Những "ca sĩ" tự phong trong quán nhậu

Không mang cái tĩnh lặng đặc trưng của đêm Hà Nội, Sài Gòn lúc nửa đêm có phần trầm lắng hơn, nhưng đâu đó, những nốt cao vẫn vút lên và những nốt trầm cũng thả vào không gian đêm một chút buồn. Đó là ở các quán nhậu đêm.

Miễn là thấy "sướng"

Thức ăn bày ngồn ngộn trên bàn, nhưng hầu như chẳng có ai "đoái hoài" gì đến. Tất cả, đều trầm mình vào giai điệu. Những tiếng đàn ghi ta bập bùng, có khi sai nhịp, nhưng những tay đàn và những giọng hát vốn chả phải chuyên nghiệp vẫn say sưa. Những chiếc bàn ăn được xếp ra vỉa hè, bàn nọ sát bàn kia, tiếng hát, tiếng đàn của bàn nọ lẫn vào bàn kia, người ngoài nhìn thế, nghe thế, thì buồn cười lắm. Nhưng những người "say" nhạc, thì chả thấy có gì là bị "công" nhau.

Ảnh minh họa

Hầu hết quán nhậu nào ở TPHCM cũng có dăm ba cây đàn ghi ta gỗ treo trên cột hoặc dựng ở góc quán. Mọi người cũng cứ thế mà tự nhiên. Nhậu, nhiều khi chỉ là cái cớ, còn những tâm hồn mang nhiều tâm sự, có cơ hội để gặp nhau, sẻ chia, giãi bày.

Người Sài Gòn hình như có cái "tật" ngồi dai. Cái "tật" này hình như lại lây sang cả những người khác đến. Quán nhậu nào, hình như cũng phải "chịu đựng" mấy ông khách nhậu ngồi tới vài tiếng đồng hồ một lượt. Thêm cây đàn, khách hàng càng ngồi lâu hơn. Mấy ông chủ quán vẫn chả thấy đấy làm bực mình. Chứ như ở nơi khác, người ta chỉ mong khác ăn uống cho nhanh rồi ra về để cho lượt khách khác còn có chỗ ngồi. Người ta sẽ bán được nhiều lượt khách khác nhau, thu nhập cũng vì thế mà tăng lên,

Bình Minh, sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM tâm sự: "Hát ở đấy rất thoải mái, tâm trạng rất phiêu lãng, muốn ngồi đến bao giờ thì ngồi. Sợ nhất là phải đi vào một cái quán, mà chủ quán thì bật đài này, khách thì đòi đổi qua bài kia. Đổi qua đổi lại, điên đảo hết cả người. Mình tự hát tự đàn, "tính cá nhân" được tôn trọng tuyệt đối. Có bạn bè cùng "gu" thì càng hay. Mà không có, cũng chẳng sao. Chẳng có ai kêu mình là "khùng" ở những nơi này cả.

Sành điệu hơn thì khách tự "trang bị" cho mình một cây đàn. Đi tới đâu, ngả đàn ra tới đó. Anh Nguyễn Minh Quân, Công ty Đầu tư Đất Việt "thửa" hẳn một cây đàn, sơn trắng phau. Đỗ xe ô tô xuống, vào quán nhậu là ôm theo cây đàn, rồi khật khưỡng hát từ tối cho đến sáng cũng được.

Cũng có khi, "ca sĩ" quên mất lời, cứ là la la theo giai điệu. Kệ, có sao đâu. Miễn thấy "sướng"

Cho thuê đàn, sống khỏe

Có lẽ không phải người Sài Gòn, nên chủ quán Cấm Chỉ trên phố Hải Triều, không có sẵn đàn để phục vụ thượng khách. Nhưng không sao, có vợ chồng ông già mù, đứng ôm đàn dưới hiên. Vợ dắt tay, ông già mù vừa đi đến các bàn nhậu vừa hát, từ ca khúc này sang ca khúc khác. Có khi lại "đổ" một đoạn cải lương, vọng cổ. Anh chàng Hoàng Hà bên Tập đoàn Dầu khí "chơi khó" bằng cách đề nghị ông hát cho nghe một khúc ca trù. "Hồng hồng, tuyết tuyết...", ông già ê ê cái giọng, nghe tức tưởi không chịu được. Bàn nào bàn nấy vỗ tay rào rào. Nhưng vợ chồng ông già mù lại không sống chính bằng nghề hát kiếm tiền, mà lại bằng nghề cho thuê đàn.

Quán không có đàn, nên người ta "mượn" vợ chồng ông cây đàn ông đang cầm trên tay. Ông giao hẹn: "30 phút thôi đấy nhé". Khách xua xua tay: "Tôi hát thì ông càng đỡ mệt?". Vợ ông già mù bũi môi "Đỡ nhọc cái mồm nhưng nhọc cái tai", ý chê khách hát không hay bằng chồng mình.

Khách lại cười, lắc lắc cái đầu ra chiều không thèm cháp, làm một gạt từ dây mì đến dây mí. Vợ ông già mù dắt nhau đi bán vé số trong khi cái đàn đã được cho thuê.

Nhưng cũng không kém phần tinh quái, chưa đầy 30 phút sau, "đôi" này đã lò mò dắt díu nhau quay lại. Lúc này, khách hàng đang vào độ "phê", làm gì có chuyện chụi trả lại cây đàn, 50 nghìn đồng. Xong, vợ chồng lại dắt díu đi. Chưa đầy 30 phút, lại quay lại. Lại 50 nghìn đồng. Xong. Lại đi... Cứ thế. Mỗi tối, vớ được một đám khách này "

", ông già mù toe toét "khoe".

Mở quán chỉ vì mê hát kiểu nhậu

"Cho tôi xin, em như gối mộng, cho tôi, ôm em vào lòng, cho đêm mặn mà nồng, yêu thương vợ chồng...", Tuấn Anh, một nhân viên bán hàng cao cấp của một công ty nước ngoài "thì thầm" rót lời. Bạn bè cùng "mâm" lặng đi trong tình khúc Ngô Thụy Miên, bản "Niệm khúc cuối".

Lúc này, mưa bắt đầu rơi. Nhân viên nhà hàng nhốn nháo, hối hả kéo bạt che mái hiên cho mấy "gã" khách nhậu khỏi ướt. Mặc, "mưa cứ rơi, và nắng có phai, trên cuộc tình, yêu em ngày nào...", Tuấn Anh "đồng bọn" (cách gọi đùa của nhóm - PV) vẫn say sưa hát. Mỗi người một nét ưu tư, mỗi người một tâm trạng, mỗi người một tư thế. Người thì chống tay vào cằm, lắc lư theo điệu nhạc. Người thì vắt một tay lên ghế bên cạnh, thả lưng dựa vào thành ghế phía sau, người lại lấy đũa gõ vào bát đệm theo tiếng đàn...

Mấy cô gái xinh đẹp đi vào quán, kiêu kỳ ngồi xuống, rũ rũ mấy mái tóc vừa đẹp vừa thơm đang vương mấy hạt mưa. Mấy anh chàng ngồi bên vẫn say sưa hát, chả để ý sự mỹ miều khiến mấy cô chạnh lòng, nổi máu hơn thua. Vậy là cũng "làm" một cây đàn, mấy cô bắt đầu "cho bàn bên biết tay".

Trong khi mấy chàng "lâm li" với toàn tình khúc Ngô Thụy Miên, Lam Phương, thì mấy mỹ miều toàn chơi nhạc đỏ. Bên này "cúc cu, cúc cu, chim rừng ca trong nắng..." thì bên kia lai "Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa". Mặc, mấy anh chàng đẹp trai vẫn chả thèm để ý gì đến "cúc cu". Đồ ăn được mang ra, nhưng mỹ miều chả ai động đũa, họ mải "tranh tài" với mấy anh đẹp trai.

Nhưng đến khi "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về" thì mấy mỹ miều giật mình khi cả mấy đẹp trai đều cầm ghế sang "ăn vạ" bên bàn mình. Tự nhiên như.. dân nhậu, mấy đẹp trai đồng ca luôn "Năm cửa ô đón chào, đoàn quân tiến về..." Bản hợp đẹp đến nao lòng. Bài hát kết thúc trong giai điệu hùng tráng, cả quán vỗ tay rào rào. Bia được bật ra tanh tách, cụng ly leng xeng: "Hà Nội hả". Gật đầu. Thì ra toàn "quân mình" trên đất Sài Gòn.

Hiện tại, Tuấn Anh đã mở hẳn một quán nhậu mang tên Dê vàng Ấn Độ. Tối tối, Tuấn Anh lại say sưa "ngắm" khách nhậu của mình ôm đàn. Cao hứng, ông chủ lại "đời ta có khi là lá cỏ. Ngồi hát ca rất tự do. Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà...".

Anh bảo: Cái hay của phong trào ca sĩ tự phong trong quán nhậu chính là sự kết nối tâm giao. Người lạ bỗng hóa quen. Người sơ bỗng hóa thành thân. Không có chuyện chửi bậy chửi bạ, hay bốc phét, đánh nhau trong quán nhậu. Vì ai cũng bận hoặc là bận hát hoặc là bận nghe hát. Trong không gian văn nghệ dù là bình dân này, không có cả cơ hội cho những người say xỉn. Rồi Tuấn Anh quat lại phía mấy anh em, cất giọng: "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay..." Cả quán hòa theo "...nắm tay nối liền, biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tử sinh". Tiếng cười tiếng hát cứ thế lao xao, lao xao.

Theo Việt Nga



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.