Giảm thuế để nhà ở giá rẻ đến tay người nghèo

Thừa nhận áp dụng ưu đãi về thuế suất để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và ký túc xá sinh viên là cần thiết nhưng các quan ngại đại biểu Quốc hội đưa ra chưa dễ được giải quyết.

>> Nhà ở xã hội phải đến đúng người

Liệu giảm thuế, giá nhà có giảm; nhà ở xã hội có đến đúng đối tượng; doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết?

Chính phủ khẳng định, hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà ở sinh viên, nhà ở cho người có thu nhập thấp đang trở nên cấp bách, tiền thuê nhà chiếm tỷ trọng cao so với thu nhập của người lao động.

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê thuộc diện chịu thuế GTGT 10%. Chính phủ đề nghị Quốc hội cho áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 5% đối với nhà ở để bán, cho thuê với các đối tượng nêu trên.

Về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng mức ưu đãi thuế ở mức cao nhất, cụ thể là áp dụng mức thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân tích: Người mua hoặc thuê mua nhà ở thu nhập thấp được phép bán hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua. Chính phủ cũng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, thẩm định giá bán, giá thuê, thuê mua...

Tán thành đề nghị giảm thuế nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra 3 quan ngại. Thứ nhất, do năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế nên việc kiểm soát giá mua, giá bán nhà thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, dù Nhà nước áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành thì chưa chắc giá bán, giá thuê nhà sẽ được giảm.

Đối tượng là người có thu nhập thấp sẽ không được hưởng lợi, còn Nhà nước thì bị thất thu ngân sách. Thứ hai, việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5% và 10%) là rất phức tạp, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để được hoàn thuế GTGT. Thứ ba, việc ưu đãi thuế TNDN cho cả dự án đầu tư mở rộng sẽ dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: Quốc hội có trách nhiệm giám sát

Việc giảm thuế như đề xuất của Chính phủ xuất phát từ yêu cầu thực tế. Đề cập vấn đề này tức là chúng ta giải quyết an sinh xã hội, trong khi đó chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vì lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, thủ tục còn rườm rà. Còn những băn khoăn của đại biểu như khi xây dựng nhà ở, nhà đó có đến tay người nghèo hay mua bán vòng vo, đầu cơ trục lợi, tôi cho rằng, việc này Quốc hội có trách nhiệm giám sát, giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả.

Về thuế, có ý kiến cho rằng thuế suất phải ổn định, tránh việc thay đổi thường xuyên. Tôi cho rằng, đã là thuế rất khó ổn định, nó được điều chỉnh theo diễn biến thị trường, cũng như thuế nhập khẩu xăng dầu chúng ta đang điều hành linh hoạt hiện nay nên điều tiết như dự luật là bình thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Làm thế nào đảm bảo tính khả thi của luật?

Tôi ủng hộ việc xây dựng, thông qua luật này. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo tính khả thi của luật? Chủ đầu tư được ưu đãi thuế giá trị gia tăng mức 5%, ban soạn thảo lý giải không áp dụng mức 0% vì luật đã quy định các đối tượng cụ thể được áp dụng mức này. Tôi không đồng ý giải thích này vì đối tượng, mức thuế nào là quyền ban hành, sửa đổi của Quốc hội, tại sao không áp dụng mức 0%? Về thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ doanh nghiệp được ưu đãi mức 10%, còn hộ cá nhân xây dựng nhà ở xã hội lại không được ưu đãi gì, như vậy là không công bằng.

Về đối tượng thụ hưởng, đây cũng là vấn đề phức tạp. Sẽ có nhiều thủ tục để xác định người được mua nhà có đúng thu nhập thấp không, khi đó nẩy sinh cơ chế xin - cho, tiêu cực, thủ tục hành chính rườm rà. Bên cạnh đó, việc khống chế lợi nhuận doanh nghiệp là không hợp lý vì đầu tư lĩnh vực này thu hồi vốn chậm, thủ tục để hưởng ưu đãi lại mất nhiều khâu. Tôi nghĩ, họ vẫn phải có lợi nhuận nhất định, đảm bảo mục đích kinh doanh, còn với đối tượng mua nhà thì không chỉ công nhân, người thu nhập thấp mà nhiều đối tượng khác có nhu cầu thì họ vẫn có quyền mua nhà để ở.

Nếu không giải quyết được những vấn đề trên, dù tính nhân văn dự luật rất cao nhưng tính khả thi sẽ thấp.

Đại biểu Phạm Thị Loan: Nhà ở có đến đúng đối tượng?

Tôi không tán thành bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, thuế TNDN, thuế GTGT không nên áp dụng cơ chế riêng cho các đối tượng như tờ trình, sẽ rất khó kiểm soát. Một doanh nghiệp họ không chỉ tham gia xây dựng nhà ở thuộc các diện ưu đãi mà tham gia nhiều lĩnh vực, vậy làm thế nào để phân biệt rạch ròi đâu là xây dựng nhà ở xã hội, đâu là nhà ở kinh doanh khác?

Thứ hai, chúng ta giao đất cho doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhưng có đảm bảo rằng, những nhà ở sau khi xây dựng xong đến đúng đối tượng hay lại mua bán vòng vo, lợi nhuận rơi vào tay người đầu cơ? Tôi nghĩ, người nghèo vẫn rất khó tiếp cận mua nhà, sinh cơ chế xin - cho, dễ tiêu cực. Với giá nhà đất như hiện nay, nếu là người thu nhập thấp, họ cũng lấy đâu ra dăm bảy trăm triệu để mua nhà khi đồng lương chắt bóp chỉ đủ tiêu (trong trường hợp giá nhà ở rẻ chỉ dăm bảy trăm triệu)?

Vì vậy, theo tôi không nên thông qua luật này. Thay vào đó, cần áp dụng cơ chế ưu đãi đối với người có thu nhập thấp như cho họ được vay vốn trả chậm, lãi suất thấp hoặc miễn lãi suất, tạo điều kiện họ tìm kiếm nơi ở phù hợp.

Theo Đ.Trường - Đ.Tuấn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.