"Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" và vai trò của thương hiệu

Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" tới nay đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho hàng nội trên thị trường cả nước.Tuy vậy, để việc dùng hàng Việt trở thành sự chọn lựa hàng lâu dài của người tiêu dùng, chắc chắn các doanh nghiệp còn có rất nhiều chuyện phải làm.

Một trong số này là công tác xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu.

Một nền kinh tế mạnh không thể thiếu những thương hiệu mạnh, đó là một quy luật. Tại nước ngoài rất ít người biết Việt Nam hiện có một nền kinh tế năng động vào bậc nhất Đông Nam Á chỉ vì chúng ta chưa xây dựng được những thương hiệu mạnh trong khu vực. Tại nước ngoài rất ít người biết Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, họ chỉ biết tới gạo Jasmine của Thái Lan!

Đặc sản hay phân biệt địa phương?

Đối với người tiêu dùng ngày nay thương hiệu chính là sự bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, nhiều thương hiệu còn đem lại niềm tự hào cho người sử dụng nữa. Vậy mà ngay trên thị trường nội địa, số thương hiệu Việt được biết đến rộng rãi trên cả nước quá hiếm: Vinamilk, Vinacafé, Kinh Đô, Việt Tiến, Thiên Long, Biti"s... Có người cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là sự khác biệt trong tập quán sinh hoạt của người tiêu dùng trên những vùng, miền khác nhau, chẳng hạn như đối với áo quần giày dép thì người miền Nam chuộng loại bền và tiện dụng, trong khi người miền Bắc chú trọng về kiểu dáng..., nhưng điều này không phải là cá biệt ở thị trường Việt Nam.

Thực tế cho thấy đối với người tiêu dùng Việt Nam thì tính địa phương đóng một vai trò hết sức quan trọng. Khách hàng trên cả nước dễ dàng chấp nhận bia Heineken, Tiger, BGI, Larue... Nhưng bia Huda của Huế và bia Sông Hàn của Đà Nẵng thì không thể vượt qua con đèo Hải Vân ngăn cách hai địa phương này để đến với người tiêu dùng địa phương. Bia Sài Gòn tuy có mặt tại nhiều nhà hàng Việt tại Tây và Bắc Âu nhưng rất khó kiếm tại Hà Nội, và như một luận bất thành văn, bia Hà Nội cho người sống tại thủ đô, bia Hải Phòng dành cho người Hải Phòng...

Cho dù nguyên nhân là do mạng lưới phân phối kém, thói quen hay tinh thần cục bộ thì chính việc một mặt hàng bình thường được mở (hay bị) đối sử như đặc sản vùng miền cũng ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển thị phần của sản phẩm và tính phổ cập của thương hiệu.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, họ còn cần tới sự hỗ trợ của nhiều giới, nhất là các cơ quan truyền thông. Thí dụ như thời gian diễn ra V-League 2009 người ta thường đọc thấy trên một số tờ báo những thông tin như "... miền Bắc còn bao nhiêu đội bóng, miền Trung còn bao nhiêu đại diện..." mà ít quan tâm đến thương hiệu của các câu lạc bộ.

Bụt chùa nhà cũng phải thiêng

Trước sự tràn ngập của hàng tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhiều người hay viện dẫn lý do giá cả "siêu rẻ" - do những mặt hàng này thường không phải chịu sắc thuế nào, nhưng trên thực tế có không ít khách hàng có thu nhập khá, thậm chí cao. Nhiều người có thu nhập cao chuộng "hàng hiệu" hay hàng mang mác Âu - Mỹ cho dù đa số được gia công tại Trung Quốc và có khi ngay tại Việt Nam không chừng, số khác lại chuộng hàng giả hay nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tới 70% người tiêu dùng chuộng hàng ngoại! Điều này cho thấy một lý do quan trọng nữa là các thương hiệu của ta chưa đủ mạnh để thay đổi quan niệm là hễ cứ là "ngoại" thì tốt hơn "nội" hay là dùng hàng ngoại (cho dù là ngoại nhái) nghe cũng "sang" hơn hàng Việt. Đây cũng là một tàn dư của thời bao cấp - khi hàng hóa sản xuất trong nước vừa thiếu lại vừa có chất lượng kém khiến nhiều người tiêu dùng quay sang dùng hàng ngoại khi có điều kiện. Thậm chí, một số người còn dùng hàng ngoại như một cách để phô trương khả năng tài chính của mình.

Ngày nay thì khác. Hiện nhiều mặt hàng trong nước đã có chất lượng không kém gì hàng ngoại nhập, nhất là áo quần may sẵn, giày dép..., tuy nhiên tâm lý "Bụt chùa nhà không thiêng" vẫn còn bám rất sâu. Trách nhiệm trước hết thuộc về các danh nghiệp, phải làm sao tạo dựng và giữ được niềm tin của khách hàng vào chất lượng của sản phẩm ví dụ như các doanh nghiệp có làm hàng xuất khẩu thì phải xóa đi định kiến là hàng bán trên thị trường là hàng xuất khẩu bị trả về.

Các doanh nghiệp Việt Nam còn có điểm yếu là ít chịu cùng hợp tác để đẩy mạnh thương hiệu. Thí dụ như việc phụ trang cho những đại diện Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế tại trong và ngoài nước chỉ do một vài nhà thiết kế nào đó đảm trách với tính cách cá nhân chứ không phải là sự phối hợp chặt chẽ của các nghệ nhân thuộc các nghành liên quan như dệt, may, thêu, thiết kế, làm giày dép, phụ tùng cho trang phục, nữ trang... như Thái Lan, Indonechia, Malaysia... vẫn làm.

Dễ nhận thấy là quốc phục của các đại diện Việt Nam hay trùng lặp, còn thường phục hay áo dạ hội thì thường na ná các mẫu trong các tạp trí thời trang nước ngoài nên không độc đáo mà cũng không làm cho người mặc nổi bật.

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009, đại diện Trung Quốc đã mặc trang phục dân tộc được cách điệu từ áo giáo từ chiến binh thời Đường với những nét rất hiện đại và táo bạo. Có người cho là không đẹp vì quá lạ mắt nhưng đó lại là dụng ý của họ để quảng cáo cho công nghệ thiết kế của Trung Quốc với hàng triệu người trên thế giới.

Có quá nhiều việc phải làm để cho các thương hiệu Việt cất cánh, nhưng có lẽ chẳng người Việt Nam nào, cho dù chuộng hàng ngoại nhập đi chăng nữa, mà không mong có ngày các thương hiệu Việt sẽ trở thành niềm tự hào của chúng ta trước thế giới.

Theo Quế Viên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.