Nghề 'sang', nghề 'hèn' và chuyện cố ý thất nghiệp

Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy "lao động là vinh quang" nhưng không ai chỉ cho ta cách chống lại mặc cảm và nhận thức sai lầm về nghề "sang", nghề "hèn".

Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy "lao động là vinh quang" nhưng không ai chỉ cho ta cách chống lại mặc cảm và nhận thức sai lầm về nghề "sang", nghề "hèn". Chuyện cố ý thất nghiệp cũng từ đó mà sinh ra...

MC: Lời đầu tiên, tôi xin được gửi lời chào nồng hậu đến hai vị khách mời cùng toàn thể quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình. Talkshow Đa diện số này sẽ đề cập đến một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ: Quan niệm nghề "sang", nghề "hèn" và chuyện người trẻ cố ý thất nghiệp.

Câu hỏi đầu tiên với hai vị khách mời: Trong quá trình học tập, làm việc có khi nào quyết định của anh chị bị chi phối bởi quan niệm nghề sang, hèn?

Diệu Vinh: Có chứ. Mơ ước lớn nhất của đời tôi là được trở thành đầu bếp. Nhưng khi tôi nói về ý định nộp hồ sơ vào trường Trung cấp nấu ăn, tôi đã bị bố mẹ mắng cho một trận tơi bời, sau đó là khoảng thời gian cấm túc, giam lỏng. Sự căng thẳng trong ngôi nhà nhỏ chỉ biến mất khi tôi đồng ý nộp hồ sơ vào trường Sư phạm, theo đúng nguyện vọng của người lớn. Đến giờ nghĩ lại, tôi mới cảm thấy mình may mắn vì đã nghe lời bố mẹ. Nếu năm đó tôi cứ liều mình học nấu ăn, không biết cuộc đời tôi sẽ đi về đâu...

Đăng Quang: Tôi cũng giống chị Vinh, phải chọn trường đại học theo ý muốn của ông nội tôi. Tôi muốn học Quản trị Kinh doanh nhưng ông tôi luôn dị ứng với khái niệm "con buôn". Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định cất tấm bằng loại Giỏi vào tủ để rẽ sang con đường khác. Lấy cá bé nuôi cá lớn, tôi không nề hà việc gì từ phục vụ, bán trà đá, nước mía đến buôn sim, treo banner quảng cáo, kinh doanh bất động sản... Hơn ba năm sau, tôi đã có đủ tiền để mở công ty riêng, chuyên cung cấp thực phẩm sạch. Hiện tại, công ty đã có nguồn khách hàng đầu ra ổn định, liên tục tăng trưởng.

MC:Lúc anh quyết định làm trái ngành có vấp phải sự phản đối của gia đình?

Đăng Quang: Tất nhiên. Ông nội giận tôi gần một năm ròng. Nhưng sau 4 năm tôi học Đại học, một vài biến cố xảy ra khiến gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Việc "lo" cho tôi một vị trí tốt, danh giá, đúng chuyên ngành không còn là "chuyện nhỏ" như ngày trước nữa. Có thể nói rằng chính những khó khăn năm đó là điều kiện cần để ước mơ đời tôi trở thành hiện thực. Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang phân vân chọn trường, chọn nghề: Ba vòng tròn Điểm mạnh, Đam mê, Mục tiêu của bạn giao nhau ở đâu, nghề nghiệp của bạn nằm ở đó.

Nghề 'sang', nghề 'hèn' và chuyện cố ý thất nghiệp
Talkshow Đa diện: Nghề sang, nghề hèn và chuyện cố ý thất nghiệp. Ảnh minh họa.

MC:Vậy anh chị có suy nghĩ gì về hiện tượng "cố ý thất nghiệp" của người trẻ, khi họ từ chối những công việc phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất?

Diệu Vinh: Có lẽ hiện tượng này cũng từ quan niệm nghề sang, nghề hèn mà ra cả. Trừ các bạn ngoại tỉnh hoặc tách ra ở riêng phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, phần đông cử nhân mới tốt nghiệp đều được bố mẹ "bao" ăn, ở, vô lo vô nghĩ. Tôi quen một chị có con gái thất nghiệp hơn một năm nay nhưng lúc nào cũng thủ thỉ với nó: "Chưa tìm được việc thì cứ ở nhà mẹ nuôi". Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày xổ ruột, cũng chẳng trách được các bạn ấy!

Đăng Quang: Ở nước ngoài, một người quản lý giỏi buộc phải lao động từ vị trí thấp nhất. Nếu không anh ta sẽ không bao giờ biết được năng suất lao động thực sự của nhân viên trong từng khâu.

Cha mẹ ai chẳng xót con, nhưng nuông chiều như vậy chỉ làm bọn trẻ thêm ỷ lại, lười nhác. Cuộc sống khó lường, bạn không thể đi theo con cái, mang cá cho nó ăn cả đời được. Tôi tin rằng bản thân các bạn trẻ cũng không muốn phụ thuộc. Họ cũng rất sốt sắng mỗi khi thấy bạn bè tìm được việc làm. Họ chỉ bộc lộ tầm nhìn thiển cận cùng sự ích kỷ của mình nếu biết công việc đó không hề "ngon ăn".

Rồi đến một thời điểm nào đó trong đời, họ phải sẽ hối hận hoặc xấu hổ về sự lười biếng của mình. Bởi trong lúc họ đang trề môi chê bai một công việc lương thấp, băn khoăn chọn trường vừa điểm đỗ, đâu đó ngoài kia có một chàng trai mắc hội chứng Down vẫn cần mẫn làm nhân viên bán phở, có một cậu học trò đạt 24,5 điểm nhưng vẫn nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng nghề…

MC:Trước khi khép lại chương trình, tôi xin nhắc lại câu ngạn ngữ: “Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi.” Đừng bao giờ biến mình thành một “kẻ hèn” đáng thương trong mắt người đời, bạn nhé!

Theo Khỏe & Đẹp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.