Dùng hàng Việt Nam: Bao giờ hết ưu tiên?

Trên thị trường Việt Nam có một tỷ lệ không nhỏ các mặt hàng dệt - may, giày dép, ôtô du lịch, xe máy, đồ điện tử, đồ gỗ gia dụng bằng gỗ ép, sản phẩm nhựa được coi là hàng trong nước.

Tuy nhiên, phần lớn nguyên, phụ liệu cấu thành sản phẩm đó phải nhập từ nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ lắp ghép, hoàn thiện các nguyên, phụ liệu đó thành sản phẩm.

Vậy, hàng đó có được coi là hàng Việt Nam, do Việt Nam sản xuất không, trong khi, để được công nhận là hàng có xuất xứ từ nước đó, sản phẩm phải có tỷ lệ nguyên, phụ liệu tự nước đó sản xuất chiếm từ 60 % trở lên?

Nếu đem số hàng Việt Nam nói trên đặt lên bàn để mổ xẻ nhằm gắn đúng tên cho nó, thì chắc có vấn đề. Cũng vì vậy, nhiều người băn khoăn với những câu hỏi như “Thế nào gọi là hàng Việt?”, “Dựa trên tiêu chỉ nào để nhận biết đó là hàng Việt?”

Hiện nay nước ta có quy chuẩn về chất lượng hàng hóa (chủ yếu áp dụng cho hàng xuất khẩu), song chưa có (hoặc chưa công bố) quy chuẩn cụ thể về tiêu chí đối với một sản phẩm được công nhận là hàng Việt Nam.

Nếu hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn, chất lượng ngang ngửa với hàng nhập, giá cả không cắt cổ, và được tiêu thụ dễ dàng trên thị trường nội địa, có lẽ, sự nghi vấn sẽ nhẹ nhàng và ít góc cạnh hơn.

Trên cơ sở đó, sẽ không dùng cụm từ ưu tiên (vì nghe đến ưu tiên người ta có thể hiểu rằng hàng hóa đó chưa có tính trội, chưa hấp dẫn, chưa thu hút người mua, thiếu tính cạnh tranh với hàng nhập ngoại, nên cần có sự ưu ái) mà sẽ kêu gọi Người Việt dùng hàng Việt.

Tại một số hội chợ trong nước, sản phẩm của rất nhiều doanh nghiệp được cấp chứng chỉ và thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhưng, đó mới là hàng mẫu trưng bày, triển lãm. Còn, thực chất đối với thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa đáp ứng những sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Thậm chí, có nhiều sản phẩm không đúng quy cách, kích cỡ, nhãn mác đính lẫn lộn. Vô tình, doanh nghiệp đã quên đi yếu tố thị trường mở, phớt lờ hoặc cố tình không biết Việt Nam đã là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); thiếu quan tâm đến trình độ và văn hóa tiêu dùng của người Việt, thiếu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình làm ra và với người tiêu dùng; không coi trọng chữ tín.

Vậy, việc gắn mác hàng Việt Nam đích thực cho sản phẩm quả là cả một vấn đề và có lẽ còn lâu nữa mới thực hiện được. Bởi, ta chưa đủ khả năng tự cung, tự cấp nguồn nguyên, phụ liệu. Bởi, ta chưa có đủ đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản, có tay nghề cao bảo đảm và đạt năng suất sản xuất theo chuẩn mực quốc tế (những yếu tố quan trọng góp phần giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm).

Hơn thế nữa, người tiêu dùng không nắm bắt được tiêu chí của một sản phẩm được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao là gì để đối chiếu khi mua.

Đó cũng là định hướng cho sự phát triển trong thời gian tới, khi Việt Nam dần dần hoàn tất hiệp định thương mại tự do với các nước, các liên minh và tổ chức kinh tế trong khu vực và toàn cầu.

Khả năng chọn lựa để mua cái gì là quyền của người tiêu dùng. Không ai ép ai. Hy vọng, trong tương lai gần, người Việt đón nhận hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất một cách tự nguyện, đầy cảm hứng và sẽ không còn lưỡng lự về cụm từ ưu tiên.

Theo Nguyễn Minh Gòn

(Nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.