Chuyện của "làng nước mắm Việt"

Nước mắm Phú Quốc là thương hiệu nước mắm nổi tiếng nhất và cũng là thương hiệu bị làm giả, làm nhái nhiều nhất hiện nay trên thị trường. Và không chỉ những thương hiệu nước mắm nổi tiếng như Phú Quốc, Cát Hải... bị làm nhái mà đó là tình trạng chung của cả "làng nước mắm Việt"!

Từ chuyện 1 "đại gia"...

Nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu lớn có lịch sử phát triển gần 200 năm nay ở Việt Nam. Mùi thơm đặc trưng, vị mặn, ngọt có vị béo của đạm và màu cánh gián đậm, trong đã tạo ra ưu thế tuyệt đối của nước mắm Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc làm ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Do vậy, thị trường trong và ngoài nước hiện nhan nhản thương hiệu này. Tại Thái Lan, Hồng Kông cũng có "nước mắm Phú Quốc". Trên thị trường châu Âu, thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng bị tranh chấp, làm nhái...

Trên thị trường nội địa, tình trạng này còn tệ hơn. Theo một công bố gần đây của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc thì "ước tính hàng năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 180 - 200 triệu lít nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các nhà thùng chính hiệu ở Phú Quốc chỉ đạt khoảng 10 - 12 triệu lít/năm - tức là chỉ có 5 - 10% nước mắm Phú Quốc là "xịn". Thông tin này thực sự gây choáng cho người tiêu dùng, bởi nếu theo tỷ lệ này thì chắc chắn nước mắm là mặt hàng vô địch trong lĩnh vực bị làm giả, làm nhái hiện nay.

Hiện nay, chất lượng nước mắm trên thị trường chủ yếu vẫn là do nhà sản xuất tự kiểm tra, tự công bố theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi". (Ảnh minh họa)

Đến chuyện "cả làng"...

Trên thị trường nhan nhản các loại nước mắm có độ đạm rất cao (thậm chí "siêu đạm"), được dán nhãn là sản xuất từ những nguyên liệu khác nhau như tôm, cua, cá, mực... Nhưng thực ra những "tuyệt phẩm" ấy được sản xuất bằng nguyên liệu ghi trên nhãn mác hay không thì... có trời mới biết!

Mới đây, lực lượng QLTT Nghệ An đã phát hiện một số cơ sở sản xuất nước mắm bằng "công nghệ" kinh khủng. Các chủ cơ sở nhập nước mắm cốt từ nhiều nguồn khác nhau, rồi pha thêm nước muối, phẩm tạo màu, tạo mùi, đường hóa học... mặn, ngọt tùy loại.

Thậm chí, có cơ sở mua 1 lít nước mắm cốt đem chế thành 10 lít nước mắm rồi pha thêm chất chống thối, urê nhằm tăng độ đạm. Sau đó sẽ đóng chai, dán nhãn mác thật đẹp khiến người tiêu dùng tưởng rằng đây là những chai nước mắm hảo hạng! Đặc biệt là loại nước mắm bán theo can, lít giao cho nhà hàng và các quán cơm bình dân, có thể để được hàng năm trời mà không hề bị thay đổi về màu sắc hay mùi vị!

Theo kết quả kiểm nghiệm được công bố tại Hội thảo về chất lượng nước mắm (do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Hà Nội tổ chức hồi trung tuần tháng 6/2009), thì vi khuẩn Clostridium perfringens có trong nước mắm của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thường vượt mức cho phép 10 - 12 lần sẽ gây hại cho đường tiêu hóa và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất khi kiểm tra còn phát hiện có khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus - quy định không được phép hiện diện trong thực phẩm. Theo các nhà chuyên môn, các hóa chất cấm trong nước mắm tuy không gây ngộ độc ngay mà còn tích tụ trong cơ thể, đến một liều lượng nhất định nào đó mới gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là bệnh ung thư...

Cần thận trọng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường nước mắm chính là sự bất cập của hệ thống giám sát quản lý mặt hàng thực phẩm nhạy cảm này. Hiện nay, chất lượng nước mắm trên thị trường chủ yếu vẫn là do nhà sản xuất tự kiểm tra, tự công bố theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi". Vì vậy, để hạn chế tối đa sự "đầu độc từ từ" của nước mắm kém chất lượng, các nhà chuyên môn đã khuyến cáo người tiêu dùng khi mua các sản phẩm nước mắm trên thị trường cần nhận biết các dấu hiệu cơ bản sau:

Tất cả các nhà sản xuất nước mắm làm từ cá chượp muối hiện nay đều phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam về vi sinh của sản phẩm, nước mắm có 5 chỉ tiêu: Vi khuẩn hiếu khí: không vượt quá 105 (khuẩn lạc/ml); Men mốc: không vượt quá 10 (khuẩn lạc/ml); Không được có khuẩn gây ngộ độc thực phẩm: Staphylococcus aureus, E.coli; Khuẩn Coliforms: không vượt quá 100 (khuẩn lạc/ml); Khuẩn Clostridium perfringens: không vượt quá 10 (khuẩn lạc/ml).

Trên tem nhãn của sản phẩm thật in đầy đủ các thông tin về sản phẩm như tên sản phẩm, logo, thương hiệu, nơi sản xuất, địa điểm sản xuất, số điện thoại giao dịch, các chỉ tiêu chất lượng, thời hạn sử dụng... Logo in trên cả tem chống hàng giả, trên màng nilon chụp ra ngoài nắp chai. Khi thử sản phẩm có hương thơm, vị đượm có hậu.

Theo Thành Tâm



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.