Đồ chơi cho trẻ: Độc hại khó lường

Mẫu mã đa dạng, kiểu dáng bắt mắt, giá rẻ đến giật mình đã giúp các loại đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường lôi kéo được rất nhiều khách hàng nhí.

Trung Quốc: Độc chiếm thị phần

Những năm gần đây, thị trường đồ chơi cho trẻ em phát triển mạnh và chiếm một khoản tiền không nhỏ trong chi tiêu hàng tháng của các gia đình có trẻ nhỏ. Nếu với những gia đình có điều kiện về kinh tế thì tìm chọn mua cho con em mình những món đồ chơi cao cấp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không có gì khó. Nhưng với nhiều gia đình khác thì đây quả là một "vấn đề". Chính vì thế, những loại đồ chơi "cấp thấp" đã có một chỗ đứng vững mạnh trên thị trường.

Thị trường đồ chơi cho trẻ được phân thành nhiều cấp khác nhau theo xuất xứ và thương hiệu. Đồ chơi cao cấp chủ yếu được nhập từ châu Âu, Mỹ, Nhật nên giá bán rất đắt nhưng các loại này lại an toàn đối với trẻ nhỏ. Có thể kể đến như bộ búp bê Barbie, gấu Teddy, bộ bàn học, xe tập đi, các loại nhạc cụ, bộ lắp ghép Mattel, Lego... Riêng đồ chơi sản xuất trong nước hầu như vắng bóng trên thị trường, nếu có thì ít mẫu mã không nhiều sinh động nên ít được trẻ em chú ý.

Theo một số shop bán đồ chơi trẻ em tại TP.HCM và Hà Nội, cách đây vài năm các loại đồ chơi cho trẻ sản xuất trong nước chiếm đến 2/3 thị trường nhưng vài năm gần đây thì không còn nữa vì có bày bán thì cũng chẳng ai mua.

Đồ chơi sản xuất trong nước giờ chỉ còn xuất hiện tại một số cửa hàng, siêu thị hoặc nhà sách lớn với rất ít mẫu mã và chủ yếu xoay quanh tính giáo dục, vừa học vừa chơi như bộ ghép số, ghép chữ, ghép hình ảnh... Khách hàng của những loại đồ chơi này là những nhà trẻ, trường mầm non mua về vừa để làm giáo cụ vừa để các bé chơi.

Trong khi đó, nhắm đến đối tượng là con các gia đình có thu nhập trung bình và thấp, đồ chơi Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần đồ chơi cho trẻ ở nước ta. Ở các chợ đầu mối như chợ Kim Biên (Q.5), chợ Bình Tây (Q.6) ở TP.HCM hay chợ Đồng Xuân, các phố Lương Văn Can, Hàng Mã ở Hà Nội, các loại đồ chơi Trung Quốc được bày bán tràn ngập với giá siêu rẻ. Thậm chí, trên các đường phố cũng không thiếu những đồ chơi này được bày bán tràn trên lề đường.

Nói về đồ chơi Trung Quốc, nhiều bậc phụ huynh cho biết họ cũng rất lo lắng về độ an toàn và tính giáo dục nhưng do có nhiều mẫu mã, màu sắc phong phú lại được con em thích thú nên đã nhắm mắt mua đại. Một số phụ huynh khác lại không quan tâm đến tính giáo dục, tính an toàn của những mẫu đồ chơi Trung Quốc này mà cứ vô tư mua tặng cho con cháu của họ.

Bởi, theo họ, đồ chơi nào cũng như nhau miễn sao con trẻ thích chơi và không quấy rầy bố mẹ là được. Khi được hỏi, thời gian qua có nhiều lời cảnh báo về các loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị nhiễm độc tại sao họ vẫn mua cho con chơi thì nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên "giờ tôi mới được nghe thông tin này đấy".

Trong khi nhiều nước như Mỹ, Úc và các nước châu Âu đã phát hiện và đang khẩn trương thu hồi các loại đồ chơi nhiễm chì và các chất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, các loại đồ chơi này vẫn tràn ngập trên thị trường.

Người bán thi nhau "dụ" trẻ

Theo nghiên cứu mới đây của EU và Ấn Độ, hơn 85% loại đồ chơi trong đó đa phần là của Trung Quốc được làm từ nhựa (như điện thoại, trống gỗ, xúc sắc, thú nhồi bông...) có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng vì có hàm lượng chì quá cao.

Nhận thấy nhu cầu mua sắm đồ chơi trong dịp nghỉ hè tăng đột biến, các chủ shop bán đồi chơi cũng được dịp trổ tài dụ trẻ vòi vĩnh ba mẹ mua sắm. Nếu các loại đồ chơi cao cấp thường đơn điệu về mẫu mã, giá khá đắt và đòi hỏi phải có sự tư duy, kiên nhẫn khi chơi thì các loại đồ chơi Trung Quốc lại rất được các bé ưa chuộng do chúng có màu sắc bắt mắt.

Đặc biệt, một số loại đồ chơi còn có thể phát ra tiếng nhạc, tiếng động đánh vào tâm lý tò mò của con trẻ. Chính vì thế, dù phần lớn đồ chơi Trung Quốc đều "phi giáo dục" và không an toàn nhưng vẫn bán rất chạy.

Đáng chú ý sự nhạy bén của các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ tận dụng triệt để tính "thời sự" để lôi cuốn trẻ. Đó là việc tạo ra những bộ đồ chơi mô phỏng các nhân vật trong phim hoạt hình, các game đang ăn khách để lôi kéo các em nhỏ.

Riêng các hãng đồ chơi lớn cũng có các chiêu dụ trẻ đến với các sản phẩm của mình. Để câu khách, các nhãn hiệu này thường đưa ra các bộ sưu tập đồ chơi khá độc đáo và bắt mắt nhằm đánh vào sự thích sưu tập của trẻ.

Ngoài ra, họ còn có các kế hoạch chăm sóc khách hàng bằng các chiến lược lâu dài thông qua các giấy chứng nhận sản phẩm an toàn của EU và Mỹ nên dù giá rất cao nhưng vẫn gây được sự chú ý, quan tâm của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, dù có "chiêu dụ" thế nào, những nhãn hàng này vẫn không bán chạy bằng hàng Trung Quốc. Đơn giản, hàng Trung Quốc luôn rẻ hơn.

Tai nạn từ đồ chơi

Hiện tại, chưa có một cơ quan nào nước ta đứng ra kiểm định chất lượng an toàn của đồ chơi đối với trẻ em chứ nói đến tính giáo dục của những món đồ đó cho nên rất khó để người tiêu dùng nhận biết chọn mua được loại đồ chơi an toàn cho con em mình. Dù trên thực tế đã có không ít trường hợp các bậc phụ huynh phải đưa con em vào viện cấp cứu vì những loại đồ chơi này.

Có trường hợp trẻ chơi đất nặn đã bị dị ứng ngứa toàn thân do đất dùng phẩm màu độc hại. Nhiều trường hợp trẻ bị nặng hơn như điếc tạm thời vì chơi các loại đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn hoặc bị nhiễm độc đường hô hấp do hít phải mùi sơn, mùi nhựa từ các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ.

Và trường hợp phổ biến nhất là trẻ bị dị vật xâm nhập vào đường thở do hít, nuốt phải đồ chơi... dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra như tử vong, viêm phổi mãn hay hỏng mắt, giảm thị lực...

Theo số liệu điều tra không chính thức, hàng năm tại các thành phố lớn có hơn 100.000 em nhỏ bị thương do sử dụng đồ chơi nguy hiểm như đao kiếm, súng, các loại đồ chơi chứa hóa chất độc hại... Đây quả là một con số đáng suy ngẫm bởi sự vô tâm của những người quản lý cũng như chính các bậc phụ huynh khi chọn mua đồ chơi cho con em mình...

Hàng triệu bộ đồ chơi Aqua Dots và Bindezz được trẻ em ưa chuộng đã bị thu hồi tại Mỹ, Australia, Anh, Malaysia, Singapore và nhiều khu vực khác trên thế giới sau khi một số trẻ em chơi loại đồ chơi này đã bị tai nạn. Các thử nghiệm cho thấy, hạt đồ chơi trên có phủ hóa chất công nghiệp 1,4 butanediol. Khi nuốt vào bụng, hóa chất này sẽ chuyển hóa thành gamma hydroxy butyrate và gây ra các vấn đề về hô hấp, mất tỉnh táo, tai biến mạch máu, hôn mê và tử vong.

Theo Hoàng Châu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.