Cà phê nhuộm 'pin', trộn hóa chất: Uống trong sợ hãi

Cà phê từ đậu nành rang cháy, cà phê làm từ tinh chất cà phê, giờ lại cà phê được nhuộm đen bằng lõi pin và trộn thêm bột đá,...

Cà phê từ đậu nành rang cháy, cà phê làm từ tinh chất cà phê, giờ lại cà phê được nhuộm đen bằng lõi pin và trộn thêm bột đá,... Ly cà phê đen vừa dân dã vừa sang chảnh nay được pha trộn đủ chất độc hại khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi: họ đang thưởng thức một ly cà phê đầy chất độc mà không biết.

Gian dối, tàn nhẫn vì lợi nhuận

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo đó, từ nhiều năm nay, cà phê đã trở thành món đồ uống quen thuộc. Thức uống này không chỉ có ở các nhà hàng, khách sạn mà còn xuất hiện tại khắp hàng quán, nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Các chuyên gia trong ngành khẳng định, 1kg cà phê xay nguyên chất có thể pha từ 30-35 ly cà phê. Với giá bán hiện nay, việc pha cà phê nguyên chất vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho người bán. Thế nhưng, giới kinh doanh lại đang làm méo mó thức đồ uống này với đủ kiểu buôn gian bán lận khi pha trộn các phụ gia, hóa chất để tạo mùi, tạo màu, tạo vị cho ly cà phê.

Những tín đồ của thức đồ uống này chẳng lạ gì khi nghe chuyện “cà phê làm từ đậu nành rang cháy trộn hương liệu”. Mấy năm gần đây, tình trạng sản xuất cà phê từ đậu nàng rang cháy với số lượng lớn được phát hiện tại nhiều cơ sở, ở khắp các tỉnh thành. Sau khi rang cháy đen, đậu nành được trộn với ít hương liệu và cà phê thật rồi xay nhỏ để bán. Tức, cầm ly cà phê lên uống nhưng thực chất là đang thưởng thức “ly đậu nành rang cháy trộn hương liệu”.

Cà phê nhuộm pin, trộn hóa chất: Uống trong sợ hãi-1
Một cơ sở sản xuất ở Đắk Nông dùng lõi pin nhuộm đen cà phê gây rúng động

Cách làm này phổ biến tới mức vào tháng 8/2016, tại một hội nghị về cà phê, lãnh đạo một công ty cà phê nổi tiếng ở Việt Nam phải thú nhận rằng, vì sức ép từ thị trường mà có một thời gian đơn vị này cũng trộn đậu nành vào cà phê.

Trước đó, giữa năm 2016, khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh thành của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho thấy, 30% cà phê trên thị trường có quá ít caffeine. 

Điều đáng buồn là cà phê làm từ đậu nành rang cháy không phải là chiêu trò duy nhất của dân buôn. Cuối năm 2015, báo chí phản ánh, có một loại gọi là “tinh chất cà phê” hay “cà phê siêu đậm đặc” được bày bán tràn lan trên thị trường và là mặt hàng được các chủ quản cà phê chuộng mua.

Nguyên nhân là bởi, chỉ cần 2 lít hóa chất này pha ra, chủ quán cà phê sẽ có ngay 320 ly cà phê đen thơm phức mà không cần tốn 1 hạt cà phê. Đây là cách bán hàng siêu lợi nhuận khi mỗi ly cà phê được pha từ “tinh chất cà phê” chỉ tốn khoảng 1.000 đồng.

Cà phê nhuộm pin, trộn hóa chất: Uống trong sợ hãi-2
Đầu năm ngoái cơ quan chức năng Bình Thuận đã bắt quả tăng một cơ sở sản xuất chế biến cà phê vằng đậu nành rang cháy và hóa chất không rõ nguồn gốc

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã  bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi trộn phế phẩm cà phê, bột đá xay, hóa chất hòa với bột than từ lõi pin để sản xuất ra một loại hỗn hợp sản phẩm để bán ra thị trường. Tại kho cũng phát hiện hàng chục tấn cà phê bên trong có lẫn đất, đá, trong đó có khoảng 15 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin.

Kinh hãi hơn, chủ hàng khai nhận đã mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn, sau đó mua các cục pin về đập lấy lõi hòa với nước để nhuộm cà phê. Sau khi nhuộm, cà phê được sấy khô, đóng bao bán ra thị trường.

Thưởng thức cà phê như uống thêm chất độc

Thông tin cà phê trộn với đất đá rồi được nhuộm đen bằng lõi pin gây rúng động, khiến nhiều người lo lắng: liệu ly cà phê họ uống hàng ngày ở vỉa hè hay quán xá có là cà phê nhuộm pin, cà phê pha từ hương liệu hay làm từ đậu nành rang cháy? Và khi họ ngồi nhâm nhi thưởng thức ly cà phê khác gì việc họ uống thêm chất độc vào người.

Chia sẻ về cà phê nhuộm pin, PGS.TS Trần Hồng Côn (ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Nếu trộn lõi pin với bột cà phê, khi đem pha, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc. Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.

Cà phê nhuộm pin, trộn hóa chất: Uống trong sợ hãi-3
Cà phê - thứ đồ uống quen thuộc ở Việt Nam nay khiến nhiều người lo lắng bất an về độ an toàn của chúng

Theo ông Côn, mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, lõi pin không phải phụ gia được phép dùng trong thực phẩm. Chính vì vậy, dùng lõi pin trộn vào cà phê để đem bán là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Và theo ông, khi đã không phải là phụ gia được phép dùng trong thực phẩm thì không nên dùng, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Tương tự, với các loại cà phê trộn đậu nành rang cháy hay hương liệu vào cà phê là hành vi gian lận trong trường hợp chủ hàng không ghi rõ trên bao bì.

Theo ông, có những loại phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, nhưng phải dùng với liều lượng đúng quy định. Còn trong trường hợp người kinh doanh buôn bán dùng hóa chất trộn vào cà phê thì phải làm rõ chúng là hóa chất gì từ đó mới biết được độ độc hái như thế nào.

Theo VietNamNet


cà phê nhuộm than pin


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.