Đề xuất được bán suất tái định cư

TP.HCM nên cho người dân mua bán suất tái định cư nhưng phải kèm theo các điều kiện. Đây là nội dung trong dự thảo tờ trình và dự thảo quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng suất tái định cư (căn hộ, nền đất) Sở Xây dựng vừa gửi Sở Tư pháp thẩm định.

Các dự án tái định cư thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều người mua bán suất tái định cư - Ảnh: P.P.H.

Theo đó về nguyên tắc, tất cả cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở hoặc doanh nghiệp có nhu cầu phục vụ tái định cư cho các dự án của đơn vị đều được mua suất tái định cư.

Nhưng dự thảo trên lưu ý cơ quan được ưu tiên mua các suất tái định cư này là UBND quận huyện, cơ quan quản lý nhà với giá mua được xác định là giá thị trường trong điều kiện bình thường. Trường hợp UBND quận huyện, đơn vị quản lý nhà không có nhu cầu mua lại suất tái định cư thì người dân được bán cho các trường hợp khác.

Trả tiền một lần

Chưa cho phép, vẫn chuyển nhượng suất tái định cư

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dù chưa có quy định cho sang nhượng suất tái định cư nhưng thời gian qua các hộ dân vẫn chuyển nhượng dưới nhiều hình thức như ủy quyền sử dụng, quản lý, nhận thay căn hộ, nền đất... Chuyện này diễn ra ngày càng nhiều và phát sinh phức tạp như sang nhượng qua lại nhiều lần, xảy ra khiếu kiện...

Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, tại một chung cư trên địa bàn quận 11 có đến 40% trường hợp ủy quyền cho người khác nhận thay suất tái định cư. Tại một số quận huyện khác, có dự án tỉ lệ “bán lúa non” này lên đến 70-80%...

Nếu bên mua suất tái định cư là cá nhân thì phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, có cam kết không sở hữu căn nhà nào khác tại thời điểm chuyển nhượng. Điều kiện nữa là chưa được xét chuyển nhượng suất tái định cư và phải trả tiền một lần, không được hưởng chính sách trả chậm như người được hưởng suất tái định cư.

Bên mua suất tái định cư là đơn vị quản lý nhà hoặc doanh nghiệp phải có xác nhận của UBND quận huyện là có nhu cầu sử dụng quỹ nhà này để phục vụ các dự án trên địa bàn...

Người có suất tái định cư được bán với điều kiện là không có tranh chấp, khiếu nại hoặc đã được giải quyết khiếu nại xong. Ngoài ra phải cam kết không hưởng chính sách tạm cư, chứng minh là đã có nơi ở mới (giấy chủ quyền nhà, đất, bản sao hộ khẩu) hoặc cam kết cắt chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới...

Trước khi bán, người dân phải có văn bản gửi UBND quận huyện thông báo về nhu cầu bán suất tái định cư. Sau 30 ngày làm việc, nếu UBND quận huyện không có ý kiến phản hồi thì được bán cho người khác. Thời gian giải quyết cho bán suất tái định cư của UBND quận huyện là 25 ngày, kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ...

Còn ý kiến khác nhau

Dù đã qua nhiều lần lấy ý kiến từ các sở ngành liên quan nhưng dự thảo tờ trình ngày 15-12 gửi Sở Tư pháp thẩm định vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc mua bán suất tái định cư.

Theo tờ trình này, quy định mua bán suất tái định cư áp dụng cho hai trường hợp là căn hộ, nền đất tái định cư đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng và dự kiến xác định thời gian hoàn thành, bàn giao cho người dân; hai là chỉ được mua bán suất tái định cư khi đã nhận bàn giao căn hộ, nền đất và đang trả góp tiền mua cho đơn vị quản lý nhà. Những trường hợp không thuộc hai dạng trên sẽ phân loại, đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Góp ý về quy định này, Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng nếu đã thống nhất coi suất tái định cư là “quyền tài sản” hợp pháp của người dân thì không nên hạn chế quyền lựa chọn bên mua. Đồng thời cũng không thể yêu cầu người dân chứng minh đã có chỗ ở khác vì việc định đoạt tài sản là một trong ba quyền của quyền sở hữu (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt), mà căn hộ, nền đất là quyền sở hữu hợp pháp của người tái định cư.

Khác với ý kiến này, theo Sở Xây dựng, suất tái định cư là “quyền tài sản” của người dân nhưng căn hộ, nền đất tái định cư thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do đó Nhà nước có quyền định đoạt. Chỉ khi nào cấp xong giấy chủ quyền nhà, đất, lúc đó người dân mới có quyền sở hữu với nhà, đất tái định cư của mình.

Sở Xây dựng cũng lập luận: nếu cho chuyển nhượng suất tái định cư tự do sẽ phát sinh tình trạng chuyển nhượng lòng vòng, dẫn đến đầu cơ và căn hộ, nền đất tái định cư bị bỏ trống, xuống cấp...Sở Xây dựng nêu quan điểm cho chuyển nhượng suất tái định cư nhưng phải có điều kiện.

Ý kiến của Công an TP, UBND huyện Bình Chánh đề nghị không nên đưa điều kiện: người mua suất tái định cư phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, vì sẽ hạn chế quyền công dân và chưa phù hợp với nghị định hướng dẫn Luật cư trú cũng như Luật nhà ở.

Nhưng quan điểm của Sở Xây dựng là đưa điều kiện trên vào quy định nhằm giải quyết cho các đối tượng (người dân TP) thật sự có nhu cầu về nhà ở, còn người không có hộ khẩu có thể mua nhà thương mại trên thị trường.

Theo Phúc Huy



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.