Mua xe trả góp: Lợi bất cập hại

Mua hàng thanh toán bằng trả góp hiện nay không còn xa lạ với người tiêu dùng, nhất là cư dân thành thị. Hơn nữa, thời gian gần đây phong trào mua xe máy trả góp cũng nhộn nhịp hẳn lên do nhu cầu đi lại cũng như mốt "lên đời" của nhiều gia đình trẻ.

Song, khi đã tham gia vào chương trình này, nhiều người đã "dở khóc dở cười" bởi sự tư vấn mức trả góp của công ty luôn là "nói một đàng làm một nẻo"...

Đầu xuôi...

Hiện nay, tại các điểm kinh doanh xe gắn máy trên cả nước đều có các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ "mua xe trả góp" túc trục và sẵn sàng tư vấn cho khách. Vài thủ tục đơn giản, chỉ cần bản sao CMND, hộ khẩu và hóa đơn thanh toán điện thoại nhà trong vòng hai tháng gần nhất là người tiêu dùng có đủ thủ tục để mua xe trả góp.

Khi mua, người tiêu dùng có thể chọn loại hình trả trước 30%, 40%, 50%, 60% hay 70% giá trị xe và trả góp phần còn lại trong thời gian từ 9-24 tháng. Nếu hồ sơ hoàn tất là khách hàng có thể sở hữu ngay các nhãn hiệu xe máy 9,5 - 45 triệu đồng trong vòng 24 giờ.

Mỗi công ty tài chính có đối tượng phục vụ riêng. Chẳng hạn, công ty SG VietFinance cho vay mua nhiều loại xe với lãi suất của công ty ở mức khoảng 2,1% /tháng đối với xe của các hãng Honda, Yamaha, SYM, Kymco... Với các dòng xe Piaggo, lãi suất hỗ trợ là khoảng 2%/tháng.

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, công ty Easy cho vay 10-45 triệu đồng mua xe với khách hàng trong độ tuổi 20-55 có hộ khẩu TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ...với mức lãi suất khoảng 2-3% /tháng trả tiền tùy theo số tiền trả trước.

Còn Prudential tại Việt Nam hiện cũng hỗ trợ khách hàng có thu nhập cố định tối thiểu 3 triệu đồng/tháng mua xe trả góp bằng chương trình vay hỗ trợ mua sắm. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có hình thức vay tín dụng tiêu dùng. Hình thức này cho phép người vay không phải trả trước một khoản tiền mà trả gốc và lãi định kỳ, hưởng mức lãi suất tương đối hấp dẫn...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, vay tín dụng tiêu dùng ở ngân hàng không dễ bởi các điều kiện, yêu cầu thủ tục khá chặt chẽ. Thế nhưng theo chị Lê Ngọc Diễm, nhân viên bán hàng của một Head Honda trên đường 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM) thì lượng xe bán trả góp mỗi ngày ở cửa hàng chiếm tới 30-40% tổng số xe bán ra, chủ yếu là các mẫu xe mới của các hãng.

...nhưng đuôi không lọt

Chuyện bán xe máy trả góp với mức lãi suất "cắt cổ" không chỉ một công ty làm mà đang tồn tại ở nhiều đơn vị. Khi đi mua hàng trả góp, nhất là xe máy, nếu người tiêu dùng không tham khảo kỹ hợp đồng sẽ dễ "sập bẫy" bởi trong hợp đồng mua bán, các công ty đều không đề cập lãi suất trả góp mà người tiêu dùng phải chịu.

Trong khi tư vấn cho khách, nhân viên tư vấn chỉ nói chung chung: theo lãi suất ngân hàng, thủ tục đơn giản, không chứng minh thu nhập... Không tính kỹ các con số trong hợp đồng , khi phát hiện mức lãi suất quá cao, nhiều người thắc mắc, khiếu nại nhưng "gạo đã nấu thành cơm" , đành nhận phần thiệt.

Gần đây nhất là bà Phạm Thị Kim Tú ở Q.1, TP. HCM và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết ngụ ở Q. Phú Nhuận, TP. HCM khiếu nại về việc tư vấn lập lờ của Công ty Cổ phần Thương mại Giấc mơ dễ dàng - EASY (Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) và Công ty TNHH Quang Hùng Phương (Lý Thường Kiệt, Q.10, TP, HCM), không thực hiện theo đúng hợp đồng mua xe trả góp gây thiệt hại cho khách hàng.

Theo đơn trình bày, tháng 06/2008, bà Tú đến cửa hàng của Công ty TNHH Quang Hùng Phương (QHP) để mua một xe gắn máy Yamaha Cygnus - Z với số tiền là 32,5 triệu đồng. Tại đây, nhân viên của công ty tư vấn có thể mua xe trả góp với lãi suất là 3%/tháng. Bà Tú đồng ý mua và trả trước 17,8 triệu đồng, còn lại 14,7 triệu đòng trả góp trong vòng 9 tháng. Sau đó khi xem lại hợp đồng bà mới "té ngửa" vì số tiền còn lại phải lên tới 18,639 triệu đồng, không đúng như lời nhân viên tư vấn lúc ban đầu.

(Ảnh minh họa)

Bà Tú quay lại cửa hàng đề nghị được trả thẳng một lần. Thế nhưng, sau khi làm việc lại dù chấp nhận cho bà Tú thay đổi phương thức thanh toán nhưng EASY buộc bà phải trả dứt điểm 17,598 triệu đồng. Bà Tú đề nghị công ty tính toán lại vì khi mua xe, nhân viên bán hàng không tư vấn rõ ràng khiến bà nghĩ rằng số tiền trả hàng tháng sẽ giảm dần theo tiền gốc.

Còn bà Tuyết mua xe Attila giá 28,6 triệu đồng, trả trước 10 triệu đồng, còn lại 18,6 triệu đồng sẽ trả góp thông qua Giấc mơ dễ dàng. Theo hợp đồng, trong quá trình trả góp, giấy đăng ký xe sẽ do công ty quản lý và chuyển bản sao (có công chứng) cho khách hàng để lưu thông.

Thế nhưng, sau hơn 40 ngày nhận xe, dù đã đến trụ sở công ty EASY nhiều lần nhưng bà Tuyết vẫn không nhận được bản sao giấy đăng ký xe. Quá bức xúc, bà yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán. Lúc này, bà Tuyết mới "ngộ" để có được giấy đăng ký thì khách hàng phải chấp nhận mức trả góp lên tới 23,169 triệu đồng. Thấy vô lý, bà đề nghị làm rõ khoản chênh lệch nhưng công ty không trả lời và "ngâm" luôn bản sao giấy tờ xe.

Chưa dừng lại ở các chiêu thức trên, mới đây ông Lê Thiết Dũng ở P.9, Q.3, Tp HCM đã gửi đơn đến Văn phòng khiếu nại người tiêu dùng phía nam (VPPN) phản ánh: "Tôi có thông qua công ty EASY để mua trả góp xe Honda Wave RS giá 14,9 triệu đồng trả trước 6 triệu đồng, theo HĐ số 828111 tháng 05/2008h.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng tôi góp 900.000 đồng trong vòng 24 tháng. Trong HĐ ở mục 2.8 có ghi rõ: "Nếu khách hàng không thanh toán đầy đủ khoản thanh toán hàng tháng vào ngày thanh toán, khách hàng sẽ phải trả lãi cho công ty trên khoản thanh toán phải trả với lãi suất bằng 5% một ngày tính từ ngày phải thanh toán..".

Thế nhưng, ngày 06/06/2009, tôi lên công ty EASY đóng tiền thì nhận được thông báo: "Bắt đầu ngày 16/05/2009 công ty CPTM sẽ áp dụng mức phạt phí trễ như sau: trễ hơn 14 ngày phạt 150.000 đồng; trễ hơn 30 ngày 300.000 đồng và 60 ngày là 450.000 đồng (cách tính phạt tính cả ngày lễ và ngày Chủ nhật) " (?!) và thế là họ buộc tôi phải trả phí phạt 300.000 đồng, thay vì chỉ có 148.000 đồng cho 33 ngày quá hạn. Nếu tôi không đồng ý thì cứ đi khiếu nại ở bất cứ đâu tùy thích. Còn nếu không chịu đóng tiền, càng để lâu càng phạt nhiều. Vì vậy, tôi phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp".

Cẩn thận khi mua hàng trả góp

Ông Đỗ Ngọc Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng thuộc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo: "Thanh toán bằng hình thức trả góp là lựa chọn mới cho hình thức tiêu dùng hiện đại. Hình thức này giúp chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu và vẫn cân đối được khoản tiền tích lũy cho các chi tiêu cần thiết khác.

Thế nhưng, trước khi mua hàng trả góp, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp hoặc khi làm hợp đồng phải yêu cầu nơi bán ghi rõ mức lãi suất và chúng được tính trên cơ sở nào. Đồng thời, cố gắng tránh trường hợp nộp tiền chậm so với thời gian quy định để khỏi phải bị phạt..."

Theo Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì đơn vị này đã tiếp nhận nhiều trường hợp khiếu nại liên quan đến lãi suất khi mua xe trả góp do khi mua xe, khách hàng đã không được nhân viên bán hàng tư vấn đầy đủ. Điều này cho thấy, nơi bán hàng đã vi phạm 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng là được thông tin đầy đủ. Bên cạnh đó cho đến nay, việc quản lý giá cả, mức lãi suất vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ này muốn làm gì thì làm. Vì vậy, tốt nhất là người tiêu dùng hãy thật tỉnh táo khi mua hàng trả góp.

Theo Bảo Trân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.