Loteco: Điểm đến cho đầu tư “xanh”

Khu công nghiệp Long Bình (Loteco) tọa lạc tại Biên Hòa, Đồng Nai, ra đời năm 1996 từ liên doanh giữa Công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản).

Với khoảng 100 héc-ta, Loteco là một KCN có diện tích khiêm tốn nhưng ngày nay đã trở thành một địa điểm đầu tư nổi bật nhờ những tiêu chí thân thiện với môi trường. 50 doanh nghiệp nước ngoài đang đặt cơ sở sản xuất tại đây, đa số đến từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc Singapore… với những tên tuổi như Suzuki, NEC Tokin Electronic, Mitsuba Mtech TTD, Unitek (Úc), Talen Tool (Mỹ)…

Ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển KCN Loteco, cho biết Loteco vốn là nơi đặt nhà máy sản xuất của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn lớn này khi vào đầu tư vào đây đã tạo nên sức ép để Loteco chú trọng vào hoàn thiện môi trường ngay từ khá sớm. Việc quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường đã được triển khai ngay từ ngày đầu thành lập. Nhờ thế hiện nay Loteco đang là KCN duy nhất tại Đồng Nai và là một trong bốn KCN trên cả nước được cấp chứng nhận hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn môi trường ISO 14001 và Loteco cũng đã vinh dự được nhận Giải thưởng KCN xanh trên toàn quốc. “Danh hiệu phát triển bền vững đã chứng minh cho nỗ lực của chúng tôi trong việc xây dựng một KCN thân thiện với môi trường, trách nhiệm với xã hội và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện đại trong suốt giai đoạn qua là một sự lựa chọn đúng đắn”, ông Bình nói.

Ban đầu, một nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất 2.500 m3/ngày đã được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại về bảo vệ môi trường. Với nhu cầu ngày càng gia tăng do các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, Loteco tiếp tục đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải thứ hai trên nền công nghệ của Bỉ và được thiết kế theo các tiêu chuẩn châu Âu. Nhà máy mới này có công suất hoạt động hiện tại 4.000 m3/ngày và sẵn sàng cho việc mở rộng năng lực lên gấp hai lần với 8.000 m3/ngày trong năm nay, nâng tổng công suất lên 10.500 m3/ngày.

Thị sát khu xử lý nước thải tại Loteco cho thấy, nước sau khi xử lý được dùng để tưới tiêu cho các mảng cây xanh ngay trong KCN. Nơi dòng nước cuối nguồn thoát ra, rêu xanh và cỏ dại mọc đầy, là dấu hiệu cho thấy sự sống và nước sau xử lý đủ tiêu chuẩn tái sử dụng cho các mục đích khác. Ông Bình cho biết, việc tưới tiêu cho các mảng xanh trong KCN giúp công ty tiết kiệm chi phí khá cao. Với mảng xanh lên đến 100.000 m2, tương đương 1/10 tổng diện tích, nếu sử dụng nguồn nước từ nhà máy về sẽ tăng chi phí nhiều lần so với việc tận dụng nguồn nước từ hệ thống sau xử lý.

Cùng với hệ thống thiết bị xử lý nước thải tập trung, Ban Quản lý KCN cũng ban hành hệ thống tiêu chuẩn xử lý nước thải áp dụng đối với các đơn vị hoạt động tại đây với sự giám sát nghiêm ngặt. Theo đó, Ban Quản lý thành lập một bộ phận chuyên trách theo dõi và hỗ trợ doanh nghiệp xử lý nước thải từ từng đơn vị. Nước thải được xử lý ngay từ đầu ra đã giúp giảm áp lực lên hệ thống của toàn KCN. Chẳng hạn, Công ty Uhwa Việt Nam một doanh nghiệp hoạt động chuyên về dệt nhuộm, đã đầu tư một hệ thống xử lý nước thải riêng khá hoàn chỉnh trước khi đưa vào hệ thống xử lý tập trung. Ông Park Dong Chul, phụ trách Quản lý Hành chính Nhân sự của công ty, cho biết Uhwa đã đầu tư cho hệ thống này khá lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quy định.

Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải, còn phải kế đến các hạ tầng hoàn chỉnh quan trọng mà Loteco đã đầu tư tại đây như hệ thống giao thông nội bộ và thoát nước, hệ thống cấp nước, điện lưới quốc gia với hai trạm biến áp hoạt động ổn định 24/24… Để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, Loteco đã xây dựng tháp nước có sức chứa 300 m3 từ nguồn nước của Công ty cấp nước Đồng Nai và nhà máy nước Thiện Tân, cho công suất hàng ngày của toàn KCN lên đến 8.000 m3.

Ông Bình cho biết, khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động tại đây có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 215 triệu USD. Hàng năm mang lại cho Loteco tổng doanh thu hơn 12 triệu USD và lợi nhuận khoảng 2,5 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 800.000 USD. Diện tích 100 ha của Loteco hiện đã được lấp kín trong khi nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp đang tăng nhanh. Chính vì thế Loteco đang xin phép đầu tư mở rộng thêm khoảng 200 ha cho KCN này. Quả thật, nếu xét về thực tế phân bổ diện tích hiện nay, cho thấy chỉ mỗi nhà máy sản xuất của hãng Suzuki đã chiếm đến 1/5 diện tích của toàn KCN, và có nhiều nhà đầu tư còn muốn tăng diện tích lên gấp đôi. Theo khảo sát của Loteco tại các doanh nghiệp hiện tại, nếu được mở rộng, Loteco sẽ khai thác hết diện tích trong vòng ba năm chỉ với các khách hàng hiện có. Đặc biệt nền kinh tế đang trên đà hồi phục và hoạt động của các doanh nghiệp tại đây đã chứng tỏ khá vững vàng sau giai đoạn nhiều thử thách vừa qua.

Đặc biệt nhất, ông Bình cho biết, nếu việc đầu tư mở rộng KCN trong tương lai thành hiện thực thì hệ thống xử lý nước thải hiện có cũng dễ dàng được đấu nối và tăng công suất với các thiết kế đã được tính toán linh hoạt.

L.H



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.