Chuyện tiền thưởng của các ông bầu

Bóng đá Việt Nam, xưa nay vốn dĩ chỉ thích “tiền tươi thóc thật”. Đội đá thắng hay vô địch hoặc muốn chống rớt hạng thì tiền thưởng phải được “bơm” vào càng nhiều, càng sớm thì cầu thủ mới thực sự “máu lửa”.

Bóng đá Việt Nam, xưa nay vốn dĩ chỉ thích “tiền tươi thóc thật”. Đội đá thắng hay vô địch hoặc muốn chống rớt hạng thì tiền thưởng phải được “bơm” vào càng nhiều, càng sớm thì cầu thủ mới thực sự “máu lửa”.

Khi mùa giải 2012 chỉ còn ba vòng đấu nữa là kết thúc, “cơn mưa tiền thưởng” của các ông bầu đội bóng lại tiếp tục trút xuống V-League. Con số tiền thưởng khá lớn từng gây sốc với nhiều người nhưng lại chẳng hề làm bất ngờ người trong cuộc. Trước khi bước vào mùa 2012, bầu Kiên đã đăng đàn và thông qua VPF cấm các đội thưởng lớn sau mỗi chiến thắng.


Con số 500 triệu đồng được đưa ra làm “giá chung” và các đội không được phép thưởng lớn hơn. Đó là quy định! Tuy nhiên, đúng là cái gọi “người đặt ra quy định, rồi cũng có người phá quy định” đã và đang xảy ra tràn lan tại V-League. Lâu nay bầu Hiển vẫn được xem là một trong những ông chủ chịu chơi nhất trong làng bóng đá nội.

Bằng chứng là cách ông Hiển chiêu hiền, đãi sĩ rồi có những chế độ ưu đãi với đội bóng của mình. Cụ thể, các trận thắng của Hà Nội T&T kể từ đầu mùa đến nay luôn được ông thưởng cao với con số trung bình là một tỷ đồng. Hay như một “đứa con” khác của bầu Hiển là SHB.Đà Nẵng cũng chẳng kém cạnh gì khi mức tiền thưởng cho mỗi trận thắng cũng tròn trèm một tỷ đồng.  Cá biệt, như trận thắng trước Sài Gòn XT vừa qua, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức bỏ túi tổng cộng 2,7 tỷ đồng; hay trận thắng trước CLB Hà Nội của bầu Kiên, toàn đội cũng đã được thưởng lớn tiền tỷ.

Rồi V.Hải Phòng, cho đến trước khi giai đoạn lượt về khởi tranh, đội bóng đất Cảng được lãnh đội “bơm” gói tiền thưởng lên đến 10 tỷ đồng. Sở dĩ lãnh đội V.Hải Phòng treo thưởng cao là bởi muốn kích thích tinh thần quân sĩ vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát khỏi nhóm xuống hạng. Tuy nhiên, cho đến lúc này 10 tỷ đồng cho thầy trò HLV Lê Thụy Hải chỉ còn là giấc mơ.

Nếu như các đội bóng phá khung thưởng kể trên không thuộc “phe” của bầu Kiên thì ngay cả những người được xem là “cùng hội, cùng thuyền” với ông chủ tóc bạc như bầu Trường lại có xu hướng “quay lưng với đồng đội”. Điều này được thể hiện rất rõ trong các lượt trận vừa qua, bầu Trường đã chi mạnh cho V.Ninh Bình về khoản tiền thưởng cho các trận thắng của đội. Nhìn các đội thưởng cao, có người buột miệng rằng: “Đầu và giữa mùa cứ đá kém, rồi đến cuối mùa bắt ông chủ bung két, thưởng cao, kiểu gì cũng lời to”.

Lời nhận xét trên hơi quá nhưng lại đúng với thực tế những gì đang diễn ra ở bóng đá Việt Nam. Vừa đá bóng và nghe ngóng, bắt ông chủ phải bung két thưởng to rồi từ đó mới thi đấu khởi sắc, rõ ràng là điều quá buồn với các đội. Còn nhớ trận play-off mùa giải 2007, các cầu thủ HP.Hà Nội (cũ) định không ra sân thi đấu khi chưa thấy ông chủ đả động gì đến chuyện thưởng nóng. Mọi chuyện chỉ được giải quyết khi bầu Tuấn, bầu Long phải cho nhân viên mang cả “bì tiền” vào Đà Nẵng để trấn an tinh thần, “động viên” cầu thủ của mình ra sân thi đấu.

Phá két ông chủ, phong trào đó đã và đang ngập tràn tại V-League và nhất là ở thời điểm cuối mùa như hiện nay. Chuyện tiền thưởng càng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, không loại trừ sẽ còn tiếp diễn cho đến cuối mùa giải và “thông lệnh” của bầu Kiên nói riêng, VPF nói chung, giờ chỉ còn là câu chuyện của quá khứ hay còn gọi là “huề cả làng”, làm gì nhau?

Theo Công An TP.HCM
 


Bình luận