Hội chứng "đầu năm"

Đầu năm mặc dù các trường đại học đã có lịch học, thời khóa biểu rõ ràng nhưng các sinh viên nhà ta vẫn cứ vô tư nghỉ học.

Đầu năm, đó là thời điểm các kì thi đã qua và những bài kiểm tra thì chưa tới. Đặc biệt, với những sinh viên ở quê lên thành phố học thì đây là thời gian mà họ còn đang lưu luyến những ngày hè vui thú ở quê. Tâm lí “hậu nghỉ hè” còn hằn sâu trong những ét vê. Thế nên, mặc dù các trường đại học đã có lịch học, thời khóa biểu rõ ràng nhưng các sinh viên nhà ta vẫn cứ vô tư nghỉ học. Câu cửa miệng của một số sinh viên là: “Đầu năm ý mà…”. Đầu năm thì sao? Cận cảnh đời sống sinh viên, ta sẽ rõ.

Sinh viên trên giảng đường

Giảng đường : vắng

Tính đến thời điểm nửa cuối tháng Tám, đa số các trường đại học ở Hà Nội đều đã lên lịch học cho những sinh viên năm 2, năm 3 và năm cuối. Sinh viên cũng rậm rịch lên trường khá đông. Song, những gì họ làm ở trường thì không phải đều là dành cho việc học. Và đâu đó, vẫn có những giảng đường mà chốc chốc lại có một sinh viên “ ù té chạy” trước khi bị giảng viên phát hiện ra.

Được hỏi là tại sao lại không đến lớp trong những ngày đầu năm học, H ( Đại học L) thản nhiên nói : “Những bài giảng đầu năm chả có gì quan trọng cả. Toàn là giới thiệu chung về môn học, phương pháp học. Có bao giờ thi vào đâu mà sợ. Đi học làm gì cho nó …phí”. Thảo nào, tuần đầu tiên, H ung dung ở quê tận hưởng nốt kì nghỉ hè vui thú, mặc kệ bạn bè đã lên trường với bộn bề sách vở.

Không như H, nhóm bạn của N( Đại học TM) lại đến trường khá đều. Song những gì họ làm ở trường lại khiến mọi người nghĩ rằng: “Trường đại học vui thật, đến trường không chỉ để học”. Hôm đầu tiên, các cô nương trong nhóm nhiệt tình khoe những bộ cánh thời trang mà họ đã tậu được trong hè. Hôm thứ hai, các nàng hò nhau góp tiền đi hát karaoke.

Điều đáng nói là, những gì mà các cô nương ấy bàn tán lại làm om xòm cả một góc lớp, ảnh hưởng đến không khí học hành nghiêm túc của các bạn. Hết giờ học, vì có sẵn phương tiện nên một dàn các cô xinh đẹp rủ nhau đi ăn chân gà nướng với nộm bò khô trên Bờ Hồ. Tiếng xe, hòa cùng tiếng cười nói rôm rả khiến một số người lắc đầu :”Không biết bọn nó đi học hay là đi … biểu dương lực lượng nữa”.

Nghỉ học trong những ngày đầu năm cũng phải có phương pháp. Không phải là môn nào, thầy cô nào cũng nghỉ được. Có một số bộ môn và một số giảng viên điểm danh ngay từ đầu năm. Nắm rõ quy luật này nên có một số sinh viên bùng học có chiến lược hẳn hoi. Cứ những giờ có điểm danh là vác sách vở tới lớp ngồi nghiêm trang, ngay ngắn vô cùng. Hết điểm danh là lập tức “a lô xô” ra khỏi lớp ngay. H.Anh( Đại học KD&CN) “bật mí”: “ Chỉ có môn tiếng Anh là có sổ điểm danh đầu năm thôi, còn những môn kia, vì chậm trễ nên chưa có. Chúng tớ chỉ cần có mặt đông đủ vào giờ tiếng Anh là ok”. Hèn chi, cô giáo toàn khen lớp này chăm học. Có ai ngờ, chỉ cần cô bước ra khỏi cửa mươi bước là sinh viên cũng lục tục theo sau.

Nhà trọ : bừa bộn

Qua một tháng nghỉ hè, cảm giác của sinh viên nào, khi bước chân vào nhà trọ cũng là :” Ngại kinh khủng. Tớ có cảm giác như mình đang bắt đầu một cuộc sống mới. Lại phải dọn dẹp, lại phải tính toán hàng trăm thứ tiền. Nghĩ đến thôi đã …oải”. Quả thật, cảm nhận của cô bạn H ( Đại học SP) cũng chung cho rất nhiều sinh viên khác. Bạn thử nghĩ mà xem, đối diện với căn phòng chật chội, đầy đồ đạc, sàn nhà vương vãi phân gián, bát đũa nồi niêu chỏng chơ hỏi ai mà không thấy ngại cơ chứ.

Trước cảnh tượng đó, có sinh viên dũng cảm làm “dọn dẹp viên” bất đắc dĩ. Số còn lại, chưa thích nghi được với môi trưởng nhà trọ nên nảy sinh tâm lí “sống chết mặc bay”. Tức là, để mặc cho tình trạng lộn xộn đó muốn ra sao thì ra. Nghe cô bạn cùng lớp thủ thỉ mà tớ giật mình: “Hai ngày nay tớ chưa nấu cơm, tối đến sang nhà cô bạn thân ngủ ké. Để tuần sau dọn dẹp cũng được”. Nhà trọ bây giờ trở về đúng nghĩa là nhà trọ. Những sinh viên chẳng được chí thú cho lắm với nấu nướng thì sáng,trưa, chiều tối đều áp dụng “ nữ công… ra quán”. Tuy hơi đắt một tẹo song đỡ phải bắt tay vào dọn dẹp lại nhà cửa mà vẫn có cơm ăn.

Nhắc nhỏ đầu năm

Có lẽ không ít sinh viên nghĩ rằng quãng thời gian ngắn ngủi đầu năm chẳng có nhiều ý nghĩa và nếu có chơi bời một chút thì cũng không sao vì những kiến thức đầu năm không phải là quan trọng. Nhưng các bạn ấy lại không hề nghĩ rằng, chính kiến thức ở những bài đầu đó sẽ có giá trị định hướng cho toàn môn học và không phải là hoàn toàn vô nghĩa.

Hơn nữa, ý thức học hành tử tế ngay từ những ngày đầu năm sẽ khiến cho bạn vào guồng máy học tập tốt hơn, chủ động hơn. Nếu cứ mãi trốn tránh nhiệm vụ học tập của mình thì khi học thực sự, bạn sẽ thấy ngại hơn gấp nhiều lần đấy. Tương tự như thế, nếu ngay từ đầu năm mà việc ăn ở của bạn đã đi vào quy củ, nề nếp thì không chỉ việc học mà nhiều việc khác cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều. Ngoài lợi ích trước mắt là đảm bảo sức khỏe thì hiệu quả học,làm việc cũng sẽ tăng lên thấy rõ.

Và nữa, thời gian là vô cùng quý giá. Thời gian ở đây, không chỉ là tháng, là năm mà còn là những ngày đầu năm đấy. Bạn nghĩ sao nếu những ngày đầu năm học của bạn trôi đi trong vật vờ, vô vị? Thế có nghĩa là bạn đã lãng phí một khoảng thời gian của tuổi trẻ rồi.

Vậy thì, còn chờ gì nữa mà không bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa sách vở và chuẩn bị một tâm lí sẵn sàng cho một học kì mới nhỉ? Hội chứng “ đầu năm” sẽ không còn lí do gì để đeo bám bạn nữa đâu.

Theo Mai Hà Uyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.