Nhanh chóng "dựng" hàng rào ngăn hàng hóa độc hại

Những nghi ngại về chất lượng hàng hóa Trung Quốc cuối cùng cũng được Ban chỉ đạo 127TW công bố: "Các mẫu xét nghiệm quần áo Trung Quốc đều chứa chất formadehyde gây nguy hại cho da...". Bởi vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng hàng hóa.

"Ma trận" hàng Trung Quốc

Thị trường Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc, từ những mặt hàng có giá trị rất thấp như chiếc tăm, đôi đũa... đến các mặt hàng có giá trị cao như tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ...

Theo một chuyên gia kinh tế, sở dĩ hàng Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên thị trường là bởi chủng loại đa dạng, giá rẻ, phù hợp với phần đông người tiêu dùng. Hơn nữa, lợi nhuận từ buôn hàng Trung Quốc rất cao, nên hình thành đội quân chuyên "đánh" hàng từ nước này về Việt Nam. Hệ quả là đã tạo nên "cơn lũ" hàng "Tàu" trên thị trường, khiến người tiêu dùng bị cuốn theo.

Nhiều người tiêu dùng chia sẻ, thực ra dùng hàng Trung Quốc có cảm giác...ngại vì không biết có hại sức khỏe hay không. Anh Lê Nguyên (đường Nguyễn Quý Đức, Hà Nội) cho biết: Mỗi lần mua đồ chơi cho con, dù không muốn mua hàng Trung Quốc, nhưng do hàng của "Tây" đắt, hàng nội quá nghèo nàn nên đành tặc lưỡi mua. Cho con chơi mà lo ngay ngáy, nhưng nếu không mua đồ chơi Trung Quốc, thì gần như chẳng có gì cho trẻ chơi...

Khó mà đoán được xuất xứ của những bộ quần áo đang được bày bán tràn lan trong các cửa hàng tại Hà Nội

Khó mà đoán được xuất xứ của những bộ quần áo đang được bày bán tràn lan trong các cửa hàng tại Hà Nội

Cũng nỗi lo như anh Nguyên, chị Nguyễn Thị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: "Tôi hay mua vải may quần áo cho gia đình ở chợ Hôm, chợ Đồng Xuân. Một số loại vải chủ hàng nói là của Trung Quốc, một số khác có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc... Họ nói sao biết vậy, chứ thực tình không phân biệt được đâu là vải Trung Quốc, đâu là vải của các nước khác. Bởi vậy, ngay cả khi không muốn mua vải Trung Quốc vì sợ độc hại, thì cũng không có cách nào nhận biết để tránh..."

Sợ hàng Trung Quốc bị người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay, các chủ hàng Trung Quốc luôn sẵn sàng "hợp tác" với chủ buôn Việt Nam tẩy mác hàng Trung Quốc, thay vào đó mác "Made in Vietnam". Nhiều vụ thay nhãn hàng kiểu này trên quần áo vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Loay hoay "làm chuồng"

Để sớm giải tỏa nỗi lo của người tiêu dùng, ngày 30/6/2009, Ban chỉ đạo 127TW có Công văn 47/BCĐ- QLTT chỉ đạo các lực lượng chức năng hai tỉnh có nơi tập kết, phát luồng hàng hóa xuất từ Trung Quốc, nhiều nhất là Lạng Sơn và Quảng Ninh tăng cường phối hợp, kiểm soát chặt chẽ đối với các loại hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Cụ thể, Chi cục Quản lý thị trường, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo127 địa phương nhanh chóng cung cấp các mẫu: Vải, quần áo, đồ chơi... bị thu giữ theo đúng quy định, để lấy mẫu gửi Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương kiểm nghiệm thành phần hóa chất độc hại, qua đó tạo căn cứ xử lý.

Sự kiện

Theo Ban chỉ đạo 127TW, qua kiểm nghiệm các mẫu quần áo Trung Quốc bày bán tại Hà Nội và một số tỉnh đều phát hiện chứa chất formadehyde gây nguy hại cho da.

Sự kiện

Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về ngưỡng an toàn cho phép của các độc tố, trong đó có formadehyde đối với sức khỏe người sử dụng , nên lực lượng chức năng chưa có căn cứ xử lý.

Rõ ràng, tình trạng "mất bò nhưng chưa lo làm chuồng" nói trên đang khiến người tiêu dùng tiếp tục phải gánh chịu những rủi ro do sử dụng hàng Trung Quốc không đảm bảo chất lượng. Chừng nào hàng rào kỹ thuật chưa được dựng lên, thì người tiêu dùng vẫn khó lường về chất lượng hàng hóa.

Để có căn cứ kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 127TW có Công văn 54/CQTT ngày 1/7 gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ) đề nghị sớm nghiên cứu, công bố những tiêu chuẩn về ngưỡng an toàn cho phép của các độc tố, trong đó có formadehyde đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tổng cục cũng chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Quảng Ninh và Lạng Sơn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý đối với các hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Dự kiến, sau khi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố những tiêu chuẩn về ngưỡng an toàn cho phép của các độc tố. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định về xử lý các mặt hàng có thành phần hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Đây sẽ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả với các loại hàng hóa không an toàn cho người sử dụng lưu hành trên thị trường.

Theo H.H



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.