Các cửa hàng rau an toàn tại Hà Nội bỗng dưng... mất hút

Sau một thời gian phát triển khá rầm rộ, nhiều cửa hàng rau an toàn (RAT) tại các quận nội thành Hà Nội (HN) bỗng dưng... mất hút. Theo tính toán, hiện ở HN cứ vài ba chục km mới có... 1 cửa hàng RAT. Vậy nguyên nhân chính của tình trạng này là gì?

Hơn thế, điều này cho thấy, một mô hình kinh doanh "ích nước, lợi nhà" nếu không có những hỗ trợ và chiến lược cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước sẽ ngày một thui chột.

Lặng lẽ rút

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại HN hiện số lượng cửa hàng RAT đăng ký cấp giấy chứng nhận giảm dần. Hơn thế, sau một thời gian dài phát triển khá rầm rộ là sự rút lui lặng lẽ của nhiều cửa hàng tại khu vực nội thành... Hệ thống các cửa hàng này đều do xã viên các HTX tự đầu tư nên đều có đặc điểm chung là đơn giản và gọn nhẹ.

Bên cạnh đó là hệ thống cửa hàng RAT do các DN đầu tư. Một thời gian dài, các cơ sở kinh doanh RAT đua nhau đăng ký để được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện, cấp mã vạch để người dân có thể truy xuất nguồn gốc rau... Thậm chí, có thương hiệu còn bỏ tiền triệu, sẵn sàng mua bảo hiểm cho khách ăn rau.

Thế nhưng nghịch lý vẫn tồn tại: rau càng chất lượng thì càng dễ... "chết yểu". Những DN đầu tiên gắn mã vạch cho rau lại đang lâm vào cảnh thua lỗ và thu hẹp dần quy mô. Cty CP Công nghệ Nông lâm nghiệp VN là một ví dụ. Thương hiệu "rau an toàn Bảo Hà" được đăng ký gắn mã vạch từ tháng 12/2004. Nguồn nguyên liệu của rau Bảo Hà là từ HTX Đạo Đức(xã Vân Nội) và HTX Đìa (xã Nam Hồng) huyện Đông Anh với diện tích trên 14 ha.

Đầu tư để có sự đảm bảo chất lượng đã đẩy giá thành rau cao hơn bình thường và... rơi vào tình trạng ế dài. Vì thế, từ chỗ có hơn 20 cửa hàng tiêu thụ đến nay đã giảm dần. Lượng rau Bảo Hà tiêu thụ trên thị trường chỉ khoảng 4-5 tạ/ngày, quá bé nhỏ so với tổng lượng rau tiêu thụ của HN (khoảng 1.200 tấn/ngày). Tương tự, một số DN khác đầu tư cho rau hữu cơ sau 1-2 năm tham gia lĩnh vực này đành phải "bỏ cuộc" vì thua lỗ.

Lựa chọn hình thức tiêu thụ an toàn

Kinh doanh RAT là lĩnh vực đầy rủi ro bởi sự tác động của nhiều yếu tố như sản phẩm mang tính đặc thù chỉ bán được trong ngày, giá trị thấp, lãi ít, chi phí vận chuyển, thuê cửa hàng lại cao. Vì vậy, tâm lý của những người trồng rau đều mong muốn "bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng".

Cả hai đều có lợi nhưng, với giá thuê mặt bằng tới vài triệu đồng/tháng như hiện nay không xã viên nào dám mạo hiểm đầu tư ở các phố nội thành. Khó khăn này khiến nhiều xã viên HTX Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh) phải mang rau "đổ" theo hợp đồng cho các nhà bếp và siêu thị.

Bán rau theo hợp đồng cũng đang là sự lựa chọn an toàn của nhiều HTX nông nghiệp và kinh doanh RAT trên địa bàn HN. Từ nhiều năm nay, người tiêu dùng HN ít được sử dụng RAT Lĩnh Nam - một trong số ít những HTX đầu tiên được chọn thí điểm trồng, chuyển giao và giám sát chặt chẽ về chất lượng RAT tại HN.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn thành phố mới có 27 cơ sở sơ chế và chế biến RAT nhưng đều ở dạng công suất nhỏ: 79 cơ sở đã được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT và trên 100 cửa hàng bán RAT. Hà Nội có 8 chợ đầu mối chuyên môn bán rau, duy nhất có chợ Vân Nội (Đông Anh) là chợ đầu mối bán RAT ở Hà Nội còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng.

Cứ theo tính toán hiện nay, 33 km2 mới có... 1 cửa hàng thì chẳng khác gì là đánh đố và "chơi khó" các bà nội trợ khi muốn mua một mớ RAT. Nhưng điều này cũng thấy, nên chăng, các cơ quan chức năng cần có một cơ chế hỗ trợ làm sao để người nội trợ thông thường cũng mua được rau sạch.

Theo Hạnh Lê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.