'Ngã ngửa' vì... sở giáo dục Vĩnh Phúc!

Ngày 17/4, nhiều người từng tham gia đợt thi tuyển giáo viên của tỉnh Vĩnh Phúc cuối năm 2012 đã có mặt ở Sở GD&ĐT tỉnh này để nộp lại hồ sơ, nhưng họ lại một phen... “ngã ngửa” vì hồ sơ bị từ chối, không tiếp nhận với lý do khó hiểu.

Ngày 17/4, nhiều người từng tham gia đợt thi tuyển giáo viên của tỉnh Vĩnh Phúc cuối năm 2012 đã có mặt ở Sở GD&ĐT tỉnh này để nộp lại hồ sơ, nhưng họ lại một phen... “ngã ngửa” vì hồ sơ bị từ chối, không tiếp nhận với lý do khó hiểu.

Diễn biến không ngờ
 
Nguyên nhân các thí sinh phải làm lại hồ sơ, như Giaoduc.net.vn đã đưa tin, là do sai lầm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trước đó. Sở này đã “bẻ cong” Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Tự ý quy tất cả thí sinh vốn học đại học theo niên chế về áp dụng công thức tính điểm xét tuyển dành cho thí sinh được đào tạo theo tín chỉ! Điều đó gây ra hậu quả: thí sinh đáng lẽ được điểm xét tuyển cao lại bị thành điểm thấp và có thể xảy ra tình huống ngược lại (đáng bị thấp được nâng cao) do cách tính "trên trời" của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tước bỏ hoàn toàn Điểm thi tốt nghiệp (hoặc điểm luận văn) của thí sinh.

Trước sai phạm này, ông Phạm Quang Tuệ, Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc đã thừa nhận với Giáo dục Việt Nam: Sở GD&ĐT làm trái Nghị định 29/2012/NĐ-CP, sẽ phải tính điểm lại cho thí sinh. Và ngày 23/3, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ra Thông báo số 225 về tính lại điểm xét tuyển giáo viên, đề nghị các thí sinh trong diện xét tuyển làm lại bảng điểm để nộp lại trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 22/4 (trong vòng 6 ngày này, có 2 ngày nghỉ cuối tuần và 1 ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương). 

Ông Phạm Quang Tuệ (đứng), Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc
.

Theo văn bản này, bảng điểm tốt nghiệp đại học của thí sinh sẽ phải nhờ trường nơi thí sinh từng theo học tách riêng Điểm học tập và Điểm tốt nghiệp. Văn bản nêu khái niệm: “Điểm học tập được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập. Điểm tốt nghiệp được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn”.

Thế nhưng, hàng vạn bạn đọc Giaoduc.net.vn đã từng lên tiếng bất bình, đã từng chia sẻ những giọt nước mắt mặn chát qua bức tâm thư của cô gái bị di chứng chất độc da cam Dương Thị Ánh hẳn sẽ không ngờ vào ngày 17/4, thí sinh đến nộp lại hồ sơ đã bị chuyên viên Sở GD&ĐT lắc đầu không nhận.

Lý do Sở đưa ra khiến các thí sinh bàng hoàng: Các trường đại học đã tách sai Điểm học tập, không đúng Nghị định 29/2012/NĐ-CP (trong khi thực tế cách tách điểm của các trường đại học không hề sai - điều này chúng tôi sẽ nêu rõ ở bài viết tiếp theo đăng tải vào lúc 13h chiều nay, 18/4, mời bạn đọc theo dõi).

Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.

Phẫn nộ và hoang mang

Do ở xa (xã Quang Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nên chị Dương Thị Ánh (người dũng cảm khiếu nại chỉ ra cách tính sai của Sở) đã chuẩn bị từ rất sớm để sáng 17/4 đến Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nộp hồ sơ. Theo phản ánh của chị Ánh, tiếp chị và các thí sinh là ông Vũ Kiên Cường, chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, cùng một chuyên viên khác. Thế nhưng sau khi xem hồ sơ của các thí sinh, các chuyên viên này từ chối không nhận và nêu lý do rằng: Cách tách Điểm học tập trong bảng điểm tốt nghiệp đại học mà các trường đại học làm cho thí sinh là không đúng.

Theo giải thích (nói miệng) của ông Vũ Kiên Cường với các thí sinh, Điểm học tập phải được tính bằng cách: Lấy đầu điểm của các môn trong bảng điểm cộng vào nhau, được bao nhiêu đem chia cho số đầu môn học tương ứng (chúng tôi gọi cách này là Cách 1 - pv). Trong khi, Điểm học tập mà các trường làm cho thí sinh tính theo cách: đầu điểm của mỗi môn học nhân hệ số (hệ số nhân chính là số đơn vị học trình của môn đó), tất cả cộng lại với nhau, rồi chia cho tổng số đơn vị học trình của tất cả các môn (chúng tôi gọi cách này là Cách 2 - pv).

(Ghi chú: 2 cách tính này sẽ cho ra 2 kết quả khác nhau, vì với một đầu điểm khi nhân hệ số sẽ có vai trò khác với không nhân hệ số, đầu điểm càng cao nhân hệ số càng có lợi, đầu điểm càng thấp nhân hệ số càng bất lợi)

Từ lập luận đó, ông các chuyên viên Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã yêu cầu các thí sinh về trường cũ làm lại lại điểm một lần nữa (nói miệng). Tuy nhiên, khi thí sinh đề nghị các chuyên viên ghi lời yêu cầu cùng lý do nêu trên vào hồ sơ để xác thực quan điểm của Sở và để có thể về trường làm lại điểm, thì các chuyên viên này từ chối. Một mặt khác, họ nhất quyết không nhận hồ sơ của thí sinh. 

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam khi có mặt ngay tại trụ sở Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, chị Dương Thị Ánh vô cùng bức xúc cho biết: "Cách tính điểm của trường ĐH Tây Bắc nơi tôi từng theo học cũng như cách tính điểm trong bảng điểm của các thí sinh khác là hoàn toàn không có gì sai (Cách 2 - pv), bây giờ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại nghĩ ra lý do này để làm khó chúng tôi. Trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP có cụm từ "trung bình cộng kết quả các môn học" như ông Vũ Kiên Cường nói nhưng tôi không ngờ họ lại đưa ra cách tính máy móc như thế (cách 1 - pv). Tôi không hiểu họ lôi cách tính này từ đâu ra"? 

Rất bức xúc nhưng chị Ánh cũng không giấu nổi nỗi lo lắng: Trường chị là ĐH Tây Bắc ở Sơn La, đi từ nhà chị hết khoảng 300km, nếu phải làm lại điểm thì đi gấp hết ngày 17/4 mới tới nơi, trong ngày 18/4 xin lại điểm, ngày 19 nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 20, 21 là cuối tuần Sở và các trường không làm việc, chỉ còn ngày thứ Hai (22/4) là hạn cuối nộp hồ sơ mà thôi. "Giả sử chiều nay (17/4) hoặc ngày 18/4 tôi mới đến nộp, gặp chuyện thế này, thì có lẽ ước mơ được thành viên chức của tôi sẽ tắt lụi ngay từ phút đầu được nhen nhóm lại", chị chua chát. 

Cùng tâm trạng, chị Khổng Thị Lý (ở huyện Vĩnh Tường, thi giáo viên ngành Hóa) sau khi đến nộp hồ sơ vào buổi chiều cho biết: Các chuyên viên của Sở có chịu nhận hồ sơ của chị nhưng là nhận... để đấy, còn vẫn yêu cầu về làm lại điểm (?!).

Chị Lý nói trong lo lắng: "Cách tính mà Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu ra thì không một trường đại học nào tính như thế cả. Rất nhiều môn có nhiều đơn vị học trình, chẳng hạn có những môn tới 6 đơn vị học trình thì không thể đánh đồng những môn đó với những môn 2 đơn vị học trình được. Nhưng người ta cứ bảo căn cứ vào văn bản của Sở, cứ vin vào cái từ "trung bình cộng" yêu cầu chúng tôi tách theo đúng hướng dẫn của họ. Hạn thì đến 22 phải nộp trong khi chúng tôi chỉ có ngày 18 nữa (chị Lý học ĐH Tây Bắc ở Sơn La) vì tiếp theo là 3 ngày nghỉ rồi, thứ Hai là hạn cuối cùng".

"Điều chúng tôi thắc mắc bây giờ là cái chữ "trung bình cộng" họ nêu ra đó. Theo các Sở GD&ĐT, chẳng hạn bạn tôi thi giáo viên ở Hà Tây văn bản cũng như thế nhưng họ cũng tách Điểm học tập như trường của chúng tôi. Hoặc tất cả các phòng phổ thông (phòng giáo dục thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - pv) họ cũng tính điểm có nhân với số đơn vị học trình. Tôi có thắc mắc tại sao các Sở khác làm thế mà Sở mình không làm, họ lại bảo mỗi Sở có một quy định riêng, phải theo Sở mình, thế thì tôi cũng không hiểu cái Sở của tôi làm như thế có đúng hay không nữa"?

Ngay từ cuối buổi sáng khi nhận được phản ánh của thí sinh, phóng viên Giaoduc.net.vn đã liên hệ với lãnh đạo các Sở liên quan để có câu trả lời về thắc mắc của thí sinh. Kết quả như sau: 

* Giám đốc Sở Hoàng Minh Quân: "Việc tính điểm không đúng hay không chính xác thì tôi chưa nắm được, tôi đang họp". Phóng viên hẹn sẽ gọi lại ông buổi trưa, nhưng sau đó đến hết ngày không thể liên lạc được với ông hoặc ông không bắt máy. 

* Phó GĐ sở Nguyễn Phú Sơn: "Theo Nghị định 29 thì dùng từ “trung bình cộng các môn” chứ không có đơn vị học trình, tôi chưa nắm rõ cái này". Phóng viên nêu giả sử thí sinh phải làm lại điểm thì rất khó cho các em ở xa như ở ĐH Tây Bắc, ông Sơn nói: "Thực ra văn bản trước đây do Phó giám đốc Nguyễn Xuân Trường đã ký về xác định cách tính điểm lại. Có gì tôi về cơ quan tôi sẽ xem lại chỗ này". Ông Sơn cũng nói không nắm rõ hạn chót lịch nộp hồ sơ và hứa sẽ trao đổi lại sau.

* GĐ Sở Nội vụ Phạm Quang Tuệ: Phóng viên gọi nhiều lần ông Tuệ không bắt máy.



Theo GDVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.