Thời của CEO

Khi Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) cuối năm 2006, người ta mới bắt đầu chú ý đến vai trò của các CEO.

CEO là chữ viết tắt của "Chief executive officer", có nghĩa là Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành cũng là chức vụ điều hành cao nhất của một tập đoàn, công ty hay tổ chức, một cơ quan. Đó cũng là địa vị, là giấc mơ của không chỉ đàn ông Việt Nam mà là giấc mơ chung của bất cứ ai muốn mình sẽ trở thành một doanh nhân quan trọng.

Đó là sự thức tỉnh của vai trò cá nhân, khẳng định giá trị, vai trò và hình ảnh của mình. Trở thành CEO, bạn không chỉ sẽ là một đầu tàu, có vai trò quyết định thành bại của cả một tập đoàn, công ty mà còn có nghĩa rằng, bạn sẽ là người đóng góp được nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước, tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ hơn cho tổ quốc Việt Nam.

Trong số hơn 500 ngàn doanh nghiệp hiện nay, phải chăng chúng ta đang có tới 500 ngàn CEO? Hay con số sẽ là 50 ngàn CEO? Không có thống kê cụ thể nhưng nếu theo tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng của một CEO được đào tạo bài bản thì CEO ở nước ta ít hơn thế rất rất nhiều.

Chúng ta có bao nhiêu CEO thực sự có vai trò quyết định ở không chỉ một tập đoàn mà còn có sức ảnh hưởng tới cả nền kinh tế? Không có câu trả lời chắc chắn. Nhưng đó, rõ ràng đó phải là những người đặc biệt giỏi giang và quan trọng. Vậy tại sao chúng ta không nuôi cho mình giấc mơ trở thành CEO!

CEO Hoàng D.Quân: "Tôi là một Việt kiều Mỹ may mắn!"

Tôi muốn để lại tên tuổi!

Trước khi chuyển nghề, ông đang là một CEO có tên tuổi và đầy lợi thế trong lĩnh vực ngân hàng, vậy lĩnh vực giáo dục ở Việt nam có gì hấp dẫn ông đến thế?

Tôi được đào tạo chuyên ngành tài chính tiền tệ tại Mỹ và đã làm việc trong lĩnh vực này cho ngân hàng tại Mỹ, Singapore và Việt Nam và đó thực sự là lợi thế nếu chỉ để kiếm tiền. Nhưng cuộc sống không phải chỉ có tiền. Trước khi chuyển sang lĩnh vực giáo dục, tôi đã bị stress vì công việc rất nặng, thậm chí còn mắc căn bệnh viêm màng não phải nhập viện.

Nằm trong bệnh viện, tôi mới nghĩ đến giá trị của sức khỏe và gia đình. Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nhiều năm, quá căng thẳng, nó vắt kiệt sức lực của tôi. Vì thế, tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực mới khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp luyến tiếc, không ít người động viên tôi nghĩ lại. Nhưng tôi biết, chuyển sang lĩnh vực giáo dục, mình sẽ có thời gian cho sức khỏe, gia đình và quan trọng là tôi đang mong muốn có một đứa con. Giờ thì những mong muốn đó đã thành hiện thực.

Và ở lĩnh vực giáo dục, cụ thể là đầu tư vào hệ thống trường mầm non Sunrise Kids, ông có thu được thành công như trước không?

Năm 2007, ông là Việt Kiều Mỹ đầu tiên được giao vị trí Tổng giám đốc của 1 ngân hàng Việt Nam, ngân hàng phát triển nhà TP.HCM (HDBank). Cách đây 7 tháng, ông trở thành Tổng giám đốc của công ty quản lý quỹ TLM Capital. Tài chính tiền tệ mới chính là mảng mạnh nhất của CEO Hoàng D.Quân. Nhưng trước cuộc trở lại này, ông đã phải dừng lại gần 5 năm vì stress nặng và vì căn bệnh viêm màng não...Tất cả đều từ sự căng thẳng quá mức, sức lực bị vắt kiệt. Năm 2003, ông quyết định chuyển hướng công việc, rời khỏi ngân hàng Standard Chartered (Anh) và bắt đầu cuộc phiêu lưu mới, đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam. "Tôi đầu tư sang giáo dục nhằm để lại tên tuổi lâu dài hơn", ông Hoàng tâm sự

Chúng tôi đang thành công như dự định. Nhưng nếu hiểu thành công ở góc độ tiền thì không. Tôi coi giáo dục như một tiêu chí căn bản nhất của xã hội mà ai cũng phải có, vì thế đầu tư vào đây chỉ để củng cố cái tiêu chí căn bản đó của xã hội.

Nhưng ở Việt Nam, giới đầu tư từ mười năm qua đã coi giáo dục và y tế là hai lĩnh vực đầu tư kiếm bội tiền nhất, dễ làm nhất và sự thực thì hầu hết các trường dân lập đều kiếm bội tiền?

Đó là quan điểm riêng nhưng không một quốc gia nào thực sự tôn trọng giáo dục mà lại đi coi giáo dục là lĩnh vực để "làm ăn" cả.

Không lẽ họ làm giáo dục từ thiện, và còn quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân nữa, họ bỏ tiền túi ra là để kiếm tiền chứ?

Đúng, đầu tư vào giáo dục không phải làm từ thiện, không ai quan niệm như thế cả. Nhưng lợi nhuận kiếm được trong lĩnh vực này không phải là khoản siêu lợi nhuận như một số lĩnh vực khác. Như đã nói ở trên, mỗi người có một quan điểm đầu tư riêng, với tôi ngoài sự đầu tư ra còn là một tình yêu với trẻ nhỏ.

Tôi lớn lên và được học tập trong môi trường giáo dục của Mỹ nên tôi hiểu rõ sự chênh lệch với trong nước. Tôi muốn trẻ em Việt Nam được hưởng đầy đủ những điều kiện giáo dục theo tiêu chuẩn cao của Mỹ. Nhưng vì nước mình còn nghèo nên nhiệm vụ của tôi là đưa tiêu chuẩn đó đến với các gia đình có mức thu nhập trung bình chứ không chỉ để phục vụ các gia đình giàu có.

Ở lĩnh vực ngân hàng ông đang kiếm bộn tiền, ông từ bỏ nó để chuyển sang lĩnh vực giáo dục và chấp nhận cách ném tiền ra như vậy mà chưa thu được gì, xin được hỏi thẳng, ông đang làm việc đó vì cái gì vậy?

Vì tôi muốn để lại tên tuổi của mình. Tuy đã có thành công ở lĩnh vực ngân hàng nhưng tôi biết rất rõ, chẳng mấy người để lại tên tuổi của mình được lâu trong các lĩnh vực này, dù họ đã từng rất nổi tiếng một thời. Tôi học được kinh nghiệm này từ Mỹ và một số nước. Những người thành danh trong các lĩnh vực kinh doanh, họ quay sang đầu tư vào giáo dục, không phải để kiếm lời và tất nhiên cũng không lỗ, nhưng họ để lại tên tuổi hàng trăm năm. Tôi cũng muốn thế.

Các trường tư nhân nổi tiếng ở nước ngoài hầu hết đều có lãi cao, dù người đầu tư không thu nhiều lợi nhuận còn với cách thu phí như hiện tại, liệu có phải là cách để phát triển mạnh mẽ?

Đó là một kế hoạch bài bản và dài hơi. Một tư duy đầu tư chiến lược có thời hạn tối thiểu 20 năm trở lên và vì thế, không vội vàng, không chụp giật từng đồng mà tôi muốn đầu tư lâu dài, đầu tư cho một thương hiệu, một tên tuổi cho mai sau.

Vậy tại sao ông lại quay lại làm CEO cho lĩnh vực ngân hàng và giờ đây đang làm Tổng giám đốc cho Công ty quản lý quỹ TLM Capital trong khi kế hoạch với giáo dục còn chưa xong?

Tôi chưa bao giờ có định rời xa lĩnh vực tài chính, tôi chỉ dành cho mình một thời gian để nghỉ ngơi vì sức khỏe không tốt. Thực ra, trong thời gian "nghỉ ngơi" đó, tôi vẫn tư vấn cho một số ngân hàng cách quản lý rủi ro thông qua hoạt động tư vấn của công ty InFocuz- một trong số các công ty hiện tại của tôi. Năm 2007, tại cuộc họp với IFM/WB, tôi nhận được lời mời làm cho CEO cho HDBank. Và khi thời cơ đến, tôi đã chính thức quay trở lại lĩnh vực sở trường của mình.

Vài năm gần đây, khái niệm CEO đang phổ biến hơn, rất nhiều người đang nhắc đến từ CEO hàng ngày nhưng thực sự vai trò của CEO là gì không phải ai cũng rõ, gọi họ là thế hệ doanh nhân mới có đúng không, thưa ông?

Đúng nhưng không đủ. Tất nhiên, một CEO phải xuất thân từ một vị trí doanh nhân, quản lý trong một doanh nghiệp nào đó.

Nhưng chỉ thế thôi thì ai cũng là CEO được. Nói cụ thể hơn thì trên quốc tế, người ta chỉ quan tâm đến một nhóm nhỏ những người có tiếng nói đặc biệt của một số tập đoàn có khả năng tác động quan trọng nhất đến nền kinh tế. Đó thực sự là những CEO có vai trò và tiếng nói không chỉ ảnh hưởng đến tập đoàn của mình nữa mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Chẳng hạn, ở Việt nam, khi nhắc đến các vấn đề thị trường, người ta sẽ nghe xem, ở lĩnh vực cà phê thì ông David Thái (*) nói gì, lĩnh vực bảo hiểm chị Lâm nói gì, ở Hoàng Anh Gia Lai thì anh Đoàn Nguyên Đức nói sao, hay FPT thì ông Tương Gia Bình nói gì, ở ngành ngân hàng, ông Vinh Techcombank nói gì hay Hải ACB nói sao, và ở tài chính tiền tệ ông Hoàng (là tôi) nói cái gì. Trong tương lai, tôi hy vọng cả lĩnh vực mầm non người ta cũng sẽ nghe xem ông Hoàng nói gì (Cười).

Vai trò của một CEO rất lớn, tên tuổi của ông trong lĩnh vực này cũng đã được tôn trọng, vậy ông sẽ thể hiện vai trò của mình ở một công ty quản lý quỹ mới đi vào hoạt động như thế nào khi nó phải đối đầu với hàng loạt các công ty, tập đoàn có trước rất hùng mạnh?

Chúng tôi biết rất rõ vị trí Quỹ của mình trong cuộc chơi. Chúng tôi mới hoạt động hơn sáu tháng và đang quản lý khoảng 10 triệu USD trong khi có nhiều Quỹ khác của trong nước và nước ngoài đang hoạt động trước, quản lý tới cả trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ USD. Nhưng tôi có sự lạc quan của mình. Họ hoạt động trước nên họ đang mắc phải những vấn đề khó khăn riêng và không dễ để xử lý còn chúng tôi không hề có "bệnh" đó vì thành lập sau.

Về cá nhân, trước hết, tôi phải sử dụng đến sở trường của mình trong lĩnh vực ngân hàng, tức là phải tìm cho ra cách để đầu tư trúng nhất, đem lại lợi ích cao nhất. Nhưng điều này lại không dễ. Bạn cũng biết, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ vốn nhiều rủi ro với tất cả các nhà đầu tư chứ không bao giờ là dễ dàng. Vì thế, quan điểm của tôi là tôi phải làm sao để bảo toàn vốn (tức là không để lỗ, không để hụt) và trên cơ sở đó, phải làm sao cho sinh sôi lợi nhuận ở mức tốt nhất.

Muốn thế, bài toán là phải quản lý từ các khoản đầu tư để sao cho, nếu có khoản nào bị sụt giảm thì cũng sụt giảm ở mức thấp nhất so với thị trường còn khoản nào thu lợi thì cố gắng thu lợi cao nhất. Từ tổng thể các gói đầu tư sẽ phải đảm bảo sao cho, mức lợi nhuận cao nhất so với mặt bằng thị trường mà tôi dùng một khái niệm cá nhân là "vượt thắng thị trường".

Trong lĩnh vực này, có lẽ Việt Nam, chưa có ai có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Tôi có hơn mười chín năm làm việc ở nước ngoài và trong nước, tôi đã trải qua tới 5 cuộc khủng hoảng và suy thoái. Đó là kinh nghiệm không sách vở nào dạy được.

Tôi muốn bảo vệ thị trường tài chính Việt Nam

CEO Hoàng D.Quân

Sở hữu các công ty:

Công ty InFocuz và hệ thống trường mầm non Sunrise Kidz Kindergarten.

Công ty A.I Capital (Tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) & Vietnam Yunior Baskebball League ( Hội bóng rổ thiếu nhi).

Ông đã làm việc tại:

Quỹ đầu tư mạo hiểm Millburn, Mỹ

Ngân hàng Indosuez Corporate Banking, Pháp.

Trưởng bộ phận thị trường toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, Anh

Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), Việt Nam

Ông đã từng học:

Bằng cử nhân tại City University of New York, Mỹ

Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại St.John"s University, Mỹ

Chương trình chuyên viên cao cấp tại INSEAD tại Fontainebleau, Pháp

Nhưng con đường của ông có lẽ không dễ dàng nhất là với những đối thủ nặng ký là các quỹ đầu tư của nước ngoài với số vốn khổng lồ và kinh nghiệm cũng không ít. Người ta đã nói nhiều đến sự giật dây hay thao túng thị trường chứng khoán vài năm vừa rồi của họ?

Tôi cho rằng thị trường nào cũng có sự giật dây và thao túng. Ở nước nào cũng vậy thôi, vấn đề là có thừa nhận hoặc có nắm rõ là ai đang giật dây thị trường hay không. Khi một quỹ đầu tư nước ngoài với số vốn lên đến vài tỷ, thậm chí vài chục, vài trăm tỷ USD chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, chắc chắn họ phải thuyết phục được các nhà đầu tư của họ, những người gửi tiền cho họ rằng, Việt Nam sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông... tức là họ sẽ kiểm tra lợi nhuận rất cao.

Lợi nhuận bất thường đó ở đâu ra vậy, nếu không phải là chi phối và tìm cách khống chế, giật dây thị trường. Tuy tổng số giao dịch của thị trường trong nước đã tăng nhanh lên con số nhiều chục ngàn tỷ USD nhưng vẫn không khó để những quỹ đó thao túng. Bởi thị trường của ta không chuyên nghiệp, dàn trải trên đa số các nhà đầu tư nghiệp dư và bầy đàn. Càng bầy đàn mà càng nghiệp dư thì càng là miếng bánh béo bở cho những bàn tay phù thủy trong thị trường này điều khiển thông qua những chiêu thức của họ.

Vậy ông làm gì để "thắng" lại những ông lớn như thế trong kinh doanh cũng như thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam giao tiền cho Quỹ của mình?

Điều này không khó. Xuất phát từ tư thế kinh doanh của chúng tôi khác họ, vì chúng tôi là Quỹ trong nước, sống hay chết đều dựa vào sự lớn mạnh của thị trường này, chúng tôi không thể chụp giật, phù phép để lôi kéo các nhà đầu tư bầy đàn đi theo, rồi chốt hạ và ù té ra khỏi thị trường này được. Họ có thể chốt hạ bất cứ lúc nào và ra khỏi thị trường sau khi đã vơ vét lớn, chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài xong và họ hết trách nhiệm!

Bài học gần nhất là Hàn Quốc, khi nước này bị rơi vào cơn bão tài chính năm 1997, một quỹ nọ đến từ quốc tế đã bung ra hơn một tỷ USD để mua lại một ngân hàng quốc doanh, sau vài năm thay đổi cơ cấu ngân hàng này cũng nhiều thủ thuật thổi cổ phiếu của ngân hàng lên rất cao thì quỹ này chốt hạ, bán lại ngân hàng đó với mức hời trên ba tỷ USD, lại được chính sách ưu đãi thuế nên không phải đóng thuế, rồi họ ra đi.

Chỉ những người sở hữu cổ phiếu của ngân hàng đó là thiệt. Cái vố đau này khiến cho một số quan chức đã từng ký quyết định "bán rẻ" nó hôm nay có nguy cơ đối mặt với lệnh khởi tố của chính phủ.

Chúng tôi thì ý thức rất rõ, thị trường tài chính ở nước cũng là miếng bánh của chúng tôi, của nhiều quý khác nữa. Nếu chúng tôi để họ vơ vét và rút ruột thị trường rồi ra đi thì chúng tôi còn gì để tồn tại. Cho nên, quan điểm của tôi là phải bảo vệ bằng được thị trường tiền tệ của nước ta. Nó phải sống và phát triển thì chúng tôi mới mạnh lên được.

Ông nghĩ sao về tiềm lực của mình, làm sao chống lại được họ?

Trước hết, chúng tôi phải làm tốt công việc của chính mình là đầu tư đúng, đem lại hiệu quả cao nhất để khách hàng tin tưởng, từ đó, họ và những người khác sẽ rót thêm tiền vào quỹ cho chúng tôi và chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn bây giờ.

Hơn nữa, chúng tôi có lợi thế từ sự liên minh của ba thành viên là Thăng Long Invest, Hadico Finance và Công ty Chứng khoán Meritz của Hàn Quốc nên có sở trường, kinh nghiệm trên các thị trường chứng khoán, bất động sản, chúng tôi lại không có những khó khăn như các quỹ đi trước, từ đó, mục tiêu của chúng tôi là trong vòng ba năm sẽ vươn lên, trở thành một trong năm quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam. Ở vị trí đó, chúng tôi sẽ làm được nhiều việc hơn, kể cả việc đối phó với những trò rút ruột thị trường tiền tệ cũng như bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thị trường này.

Mặt khác, chúng tôi không đơn độc khi muốn bảo vệ sự lành mạnh của thị trường tiền tệ Việt Nam. Dần dần, các nhà quản lý quỹ khác cũng phải dựa vào thị trường này để sinh tồn cũng sẽ hiểu ra và cùng một hành động như chúng tôi thôi.

Xin ông một câu hỏi cuối, trong 20 năm nữa, lĩnh vực giáo dục hay ngân hàng mà ông đầu tư sẽ trở nên quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông?

(Cười)... Suy nghĩ. 20 năm nữa, giáo dục sẽ trở thành lĩnh vực có tên tuổi, nổi tiếng hơn cả trong xã hội, còn ngân hàng sẽ là lĩnh vực giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn cả.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này!

Theo Hoàng Đình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.