Thế giới cũng “sốt” vàng

Ở vùng Mendrisio của Thụy Sỹ, nơi 1/3 số vàng thỏi trên thế giới được tinh luyện và dập ép, công việc tại các xưởng vàng những ngày này đang hết sức bận rộn.

Phóng viên Nelson D. Schwartz của tờ New York Times cho biết, mỗi ngày, vàng vụn đủ mọi thể loại, từ vòng, nhẫn, hoa tai tới dây chuyền dồn dập chuyển tới Mendrisio từ những khu vực xa xôi ở châu Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ… Tại đây, số vàng vụn này sẽ được nấu chảy và dập thành từng thỏi vàng lớn.

Với hoạt động thu mua vàng đang được đẩy mạnh bởi các quỹ đầu cơ lớn, các nhà đầu tư giàu có và các chính phủ, giá kim loại quý này vào chiều ngày 9/11 đã tiến sát mức 1.110 USD/oz, cao chưa từng có từ trước đến nay.

Vốn được xem là “vịnh tránh bão” hàng đầu dành cho giới đầu tư mỗi khi có những nỗi lo lắng đeo đẳng thị trường, giá vàng thế giới thời gian qua liên tục leo thang trước sự suy yếu của đồng USD, thâm hụt ngân sách phình to ở Mỹ và châu Âu, chính sách lãi suất thấp, cộng với việc các ngân hàng trung ương đã bơm hàng nghìn tỷ USD để cứu kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái.

Lo ngại một bong bóng tài sản mới sẽ hình thành và rốt cục sẽ vỡ tung, giới đầu tư quốc tế đang ồ ạt tìm đến với vàng - loại tài sản được xem là có độ an toàn cao.

“Giới đầu tư, từ các ngân hàng trung ương ở châu Á tới các nhà đầu tư cá nhân đều đang tăng mua vàng. Sức hấp dẫn của vàng đã gia tăng mạnh”, ông Suki Cooper, một chiến lược gia thị trường kim loại quý thuộc quỹ đầu tư Barclays Capital, nhận định.

Có cầu ắt có cung, tháng trước, hãng bán lẻ Harrods của Anh đã bắt đầu bán các đồng xu vàng và vàng thỏi có trọng lượng từ 1 gam cho tới 12,5 kg. Ngay sau khi mở cửa, gian hàng bán vàng của Harrods tại London đã ngay lập tức có những ngày đông chật khách.

“Khách của chúng tôi thích mua vàng thỏi hơn, nhất là loại 100 gam”, ông Chris Hall, người đứng đầu bộ phận kinh doanh vàng thỏi của Harrods cho hay.

Tại Mỹ, các quảng cáo hứa hẹn giá vàng còn tăng cao hơn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình đêm khuya. Thậm chí, tại nhiều siêu thị, các bàn thu mua vàng lưu động được dựng lên.

Theo ông Ron Lieberman, chủ công ty Palisade Jewelers ở bang New Jersey, khi giá vàng ở mức 300 USD/oz vào đầu thập kỷ này, khách tới cửa hàng của ông bán vàng đông gấp 10 lần hiện nay. “Bây giờ khách mua nhiều chứ khách bán chẳng có là mấy. Có người tin là giá vàng sẽ lên đến 2.000 USD/oz”, ông Lieberman nói.

Trên thực tế, nhà đầu tư hàng hóa cơ bản nổi tiếng của Mỹ Jim Rogers mới đây đã dự báo trên kênh truyền hình Bloomberg rằng giá vàng có thể đạt mức 2.000 USD/oz.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini, người từng dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính này, đã “phản pháo” nhận định trên của ông Rogers. Ông Roubini cho rằng, hiện không có bất kỳ một áp lực lạm phát hay áp lực kinh tế nào có thể đẩy giá vàng lên ngưỡng 2.000 USD/oz.

Mặc dù vậy, vào tuần trước, những người lạc quan nhất đối với triển vọng giá vàng cũng bất ngờ trước tin Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) mua 220 tấn vàng, trị giá 6,7 tỷ USD, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Động thái này của RBI là một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể sẽ giảm dự trữ các tài sản bằng USD và thay vào đó tăng giữ vàng.

Tới thời điểm này, vàng đang chiếm khoảng 6% trong dự trữ ngoại hối trị giá 285,5 tỷ USD của Ấn Độ, tăng từ mức 4% trước khi diễn ra đợt mua vàng từ IMF.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng tiết lộ chuyện họ đang mua vàng. Trong 6 năm qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi dự trữ vàng.

Xu thế tăng mua vàng của các ngân hàng trung ương có thể sẽ gây bất lợi cho nước Mỹ, vì trái phiếu kho bạc Mỹ vì thế sẽ trở nên khó bán hơn, khiến nước này khó tìm được đủ nguồn vốn bù đắp cho thâm hụt ngân sách gia tăng.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý 2/2009, tiêu thụ vàng trang sức của thế giới đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước vì giá cao, trong khi nhu cầu đầu tư vàng tăng 51%.

Hãng tinh luyện vàng PAMP của Thụy Sỹ cho biết, nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân đối với những thỏi vàng có trọng lượng 100 oz do hãng này sản xuất hiện đã tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo PAMP, đặc biệt, các nhà đầu tư vàng cá nhân tại Mỹ và Tây Âu đang có xu hướng tăng mạnh, thay vì chỉ tập trung ở các khu vực Trung Đông và châu Á như trước đây.

Ngoài sự mối lo về lạm phát và sự trượt giá của USD, những diễn biến chính trị quốc tế gần đây cũng đóng góp đáng kể vào cơn sốt vàng đang diễn ra.

Các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ Mỹ mạnh tay tấn công vào các “thiên đường” trốn thuế khắp thế giới và việc các nhà băng hàng đầu của Thụy Sỹ buộc phải khai báo danh tính của hàng ngàn khách hàng Mỹ giàu có cho cơ quan thuế vụ ở Washington đã thúc đẩy những người giàu có tìm đến một kế sách khác để che giấu tài sản của họ.

Trong khi đó, vàng - loại tài sản không cần tới chứng từ - được xem là một kênh đầu tư quá hợp lý để đáp ứng nhu cầu này.

Theo Kiều Oanh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.