"Tá hỏa làm giấy miễn trừ gia cảnh"

Nhấc điện thoại gọi điện mời một anh bạn đi uống cà phê, tôi được trả lời để hôm khác vì anh còn bận về quê xin xác nhận của UBND xã về thu nhập của bố mẹ và các thủ tục liên quan đến đóng góp nuôi bố mẹ, nhằm khấu trừ phần miễn trừ gia cảnh liên quan đến thuế thu nhập cá nhân.

>> Chính thức thu thuế thu nhập cá nhân

Thực ra, không phải mình anh bạn tôi, mà rất nhiều người đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị kể cả nhà nước và ngoài nhà nước những ngày này đều tá hỏa chạy làm thủ tục khấu trừ gia cảnh. Bởi vì theo họ, với sự tăng giá trên thị trường hiện nay, với mức lương hiện hành lại phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì quả là rất khó khăn.

Mặc dù, thời hạn đối với thu nhập cá nhân đã có hiệu lực, song đến nay không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn trước các thông tin liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế. Mức nộp thì đã rõ, cái chính những quy định về khấu trừ gia cảnh và cách tính thuế nhiều người vẫn còn chưa hiểu. Chẳng hạn, đối với người có mức thu nhập chính từ nguồn thu vãng lai như viết báo, làm thêm giờ cho các công ty mà chưa có mã số tài khoản (MST), thì tính ra sao?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Mạnh Thuấn, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết: Đối với thu nhập vãng lai có mức thu từ 500 nghìn đồng trở lên, người có thu nhập sẽ chịu mức thuế là 10%.

Ví dụ, viết bài cộng tác nhuận bút trên 500 ngàn đồng, chỉ được trừ 10% thuế thu nhập. Theo Thông tư 84/2008/TT-BTC thì đơn vị chi trả tiền được phép áp dụng hai mức khấu trừ đối với thu nhập vãng lai là mức thu 10% trên thu nhập của người có MST và 20% trên thu nhập của người không có MST. Nhưng vì đơn vị thuế cho đến nay chưa kịp cấp MST tất cả những người đã đăng ký MST. Vì vậy, Bộ Tài chính ra thông tư 62/2009/TT-BTC nêu rõ dù người được thù lao có MST hay không, đều chịu một mức khấu trừ là 10% trên thu nhập.

Riêng, đối với thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công, kinh doanh... kỳ tính thuế sẽ theo năm. Số thuế tính trên mức thu nhập sau khi đã giảm trừ gia cảnh. Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công. Trước khi tính thuế, tổng số tiền giảm trừ gia cảnh bao gồm:

Giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng/tháng: mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng; giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc, khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Số thu nhập còn lại sẽ nhân với thuế suất cụ thể từng bậc phải nộp thuế như quy định hiện hành.

Theo ông Trần Mạnh Thuấn, chẳng hạn, ông A là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng tổng cộng 10 triệu đồng. Ông A hiện phải nuôi 02 con dưới 18 tuổi và trong tháng ông phải nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc 6% theo quy định; đồng thời trong tháng ông A không phải đóng góp và các quỹ từ thiện, nhân đạo thì thuế thu nhập cá nhân ông A tạm nộp trong tháng được tính như sau: Ông A được giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế các khoản cho bản thân là: 4 triệu đồng; Cho 02 người phụ thuộc (2 con) là 1,6 triệu đồng x 2 = 3,2 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 10 triệu đồng x 6% = 0,6 triệu đồng.

Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 4 + 3,2 + 0,6 = 7,8 triệu đồng. Khi đó, thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế lũy tiến từng phần để tính số thuế phải nộp của ông A là 10 triệu đồng - 7,8 triệu đồng = 2,2 triệu đồng. Và cuối cùng, ông A phải đóng khoản thuế thu nhập là 2,2 triệu đồng x 5% = 0,11 triệu đồng (110.000 đồng).

Dù theo quy định, mức phải đóng thuế thu nhập khá "nặng", song nếu có các bằng chứng về gia cảnh, mức độ đóng thuế sẽ không đáng kể. Chính vì thế, hiện đang có rất nhiều người đổ xô đi làm các loại giấy chứng nhận liên quan đến thân nhân để được khấu trừ gia cảnh.

Đối với cá nhân có gia đình, có con đang đi học thì ảnh hưởng không nhiều, nhưng đối với những cô, cậu độc thân "chót" làm lương cao, bố mẹ lại công chức về hưu thì đang kêu trời vì phải đóng thuế nhiều.

Chị Lệ, diện độc thân hiện đang làm cho một công ty thuộc lĩnh vực tài chính, thu nhập 1 tháng khoảng 14 triệu đồng đang kêu trời, vì 1 tháng phải mất hơn 2 triệu đồng tiền đóng thuế thu nhập theo quy định. Thuế phải đóng khá cao, khiến nhiều người tìm mọi cách để làm bằng được giấy tờ liên quan đến miễn trừ gia cảnh!

Từ 4-5 triệu đồng/tháng (tương đương đến 60 triệu/năm) mức thuế 5%; 5-10 triệu/tháng (60-120 triệu/năm) mức thuế 10%; từ 10-18 triệu/tháng (210-216 triệu/năm) mức thuế 15%; từ 18-32 triệu/tháng (218-384 triệu/năm) mức thuế 20%; từ 52-80 triệu/tháng (624-960 triệu/năm) mức thuế 30% và trên 80 triệu/tháng (trên 960 triệu/năm) mức thuế 35%.

Theo M.Vinh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.