Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết

Về làng bánh đa sắn Hùng Sơn những ngày này, đâu đâu cũng thấy bà con tất bật, người tráng bánh, người phơi bánh rồi đóng gói.

Về làng bánh đa sắn Hùng Sơn những ngày này, đâu đâu cũng thấy bà con tất bật, người tráng bánh, người phơi bánh rồi đóng gói. Thế nhưng không ai ngờ, nhờ món ăn dân dã này mà vào mùa vụ có hộ thu nhập mỗi tháng từ 10 - 12 triệu đồng.

Nghề “thức khuya dậy sớm”

Ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, chỉ duy nhất các hộ dân xã Hùng Sơn làm nghề bánh đa sắn. Trước đây, nghề này được xem là “nghề phụ” của các gia đình, nguyên nhân bởi sự dân dã của món ăn này nên việc tiêu thụ khá khó khăn. Thế nhưng, trong mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình đã chuyên nghiệp hóa trong khâu sản xuất, cùng với sự ưa chuộng những món ăn dân gian của người dân đã kéo nghề làm bánh đa sắn sống dậy.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-1

Các củ sắn được chọn làm bánh thường to tròn, ít xơ.

Chị Trần Thị Thái (SN 1978) trú xóm 9, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn vừa lật từng chiếc bánh, vừa cười cho hay: “Thực ra tôi biết làm bánh đa sắn này từ hồi còn rất nhỏ, vì đây là nghề truyền thống ở nơi đây. Dân vốn nghèo, địa hình chỉ thích hợp trồng sắn, nên mới sáng tạo ra món ăn này. Có một thời gian mặc dù vẫn duy trì làm nhưng không phải nghề chính, vì thế nên tôi phải đi buôn bán ở chợ, còn chồng thì làm nghề thợ xây để nuôi gia đình”.

Thế nhưng, khi thấy nhu cầu tiêu thụ bắt đầu lớn dần thì chị Thái cùng chồng bỏ hẳn nghề hiện tại để tập trung làm bánh đa sắn. Không ngờ rằng, quyết định này đã khiến cho gia đình có sự đổi thay lớn, chị có tiền cho con ăn học đầy đủ, thậm chí còn có thể mua sắm được nhiều đồ dùng ở trong nhà.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-2

Sau khi gọt thì các củ sắn sẽ được rửa sạch.

“Tuy nhiên, nghề làm bánh đa sắn chỉ bắt đầu từ tháng 9, cho đến tháng 3 năm sau. Quãng thời gian giữa đó thì mọi người tập trung trồng sắn và làm các nghề phụ khác để có thu nhập. Thời điểm tiêu thụ lớn nhất là giáp Tết, lúc này nhu cầu mọi người mua làm quà hay ăn nhậu cũng cao hơn, vì vậy chúng tôi làm cả ngày cũng không kịp mà bán cho khách”, chị Thái nói.

Theo người phụ nữ này, bánh đa sắn là một sản phẩm chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân vùng tả ngạn sông Lam này. Để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon nhất của người dân tự trồng.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-3

Việc xay nhuyễn bằng máy sẽ giúp bánh ngon hơn.

Bà Trương Thị Mỳ (SN 1969) đã dành cả đời để làm bánh đa sắn giải thích, sau khi thu hoạch bà con chọn lựa kỹ càng những củ ít xơ, mập, căng tròn đem bóc vỏ rửa thật sạch sẽ, để ráo nước rồi đem xay nhuyễn. Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt sau đó thêm ít vừng đen, gia vị, trộn lẫn rồi nhào đều tay. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề.

“Để có được chiếc bánh thơm ngon thì khâu quan trọng nhất là nêm nếm gia vị cho vừa cho đến khâu tráng bánh, kiểu làm không khác tráng bánh cuốn là mấy. Có điều, tráng bánh đa phải dầy hơn, độ chín của bánh đa cũng cần phải kỹ càng hơn”, bà Mỳ nói.

Bà Mỳ cho biết thêm, nghề làm bánh đa nghĩ là không nặng nhọc nhưng cũng phải thức khuya dậy sớm. Từ 3h-4h sáng người làng đã bắt đầu tráng bánh, công việc kéo dài tới quá trưa, ăn lúc 2h chiều là chuyện thường tình. “Mỗi ngày, một mình tôi cũng làm được 300 cái, nhiều thì 400- 500 cái. Còn có chồng phụ giúp thì có thể làm được 700-800 cái. Công việc cứ liền tay, nhưng chỉ cần chăm chỉ và cẩn thận là làm được”, bà Mỳ nói.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-4

Những chiếc bánh được phơi khô.

Món ăn dân dã, thu nhập hàng chục triệu

Những ngày cận tết 2018 này không khí ở làng bánh đa sắn Hùng Sơn trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bởi đây là thời điểm chính vụ làm bánh. Hiện nay, sản phẩm bánh đa sắn của làng không chỉ bán chạy trong huyện, mà còn được khách hàng nhiều địa phương trong tỉnh ưa thích.

Chị Trần Thị Thái cho biết: “Chúng tôi không cần mang đi đâu rao bán cả, chỉ cần ở nhà làm sẽ có người đến thu mua. Cứ làm được chừng nào thì họ mua hết chừng đó. Vào thời điểm cận Tết này chính là lúc thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày, vợ chồng tôi tráng được hàng trăm cái thế nhưng vẫn không đủ bán”.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-5

Chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương

Với giá nhập ngày thường 1.500 đồng/cái, những ngày cận tết 2.000 - 3.000 đồng/cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho gia đình chị thu nhập xấp xỉ từ 500.000 - 600.000 đồng. Tất nhiên, việc làm bánh cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nếu trời nắng to thì có lúc cao điểm có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, mấy hôm nay trời mưa nên gia đình chị Thái không thể phơi khô bánh, chẳng có mà bán dù tiểu thương đến hỏi liên tục.

“Trời âm u nên phơi bánh chẳng thể nào vàng đẹp được, cũng chẳng khô nên gia đình tôi mấy hôm nay cũng không làm. Hôm nào trời nắng thì cố gắng gấp hai để bù chứ biết làm thế nào được”, chị Thái cười trừ.

Đầu năm trồng sắn, cuối năm làm bánh đa, mỗi nhà thu nhập hàng chục triệu dịp Tết-6

Mỗi gia đình có thể thu nhập hàng chục triệu trong 1 mùa.

Mặc dù vậy, bà Trương Thị Mỳ cũng cho biết năm nay tiêu thụ tốt hơn năm ngoái, dù thời tiết thất thường nhưng chắc chắn mỗi nhà sẽ kiếm được vài chục triệu để ăn Tết. Thậm chí, có gia đình cả bố mẹ, con cái đều tập trung làm thì có thể kiếm được gần 30 triệu đồng chỉ trong vòng mấy tháng, hơn gấp nhiều lần việc làm ruộng.món

“Ngày trước ở làng tôi có vài ba người làm loại bánh này thôi, nhưng sau thấy nghề làm bánh này cũng đưa lại thu nhập ổn định cho bà con nên cả làng khôi phục nghề, các tháng trong năm thì trồng sắn, chăm sóc, tới tháng 9 dương lịch là thu hoạch và bắt tay vào làm bánh”, bà Mỳ nói.

Nhờ món ăn dân dã này mà những năm gần đây nghề bánh đa sắn đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở đây nhất là vào dịp Tết. Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 40 hộ dân ở thôn 6, 8, 9 làm nghề bánh đa sắn. Nhiều nhất là ở xóm 9 có hơn 30 hộ theo nghề. Bánh đa sắn Hùng Sơn hiện nay không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn Anh Sơn mà còn ở khắp nơi trong tỉnh như: Con Cuông, Đô Lương, Nam Đàn và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hoá.


Theo Người đưa tin


trồng sắn

thu nhập

món ăn dân dã


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.