Tin vắn kinh tế tài chính thế giới 23/12

Hai ngày trước Giáng sinh, kinh tế Mỹ lạc quan với thông tin về thị trường nhà đất và lao động. Cùng lúc đó, kế hoạch đi nghỉ lễ của hàng nghìn người Tây Ban Nha bị hủy bỏ khi một hàng hãng không tuyên bố phá sản.

Doanh thu bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 11 tăng lên mức cao nhất suốt 3 năm vừa qua, do những người mua lần đầu tranh thủ mua trước khi các ưu đãi về giá và tín dụng của chính phủ kết thúc.

Trong tháng 11, người Mỹ đã mua 6,54 triệu căn, tăng 7,4% so với tháng trước đó, và vượt quá dự báo của các chuyên gia. Trước đó, một nhóm 69 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng thị trường nhà đất tháng 11 sẽ chỉ đạt 6,25 triệu căn nhà.

Thị trường nhà đất được cổ vũ nhờ những nỗ lực của chính phủ và Cục Dự trữ liên bang. Việc người mua nhà chi nhều hơn, lượng nhà tồn giảm đi sẽ giúp kích thích việc xây nhà mới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới phát triển trong năm 2010.

Tuy nhiên, một báo cáo khác đưa ra cùng ngày cho biết trong quý 3/2009, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự kiến, chỉ đạt 2,2%. Trong khi trước đó, giới phân tích hồ hởi nghĩ đến con số 2,8%. Những thông tin trái chiều đưa ra trong ngày khiến chỉ số S&P 500 tăng điểm và chứng khoán kho bạc chính phủ giảm điểm.

Trong tháng 11, việc sa thải nhân công hàng loạt đã giảm xuống mức thấp nhất suốt 16 tháng qua, theo số liệu chính phủ Mỹ công bố hôm thứ ba. Bộ Lao động Mỹ cho biết số vụ sa thải hàng loạt trong tháng 11 giảm xuống còn 330 vụ, so với 1.797 vụ hồi tháng 10. Trong 330 vụ sa thải này, có 165.346 lao động bị đuổi việc, thấp nhất kể từ tháng 7/2008. Một vụ sa thải được định nghĩa là hàng loạt khi chủ lao động sa thải ít nhất 50 người.

Các chuyên gia nhận định thị trường lao động đang có những dấu hiệu phục hồi. Hồi tháng trước, số lượng nhân công mất việc xuống mức thấp nhất kể từ đầu cuộc suy thoái, giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 10,2 xuống còn 10%.

Dollar Mỹ tiếp tục đà tăng so với các loại tiền tệ chủ chốt, nhờ các thông tin lạc quan của thị trường Mỹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 3, USD tăng 0,1% điểm so với euro. Hiện mỗi euro xuống chỉ còn tương đương với 1,4225 USD, xuống mức thấp nhất suốt 3 tháng rưỡi, do những lo ngại về nợ nần của Hy Lạp. So với đồng yen, USD tăng lên mức cao nhất suốt 2 tháng qua. Mỗi USD hiện tương đương 91,79 yen, tăng 0,7% so với mức 91,86 yen trong ngày.

Trong phiên họp ngày hôm qua tại Luanda, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cảnh báo thị trường dầu có thể phục hồi chậm. Các thành viên đến từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh bày tỏ lo lắng về viễn cảnh kinh tế phục hồi yếu sẽ đe dọa nhu cầu sử dụng nhiên liệu. "Mặc dù giá tài sản và tỷ lệ tăng trưởng GDP tại một số nơi trên thế giới đã bắt đầu đi lên. tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắn chắn về tốc độ và độ ổn định của đà phục hồi toàn cầu", đại diện từ Mỹ Latinh nhận định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng dầu mỏ Ảrập Xêút Ali al-Naimi, một trong những tiếng nói có trọng lượng nhất trong khối, cho rằng việc giá dầu duy trì quanh 75 USD một thùng như hiện này là "hoàn hảo". Cuộc họp ngày thứ 3 dánh dấu gần tròn một năm thị trường dầu thô bắt dầu hồi phục. Cho đến nay, giá hầu như gấp đôi so với 12 tháng trước, nhờ vào các biện pháp cắt giảm sản lượng khai thác của các nước thành viên OPEC. Giá dầu giảm nhẹ sau phiên họp của OPEC, mất 32 cent xuống còn 73,40 USD một thùng.

Chính phủ Hy Lạp thở phào nhẹ nhõm và thị trường chứng khoán nước này tăng điểm mạnh mẽ sau khi đánh giá của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody không quá tồi tệ như họ từng lo ngại. Trong báo cáo hôm qua, Moody hạ tín nhiệm nợ của Hy Lạp xuống một mức, từ A1 xuống A2. Tổ chức này tỏ ra nhẹ tay hơn các tổ chức đánh giá tín nhiệm khác. Trước đó, Fitch và S&P hạ mức đánh giá tín nhiệm của Hy Lạp từ A- xuống chỉ còn BBB-. Chỉ số chứng khoán tại Athens tăng tới 4% điểm trong phiên giao dịch chiều thứ ba. Áp lực dồn lên trái phiếu chính phủ cũng được tháo gỡ.

Thời gian gần đây, các thành viên khác trong EU hùa nhau chỉ trích chính phủ Hy Lạp về chính sách tài chính kém cỏi. Sau vụ vỡ nợ ở Dubai, người ta lo ngại rằng Hy Lạp cũng sắp chịu chung số phận với khoản nợ lên tới 430 tỷ USD.

Mặc dù vậy, trong tuyên bố hôm qua, Moody tin tưởng vào lời hứa của chính phủ Hy Lạp về những hành động kiên quyết, dự báo tăng trưởng GDP năm nay của nước này sẽ đạt 12,7%. Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ giảm thâm hụt xuống khỏi mức 9,1%, cao gấp 3 lần so với ngưỡng an toàn 3,0% mà cộng đồng sử dụng đồng tiền chung châu Âu đặt ra.

Thứ ba, hãng hàng không Tây Ban Nha Air Comet tuyên bố họ sẽ ngừng bay do các khó khăn tài chính, nợ nần. Thứ 6 tuần trước, một tòa án thương mại ở London cho phép Ngân hàng Nord Bank của Đức thực hiện quá trình tịch thu tài sản đối với hãng hàng không để xiết nợ.

Air Comet, do cơ quan du lịch Tây Ban Nha sở hữu, đang nợ Ngân hàng Nord Bank 17 triệu euro, tương đương với 24 triệu USD và nợ lương nhân công khoảng 7 triệu euro. Hãng hàng không này đã nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản và cũng đang xin phép chính phủ Tây Ban Nha cho sa thải toàn bộ 700 nhân công.

Hãng này chủ yếu tập trung đường bay đến các nước Mỹ Latinh. Trước đây, mỗi ngày hãng Air Comet thực hiện 13 chuyến ba, chuyên chở 1.500 hành khách từ Madrid đi các thành phố Bogota, Buenos Aires, Havana, Lima, Quito và Guayaquil ở Nam Mỹ.

Sau tuyên bố hôm qua, hàng trăm khách hàng đã tụ tập trước phòng vé của Air Comet tại sân bay Barajas ở thủ đô Madrid để đòi lại tiền. Nhiều người trong số họ đã phải hoãn hoặc hủy các chuyến du lịch, thăm người thân trong dịp lễ Giáng Sinh.

Theo Thanh Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.