chứng. Rồi liên hệ với bản thân là học sinh thì phải như thế nào mới xứng đáng…

Kết bài con phải khẳng định lòng biết ơn là đạo lí tốt đẹp, là thước đo phẩm giá của mỗi người và xác định thái độ của bản thân đối với việc tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa ở trường, ở cộng đồng…

Cũng như lần trước tôi nói cháu viết thành một bài hoàn chỉnh để mẹ xem lại và sửa cho. Kết quả bài kiểm tra lần này được điểm 7, theo cháu là chưa cao vì không chịu đi học thêm.

Ai cũng biết học văn là để giúp phát triển nhân cách, tư tưởng và bồi đắp tâm hồn, giúp con người có ý thức sống ngày một tốt hơn, đẹp hơn.

Qua mỗi đề văn, bài văn mà hình thành cách suy nghĩ, biết nghĩ và biết trình bày những suy nghĩ của mình. Rèn luyện trong Tập làm văn - vì thế, chính là rèn luyện tư duy, cả tư duy hình tượng (đối với văn tự sự, miêu tả, biểu cảm), cả tư duy logic (với văn nghị luận, thuyết minh).

Giáo viên dạy văn giỏi là người biết khơi gợi, khuyến khích sự sáng tạo, những suy nghĩ độc đáo mang màu sắc cá nhân của học sinh.

Thực tế, tôi thấy không ít học sinh học máy móc, giáo điều, chỉ biết làm các bài đã được nghe giảng, thậm chí chỉ làm được khi được trang bị bài văn mẫu.

Khi gặp các đề thi chỉ cần yêu cầu khác đi, các cháu sẽ “cắn bút” hoặc viết một cách rất ngô nghê. Đó là chưa kể đến một số giáo viên đã ép học sinh đi học thêm bằng cách khi hướng dẫn cho học sinh lập dàn ý ở trên lớp thì rất sơ sài. Nếu học sinh không tham khảo thêm sách hướng dẫn hoặc không có kiến thức sâu rộng thì chẳng biết viết gì. Nhưng nếu đi học thêm môn của cô, cô sẽ trang bị cho bài văn mẫu để làm bài.

Một số giáo viên thì chạy theo thành tích nên cũng chuẩn bị sẵn cho học sinh bài văn mẫu và có tình trạng là cả lớp viết giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Kiểu dạy này đã làm thui chột tư duy sáng tạo của học sinh.

Đem chuyện này chia sẻ với một người bạn học cùng thời phổ thông, bạn khuyên một câu nghe thật chua chát: “Từ nay đừng chỉ bài cho con nữa nha, mang tiếng là học sinh chuyên văn đã từng đoạt học sinh giỏi văn cấp tỉnh mà chỉ bài cho con toàn bị điểm thấp!”

Độc giả Hoàng Thịnh/Theo Vietnamnet


học thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.