Xâm hại trẻ em: Ai cũng có thể là nạn nhân!

Đến 90% các vụ xâm hại trẻ em có thủ phạm là người mà gia đình quen biết và thủ phạm tạo được lòng tin đối với gia đình.

Đến 90% các vụ xâm hại trẻ em có thủ phạm là người mà gia đình quen biết và thủ phạm tạo được lòng tin đối với gia đình.

Trên thực tế, những dấu hiệu đầu tiên của một vụ xâm hại hoặc quấy rối có thể không phải rõ ràng ở thể chất, mà là những sự thay đổi hoặc bất thường trong hành vi. Đôi khi, do quá sợ hãi hoặc xấu hổ vì vụ việc đến mức nhiều năm sau, khi đã lớn, thì nạn nhân mới hoàn toàn hiểu và tiết lộ về những chuyện đã xảy ra. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ càng phải để ý và nhạy cảm với những thay đổi hành vi, cảm xúc hàng ngày ở con mình.

Một số dấu hiệu hành vi và cảm xúc khi trẻ bị xâm hại

Trẻ dưới 3 tuổi có thể: Sợ hãi hoặc khóc nhiều bất thường, nôn, không muốn ăn, gặp các vấn đề khi đi vệ sinh, ảnh hưởng đến giấc ngủ… 

Xâm hại

Trẻ em 2-9 tuổi
có thể: Sợ hãi những người, địa điểm hoặc hoạt động nhất định; quay trở lại những hành vi cũ đã từng bỏ được như tè dầm, sợ người lạ; thu mình; cảm thấy sợ hãi hoặc tội lỗi; gặp ác mộng và các vấn đề khác về giấc ngủ; gặp vấn đề về ăn uống… 

Trẻ lớn hơn hoặc ở tuổi teen có thể: Trầm cảm, gặp ác mộng hoặc các vấn đề khác về giấc ngủ, học kém đi, sinh hoạt bừa bãi, hút thuốc, trốn khỏi nhà, cáu kỉnh, gây hấn, gặp các vấn đề về ăn uống, sợ hãi, giận dữ, muốn tự tử…

Không một ai quan tâm đến sự an toàn của con bạn bằng chính bạn!

Đến 90% các vụ xâm hại trẻ em có thủ phạm là người mà gia đình quen biết và thủ phạm tạo được lòng tin đối với gia đình. Để đảm bảo sự an toàn cho con bạn, đó là trách nhiệm của chính bạn. Dưới đây là những việc bố mẹ cần làm để đảm bảo an toàn cho con:

1. Hỏi kỹ về giấy tờ để đảm bảo nơi giữ trẻ, hoặc trung tâm nào mà con bạn theo học thêm, học ngoại khóa… là có giấy phép hợp pháp.

2. Nếu linh cảm của bạn là nên từ chối, thì hãy từ chối, đừng đặt con em bạn vào tình huống nguy hiểm. Ví dụ, khi con sang chơi nhà bạn, nhà hàng xóm, khi gửi con cho ai đó trông hộ…, hãy lắng nghe linh cảm của mình. Linh cảm của chúng ta thường dựa trên phần nào sự thật, dù bạn có thể không chỉ rõ ra được. 

Xâm hại

3. Nếu bạn có "lăn tăn" về hành vi của ai đó, hãy thể hiện. Nếu cần, hãy giải thích với người đó rằng bạn không thấy thoải mái với hành vi của họ khi tiếp xúc với con bạn - hoặc với những đứa trẻ khác. Đó có thể là một người lớn cù (thọc lét), chơi đùa mà động chạm vào người trẻ con, nói những điều mà bạn nghĩ là không phù hợp… 

Cũng như người lớn, trẻ em cũng có bản năng. Cho nên, nhiều khi, bố mẹ cần lắng nghe bản năng của con:

Ví dụ 1:
Con: "Con không muốn sang nhà bác D. Bác ấy lạ lắm".
Bố mẹ: "Con không được nói như thế. Bác D. là bác của con, là họ hàng của chúng ta, con phải biết nghe lời bác ấy".
Tốt hơn phải là: "Có điều gì ở bác D. mà con thấy lạ?".

Ví dụ 2:
Con: "Con không muốn đi học vẽ ở lớp thầy S. nữa".
Bố mẹ: "Vớ vẩn, bố mẹ đã đóng tiền rồi, con phải đi".
Tốt hơn phải là: "Bố mẹ muốn đảm bảo là con an toàn và thích đi học vẽ - có phải con lo lắng về việc gì đó không?".

Tất nhiên, không phải mọi lo lắng của con trẻ đều do vấn đề xâm hại. Đứa trẻ có thể bị bạn bắt nạt, hoặc có thể chỉ muốn ở nhà chơi. Nhưng điều quan trọng là bố mẹ lắng nghe con và quan tâm đến cảm xúc của con.

4. Khi nói chuyện với con về các vấn đề tình dục, hãy chọn một nơi thoải mái, khiến con cảm thấy được yêu thương. Đừng để con cảm thấy đây là vấn đề "bẩn thỉu", điều này sẽ khiến con nghĩ rằng nếu kể về việc ai đó xâm hại mình cũng là "bẩn thỉu". Vì vậy, bố mẹ nên nói với con một cách bình tĩnh, bình thường và thật nhiều yêu thương.

5. Bắt đầu nói với con về việc bảo vệ cơ thể từ khi con 2 tuổi. Trẻ em dưới 12 tuổi chịu rủi ro cao nhất vào năm 4 tuổi. Lúc này, trẻ bận rộn khám phá thế giới, nhưng lại chưa giỏi diễn đạt lắm. Khi tắm cho con, bố mẹ nên nói cho con biết những bộ phận nào trên cơ thể là mang tính cá nhân cao nhất, và rằng bố mẹ nhìn thấy và chạm vào đó để rửa sạch, giữ vệ sinh cho con, chứ bình thường không ai nên chạm vào cả.

6. Dạy con tên gọi thật của những bộ phận nhạy cảm. Khi bố mẹ bắt đầu dạy con tên các bộ phận như "mũi", "tai", hãy dạy cả tên thật của những bộ phận như "chim", "mông", "bím", thay vì những cái "nickname dễ thương". Điều này khiến trẻ biết sử dụng từ đúng nếu có ai đó động chạm. Cần dạy con cả sự khác nhau giữa con trai và con gái bởi kẻ xâm hại có thể là nam hoặc nữ, và con cần biết cách miêu tả những gì xảy ra với mình.

Xâm hại

7. Dạy con rằng những bộ phận riêng tư là rất đặc biệt. Bố mẹ cũng cần giải thích rằng khi ai đó khiến con cảm thấy "buồn và dễ chịu" ở bộ phận sinh dục, thì điều đó là không phù hợp và con phải kể với bố mẹ ngay. Đồng thời, bố mẹ cũng cần dạy con rằng việc chạm vào bộ phận sinh dục của người khác là KHÔNG ĐÚNG, kể cả nếu có người lớn nào đề nghị như thế. Và cũng cần báo với bố mẹ ngay.

8. Dạy con (và tôn trọng) quyền kiểm soát cơ thể của con. Bố mẹ cần dạy con rằng cơ thể là của riêng mình, và không ai có quyền làm mình đau. Không ai có quyền chạm vào cơ thể mình nếu mình không cho phép – con có quyền từ chối, kể cả khi người lớn đề nghị. Ví dụ, khi bạn gặp gỡ người khác, đừng bảo con ôm hoặc hôn hoặc ngồi vào lòng ai. Thay vì thế, hãy nói với con rằng con có thể ôm, bắt tay, hoặc không chạm vào những người mà con gặp – việc đó tùy ý con. 

Bố mẹ không đặt con gái vào lòng người khác. Và khi người lớn cố bắt con ôm họ trong khi con không muốn, hãy khuyến khích con từ chối và dùng lời để ủng hộ quyết định của con. Hãy cho con biết rằng con nên tin vào bản năng của mình – dù đôi khi con có thể bị coi là không lễ phép. Sự an toàn luôn nên được đặt lên trên sự lễ phép.

9. Giải thích rằng một bí mật vẫn là bí mật khi chia sẻ với bố mẹ. Nhiều kẻ xâm hại nói với nạn nhân rằng chuyện vừa xảy ra là bí mật và đừng kể với ai, nhất là bố mẹ. Nên bố mẹ cần sớm dạy con rằng mình sẽ giữ bí mật cho con. Thêm nữa, con cần hiểu rằng bất kỳ ai muốn con giữ bí mật trước bố mẹ mình thì đếu không đáng tin cậy và chắc chắn cần nói với bố mẹ.

10. Nói với con rằng bố mẹ sẽ tin con nếu có ai đó làm tổn thương con và con sẽ không gặp rắc rối gì cả. Nhiều kẻ xâm hại nói với nạn nhân rằng sẽ không ai tin con đâu và khiến con cảm thấy xấu hổ. Nên bố mẹ hãy đảm bảo rằng khi con kể điều gì đó, bố mẹ sẽ không nổi giận, rằng con đã làm điều đúng, rằng bố mẹ tự hào và cảm ơn con đã kể cho bố mẹ nghe sự thật.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.