Chuyện con gà và quả trứng

Câu hỏi quen thuộc: "Con gà có trước hay quả trứng có trước?" Tưởng dễ trả lời nhưng vẫn là một vấn đề mà các nhà quản lý phải vất vả xoay xở.

Thông thường, từ yêu cầu công việc sẽ hình thành nên sự mô tả công việc và nhu cầu tuyển dụng cho một vị trí. Từ đó, nhà tuyển dụng mới có căn cứ để tìm kiếm và tuyển chọn người thích hợp. Bên cạnh đó, yêu cầu công việc được hình thành dựa trên nhiệm vụ kinh doanh. Dù sao đi nữa, tài chính vẫn là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Do đó, các hoạt động của doanh nghiệp đều phải phục vụ cho việc kinh doanh có lãi. Sản xuất cái gì, như thế nào cũng nhằm vào việc có đem lại doanh thu và lợi nhuận tương xứng cho doanh nghiệp hay không. Vì thế, nhân sự sản xuất cũng phụ thuộc vào điều này.

Thế nhưng, đối với những sản phẩm, dịch vụ mới đang còn nằm trong kế hoạch thì mối liên hệ giữa con người và công việc không còn mới mẻ, chưa đi vào ổn định như đối với một guồng máy đã hoạt động.

Cho dù các thông số về yêu cầu nhân lực có thể được xác định, nhưng việc xác định cụ thể nhân sự nào cho công việc thì vẫn có thể còn được bỏ ngỏ. Ý tưởng về việc hình thành một sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời trên cơ sở ước đoán nhu cầu thị trường và nội lực của doanh nghiệp cùng với khả năng kết nối được với khách hàng để đem lại doanh thu, lợi nhuận. Cho dù kết quả ước đoán đó có căn cứ khoa học đến mấy thì từ kế hoạch cho đến thực tế vẫn cách nhau một quãng đường khá dài và rất có thể sẽ chịu ảnh hưởng thêm bởi nhiều yếu tố ngoài dự kiến.

Mọi chuyện sẽ dễ xác định hơn nếu doanh nghiệp đã có sẵn nguồn lực để sản xuất thử những sản phẩm mới được thiết kế. Ngược lại, sẽ khó khăn hơn nếu phải đầu tư thêm bộ máy sản xuất, tất nhiên bao gồm cả nhân sự mà chưa hoàn toàn biết chắc sẽ có lợi nhuận không hay là thời gian hoàn vốn bao lâu.

Các nhà quản trị đều biết rằng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, đồng nghĩa với tiêu tốn nhiều chi phí để tuyển dụng một nhân viên phù hợp. Chi phí này sẽ trở thành uổng phí nếu nhân viên không làm việc lâu dài tại doanh nghiệp hoặc không đem lại hiệu quả mong muốn. Thế nhưng, nhân sự tuyển về không phát huy được hiệu quả có thể là hệ quả của chính nhân sự trong doanh nghiệp hoặc nguyên nhân bên ngoài như tình hình kinh tế chung của ngành, của đất nước.

Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ, chọn phương án ít rủi ro nhất là "tiền trao" rồi mới... "nấu cháo" - bắt tay vào sản xuất khi chắc chắn sản phẩm sẽ bán được, thậm chí "đã" bán được qua các văn bản thỏa thuận với đối tác, thậm chí đã có thêm nguồn kinh phí nhờ việc ứng trước, "đặt cọc" của khách hàng.

Việc đặt những "viên gạch đầu tiên" và cho ra các kết quả của quy trình sản xuất mới là các sản phẩm mẫu rất quan trọng trong việc tự khẳng định với đối tác. Theo quy tắc thông thường, đầu tư càng lớn thì nền móng và sản phẩm càng tốt và ngược lại. Nhưng việc thử nghiệm này lại không phải là cuộc chơi dành cho mọi doanh nghiệp với nhiều tầm vóc khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư ban đầu, việc lượng mức để phân thành các giai đoạn triển khai càng chính xác thì càng có nhiều cơ hội thành công.

Bằng không, dễ có nguy cơ đã nhận được "tiền bán cháo" nhưng lại không mua được nguyên liệu để "nấu cháo", hoặc không đủ thời gian để "cháo nhừ". Khi đó, thương hiệu doanh nghiệp sẽ giảm sút, không thuận lợi cho việc kinh doanh về lâu dài.

Gà sẽ không hiện hữu nếu không có trứng để nở ra gà. Ngược lại, không có trứng nếu gà không đẻ trứng. Với câu hỏi cũ rích là con gà có trước hay quả trứng có trước, chúng ta không thể băn khoăn để tìm chọn một trong hai đáp án, hoặc con gà có trước, hoặc quả trứng có trước. Nguyên do là vì cả hai thứ ấy đều tiến hóa dần để cho ra còn gà và quả trứng đúng nghĩa nhất.

Theo Mai Quế



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.