Kinh doanh bóng đá lao đao theo các ông bầu

Hầu hết các ông bầu đang chật vật với bài toán kinh tế khiến nhiều đội bóng không bị xuống hạng, nhưng vì túng thiếu, cũng phải tính chuyện "bỏ cuộc chơi".

12 mùa "chuyên nghiệp" đã qua, có lẽ chưa bao giờ bóng đá Việt Nam trải qua cơn khốn khó về tiền bạc như lúc này. Sự kiện ông Nguyễn Vĩnh Thọ công khai ý định trả lại đội bóng Navibank Sài Gòn cho địa phương vì lý do tài chính ngay trước thềm Lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), là biểu hiện rõ ràng nhất cho khó khăn của những người làm bóng đá.

Bầu Thọ của Navibank tuyên bố
Bầu Thọ của Navibank tuyên bố "nghỉ chơi" là sự kiện chấn động làng bóng đá. Ảnh: An Nhơn

Phần lớn doanh nghiệp riêng của các ông bầu đều đang gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm thậm chí thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay. Báo cáo bán niên hợp nhất soát xét năm 2012 cho thấy, Navibank giảm lãi 5%, hạ từ 96 tỷ đồng xuống còn 91,5 tỷ đồng. Công ty Viễn thông Sài Gòn, một doanh nghiệp khác mà bầu Thọ tham gia, cũng lỗ ròng 28,5 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, lớn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Cùng kỳ năm ngoái, Viễn thông Sài Gòn còn lỗ 46,3 tỷ đồng.

Cùng chung khó khăn trên, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức giảm lãi trong 6 tháng đầu năm 2012 tới 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước (từ 681 tỷ đồng xuống 154 tỷ đồng).

Ông trùm một thời Nguyễn Đức Kiên chưa kịp thực hiện trọn vẹn ước mơ làm sạch bóng đá, đã vướng vào vòng lao lý vì những vi phạm trong kinh doanh.

"Kinh tế - doanh nghiệp túng quẫn, không lạ gì khi khủng hoảng đang tác động đến bóng đá. Không riêng gì Navibank, nếu không có các giải pháp thì có khả năng sẽ còn các câu lạc bộ khác nữa", ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF), đồng thời là Chủ tịch Eximbank - nhà tài trợ chính cho giải đấu phát biểu tại lễ tổng kết.

Bên cạnh những ảnh hưởng của kinh tế trong nước và thế giới, khó khăn đối với các câu lạc bộ nảy sinh sau một giai đoạn được coi là phát triển "nóng" của bóng đá Việt Nam (2008 - 2012) khi các bản hợp đồng, các khoản phí lót tay leo thang chóng mặt. Đỉnh điểm của trào lưu này có lẽ là bản hợp đồng kỷ lục (ước khoảng 15 tỷ đồng) mà Bầu Kiên đã chi để đưa tiền đạo Công Vinh về Hà Nội ACB hồi giữa năm 2011. Mới đây, trong bối cảnh đội bóng khó khăn, cầu thủ nhập tịch Huỳnh Kesley vẫn lên tiếng đòi Sài Gòn Xuân Thành khoản lót tay và lương thưởng 10 tỷ đồng để giữ chân…

Theo những người "trong nghề", chính những khoản chi chuyển nhượng, lót tay khổng lồ trong giai đoạn trước đã khiến chi phí của hầu hết các đội bóng tăng cao. Theo tiết lộ của Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức, trong giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trung bình mỗi mùa, chi phí cho một đội bóng được coi là "có đầu tư" chỉ khoảng 30 - 40 tỷ đồng thì đến năm ngoái, nhiều đội đã phải chi đến 70 - 80 tỷ.

"Có đơn vị mạnh chi tới 200 tỷ đồng một năm, đổi lại là sự uể oải trong thi đấu, cổ động viên ngày một ít tới sân", Bầu Đức từng chia sẻ.

Trong bức "tâm thư" gửi Liên đoàn bóng đá TP HCM trình bày về ý định giao lại đội bóng, bầu Thọ cho biết số tiền đầu tư cho Navibank Sài Gòn kể từ năm 2009 đến nay ước khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi mùa tại V-League, đội bóng này tiêu tốn khoảng 100 tỷ. Con số tương đương cũng được bầu Thụy của Sài Gòn Xuân Thành xác nhận khi nói về mức đầu tư cho đội bóng trong mùa 2011 - 2012.

Trong khi đó, với đội bóng được coi là ít đầu tư hơn như Sông Lam Nghệ An, số tiền mà họ nhận được từ nhà tài trợ - Ngân hàng Bắc Á theo hợp đồng cũng đã lên tới 70 tỷ đồng cho một mùa bóng.

Chủ tịch VPF - Võ Quốc Thắng cho rằng các ông bầu cần biết liệu cơm gắp mắm. Ảnh: An Nhơn
Chủ tịch VPF - Võ Quốc Thắng cho rằng các ông bầu cần biết liệu cơm gắp mắm. Ảnh: An Nhơn

Trả lời cho câu hỏi làm bóng đá cần bao nhiêu, làm sao để bóng đá có thể nuôi được bóng đá khi kinh tế đi xuống, nguyên Chủ tịch CLB Gạch Đồng Tâm Long An, đồng thời là Chủ tịch VPF hiện nay - ông Võ Quốc Thắng cho biết hiện một đội bóng cần 30 - 35 tỷ đồng là có thể hoạt động. Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một số đội bóng có thành tích tại V-League mùa giải vừa qua cũng khẳng định, nếu có cách làm bài bản, không cần đến "trăm tỷ", một đội bóng cũng có thể vô địch giải đấu này.

"Thời ông bầu bỏ nhiều tỷ đồng mua cầu thủ đã qua. Giờ nếu đi vay để làm bóng đá thì chẳng ai cho vay nên đề nghị các ông chủ câu lạc bộ tính toán chi tiêu cho hợp lý", Phó chủ tịch VPF - Lê Hùng Dũng góp ý.

Chia sẻ trên quan điểm của một người từng 10 năm làm chủ tịch câu lạc bộ, ông Võ Quốc Thắng cho rằng ở góc độ quản lý đội bóng, các ông bầu nên công khai chính sách chi tiêu ngay từ đầu mùa, mức thưởng phạt cụ thể cho từng trận đấu… "Như vậy sẽ tránh được tình trạng mặc cả, làm mất tính chuyên nghiệp của cầu thủ cũng như đội bóng". Cùng theo ông Thắng, cũng nên giới hạn mức đầu tư cho một cầu thủ, như ở đội bóng của ông là khoảng 1 tỷ đồng.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch VFF - Nguyễn Trọng Hỷ nêu ý kiến về việc các ông chủ nên đầu tư như thế nào là hợp lý, cần đề ra tiêu chí về việc trả lương, thưởng, chi tiêu... "Tiêu chí sẽ như "cây gậy" giúp các câu lạc bộ dựa vào, đương nhiên việc này là không dễ làm nhưng cũng cần lộ trình. Bên cạnh đó cũng cần đặt vấn đề khi ông bầu bỏ đội thì câu lạc bộ, công ty đó có phải phá sản hay không", ông Hỷ nói.

Tuy vậy, các quan chức của VPF và VFF cũng chia sẻ ý tưởng cần hỗ trợ các đội bóng, trong cả giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như dài hạn. "Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo mời Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, các ông bầu, địa phương... để cùng tìm ra giải pháp", ông Hỷ nói. Trong khi đó, theo Chủ tịch VPF - Võ Quốc Thắng, công ty này sẽ hỗ trợ các đội với khoản tiền 30 tỷ đồng cho V-League (mỗi đội tùy thứ hạng nhận từ 1 đến 5 tỷ đồng), 15 tỷ đồng cho giải hạng Nhất trong mùa giải tới. "Tuy nhiên, các câu lạc bộ cũng phải tự nhiên lấy được số tiền này, sẽ có quy định cụ thể, chặt chẽ. Có hỗ trợ thì cũng sẽ có xử phạt", ông Thắng khẳng định.

Chia sẻ thêm về việc các doanh nghiệp, ông bầu khi đầu tư cho bóng đá, ông Võ Quốc Thắng cho rằng mục tiêu không phải là lợi nhuận vì thực tế làm bóng đá ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, không thể có lãi. Doanh nghiệp cũng có thể có mục tiêu quảng bá thương hiệu nhưng chỉ là thứ yếu.

"Đa phần những người tôi quen biết đều có tâm huyết, làm bóng đá với hy vọng quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Nếu chỉ để làm thương hiệu kinh doanh thì Gạch Đồng Tâm hay Hoàng Anh Gia Lai chắc không cần phải làm bóng đá nữa rồi", ông Thắng nhận định. Do vậy, đối với các doanh nhân làm bóng đá, Chủ tịch VPF cho rằng cần phải có đam mê và phải biết "liệu cơm gắp mắm". "Anh khỏe thì đá V-League, yếu hơn thì có thể đá hạng nhất, hạng nhì. Chẳng ai bắt anh phải chi trăm tỷ cho đội bóng, chục tỷ cho một cầu thủ cả", ông Thắng nói.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.