Lý do khiến sinh viên không có hè

Thay vì vui chơi xả láng trong kì nghỉ hè, nhiều teen dành thời gian ấy cho những dự định riêng. Trong những lý do đưa ra, có những lý do rất đáng khâm phục nhưng có những lý do… lãng xẹt.

Những "con ong chăm chỉ"

Mùa hè năm nay, Vân (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) lại không về quê. Vân cho biết: “Bố mẹ mình đều là viên chức nghỉ hưu, việc nhà không có nên mình cũng không muốn về quê, đốt thời gian cho việc đi ra đi vào và xem tivi thì chán lắm”.

Nhiều bạn ở lại thành phố làm gia sư, đi làm thêm các việc khác hoặc đi học nhưng cũng có người không về quê với bố mẹ chỉ vì muốn ở lại với người yêu, vì chán cuộc sống buồn và thiếu tiện nghi tại gia đình...

Thay vào đó Vân tiếp tục nhận các lớp gia sư trong hè. Vân còn cho biết: “Kỳ tới em phải làm tiểu luận, em tranh thủ hè để kiếm tài liệu đọc thêm”. Với Vân, hè không có nghĩa là nghỉ ngơi mà là dịp cho mình thực hiện những dự định còn ấp ủ.

Cùng dãy trọ với Vân, Phúc (Cao đẳng Giao thông vận tải) cũng không về quê. Phúc ở lại hè để học thêm tin học và ngoại ngữ. “Đây là những thứ cần cho mình khi ra trường. Nhà mình xa trung tâm, muốn học thêm cũng không tiện đi lại như ở đây nên mình ở lại Hà Nội để kiếm mấy cái bằng. Gần vào năm học mới tranh thủ về vài bữa thôi cho đỡ nhớ nhà" - Phúc tâm sự.

Theo những bạn này cho biết họ cũng buồn, cũng chạnh lòng nhớ nhà khi thấy bạn bè tíu tít về quê, nhưng họ đã quyết tâm làm nên cũng tự an ủi mình cố gắng. Nhớ quá thì lại gọi điện về. Là sinh viên trọ xa nhà lâu rồi nên họ cũng quen.

Và những teen mất nghỉ hè vì những lí do lãng xẹt

Không giống hoàn cảnh những teen nêu trên, Trường (nhà ở TP. Điện Biên) ở lại nhà trọ vì hết tiền. Từ khi bước chân xuống thủ đô học, Trường biết thêm nhiều thứ và đam mê nhiều thứ. Tiền gia đình gửi nhiều khi không đủ để Trường thỏa mãn những nhu cầu mới nảy sinh của mình.

Như nhiều sinh viên hay làm, Trường thử chơi đề. Ban đầu vận đỏ, Trường trúng đề liên tục. Cách kiếm tiền may rủi này nhanh chóng hấp dẫn Trường. Rồi Trường thua cháy túi, tiền ăn hàng tháng đổ hết vào đề đóm. Tháng cuối kỳ, Trường nợ tiền ăn quán cơm, nợ tiền trọ, vay bạn bè để lấy tiền chơi lô, nhưng vận đỏ không bao giờ quay lại, Trường sạch nhẵn tiền.

Khi bạn bè tấp nập về quê thì Trường vẫn nằm tại phòng trọ, không buồn sắp xếp đồ đạc. Từ Hà Nội lên Điện Biên hết hơn 200 ngàn tiền đi đường, trong khi đó, tất cả trong túi Trường không còn đến 10 ngàn đồng. Bạn bè biết tính Trường ham mê đề đóm nên không ai dám cho vay nữa. Trường đành gọi điện về nhà nói dối ở lại Hà Nội học tiếng Anh và xin thêm tiền. Cả mùa hè ở lại phòng trọ một mình dường như chưa đủ để làm Trường tỉnh ngộ. Hàng ngày Trường vẫn nằm nhà mải mê làm công việc nghiên cứu "sổ mơ".

Vào mùa hè, đâu đó ở các khu trọ sinh viên người ta vẫn thấy có những đôi sinh viên ở lại trọ. Họ là những cặp tình nhân đang say giấc mộng tình ái trong “tổ chim cu” của mình.

Hằng và Quân yêu nhau đã được hơn hai năm. Trong gia đình Hằng (Ninh Bình), bố mẹ thường xuyên lục đục, cãi vã, nhiều khi đánh chửi nhau thậm tệ trước mặt Hằng. Chán ghét cảnh bố mẹ bất hòa, Hằng không muốn về quê nên nói với bố mẹ cho ở lại trường ôn thi. Quân (Lạng Sơn) cũng nói dối gia đình ở lại trường học thêm. Quân đã dọn đến ở chung với Hằng, hàng ngày hai người "tối lửa tắt đèn có nhau".

Trong khi đôi trẻ đang hạnh phúc, mặn nồng bên nhau thì bố mẹ hai người phải nai lưng ngoài đồng kiếm tiền gửi lên cho con em mình... ăn học. Dường như gia đình không còn trở nên quan trọng bằng việc hai người được sống thử bên nhau. Chuyện tương tự không phải là hiếm trong giới sinh viên.

Với Duy (Nghệ An) phải về quê đúng là một cực hình. Trong dịp Tết Nguyên Đán, Duy được nghỉ Tết hai tuần. Nhưng trong hai tuần đấy, chỉ có mấy đầu gặp mặt bạn bè, gia đình là Duy thấy vui vẻ. Sau đó là một chuỗi những ngày mà Duy cảm thấy chán ngán. Bạn bè đứa đi du lịch, kẻ đi chơi với người yêu, mạnh ai người ấy đi nên Duy cũng không có hội nào để tụ tập. Nhà xa trung tâm, đường đi xấu, muốn chơi điện tử cũng ngại đi, mạng internet lại không mạnh như ở thành phố, mấy người bạn thân cũng lên thành phố chơi Tết ở nhà các bác… Ngần ấy lý do khiến Duy cảm thấy chán về quê. Vì thế năm nay, Duy nghỉ hè tại nhà bác ở thành phố chứ không về nhà.

Cũng giống như Duy, nhiều teen khi đi học xa nhà đã thiết lập cho mình một cuộc sống mới, một cách sống mới và khi trở về nhà, họ cảm thấy lạc lõng, xa lạ với chính cuộc sống ở gia đình mình. Vì thế, họ tìm cách trú chân tại phòng trọ hoặc nhà người quen chứ không muốn về quê, như là một cách trốn chạy cho sự khó hòa nhập này. Sau khi học xong, nếu cảm thấy khó quen với nếp sống quê mình, nhiều teen chọn con đường tiếp tục học cao lên hoặc không về quê xin việc.

Có nhiều lý do khiến teen không về quê nghỉ hè. Nhưng theo như chính Hằng (Ninh Bình) thừa nhận thì: “Dù sao thì quê nhà vẫn luôn là chốn đi về bình yên và ấm áp nhất của mọi người”.

Theo Nguyễn Thùy Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.