Xử lý nghiêm nạn xe nước ngoài "giấy tờ giả, biển giả"

Theo Nghị định thư giữa Lào - Việt Nam, ôtô của 2 nước được phép lưu hành trên lãnh thổ của nhau với thời gian tối đa là 30 ngày.

Nhưng nhiều năm qua, có hàng nghìn xe ôtô mang biển Lào vào Việt Nam đã quá hạn tạm nhập nhưng không tái xuất, sau đó sử dụng biển số giả, làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hóa thành ôtô Việt Nam. Hải quan các địa phương đã điều tra, khám phá, tịch thu sung công quỹ hàng chục chiếc xe biển Lào gian lận vào trong nước kiểu trên.

Xe ôtô biển Lào, Campuchia ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam theo hình thức tạm nhập và thực tế có nhiều xe đã không tái xuất theo quy định mà biến tướng bằng hình thức mua bán trao tay đang là bài toán nan giải đối với cơ quan chức năng.

Gần đây, một biện pháp được coi là mạnh tay đã được Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện: Tiến hành truy thu và xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế, thậm chí nếu chủ nhân nào không tuân thủ sẽ cưỡng chế và tịch thu xe; nếu quá trình điều tra, phát hiện có dấu hiệu đường dây mua bán, hợp thức hóa giấy tờ để xe nhập lậu được lưu thông trên đường, CQĐT sẽ khởi tố vụ án, bị can.

Biết tôi vừa thi lấy giấy phép lái xe, một anh bạn rỉ tai, có muốn mua xe xịn, đẹp thời trang như: Mercedes, Toyota, Mishubisi… còn mới mà giá rẻ bất ngờ chỉ khoảng trên dưới 10.000 USD. Nghe bùi tai, tôi gật đầu đồng ý nhờ anh bạn chỉ dẫn đường đi nước bước.

Thế nhưng, mới chỉ nghe anh bạn vẽ ra con đường mua xe rẻ, tôi đã thấy chùn bước. Đó là chuyện mua xe biển Lào, Campuchia đã lưu hành ở Việt Nam theo con đường tạm nhập nhưng chưa tái xuất, mua bán trao tay. Anh bạn còn mách nước, chỉ cần tháo BKS xe nước ngoài, lắp BKS xe đang lưu hành ở Việt Nam là có thể lướt êm trên phố bằng xe xịn, giá rẻ.

Tìm hiểu con đường mua bán xe biển nước ngoài trao tay, tôi mới giật mình thấy rằng, có rất nhiều cách thức liều lĩnh đang được người sử dụng xe thực hiện mà nếu không có sự điều tra của cơ quan chức năng thì sự việc khó bị phát giác.

Chúng tôi được biết, vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận bộ hồ sơ, tang vật vụ việc xe ôtô mang nhãn hiệu Honda - Accord sản xuất tại nước ngoài không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc do Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bàn giao. Vụ việc này cũng rất hy hữu, do chiếc xe Honda - Accord, số khung THGCG6651XA162059, số máy F23A4- 2065298, BKS 31A-0194 tự gây tai nạn trước cửa số nhà 29 phố Đinh Tiên Hoàng và bị Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội tạm giữ.

Theo tài liệu xác minh của Công an quận Hoàn Kiếm thì BKS 31A-0194 là biển số được cơ quan CSGT cấp cho xe Nissan, đơn vị sử dụng là một cơ quan bộ. Tại Công an quận Hoàn Kiếm, chủ sở hữu chiếc xe trên là ông Nguyễn Danh Lợi, ở Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khai nhận mua chiếc xe trên của ông Vũ Duy Long, ở 264 đường Giải Phóng, TP Nam Định.

Ông Lợi xuất trình được đăng ký xe do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cấp ngày 27/7/2007 cho ông ViêngNam ĐuôngPhăChan, biển số chữ Lào 1001; tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập-tái xuất ngày 8/7/2008 mang tên người tạm nhập là Vũ Duy Long và các giấy tờ, bản dịch thể hiện việc mua bán xe tại Lào của ông Long, tạm nhập qua cửa khẩu Cha Lo và bán lại cho anh Lợi với giá 10 nghìn USD. Đến khi bị tạm giữ, chiếc xe này đã quá hạn tái xuất một thời gian dài.

Không lâu sau đó, lại 1 chiếc ôtô Honda-CRV BKS 80B-1212 đỗ dưới lòng đường bị Công an quận Hoàn Kiếm và Đội CSGT số 1 kiểm tra. Ông Nguyễn Xuân Thà (người điều khiển) đã không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc. Qua kết quả giám định của Cục CSGT thì số khung, số máy của chiếc xe không có trong bộ số liệu đăng ký xe toàn quốc từ tháng 4/1996 đến nay và BKS trên là biển số được cấp cho chiếc xe ôtô nhãn hiệu AUDI do TAND tối cao sử dụng.

Sau một thời gian điều tra, cơ quan điều tra đã xác định được chiếc xe trên là của ông Nguyễn Văn Liên, trú ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nhập khẩu trái phép từ Lào vào Việt Nam. Liên quan đến các thủ đoạn gian lận xe biển nước ngoài trên, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã phát hiện ông Uông Trường Giang, người sở hữu 2 xe ôtô mang nhãn hiệu Toyota Lexus và Toyota Landcruiser không có nguồn gốc.

Theo ông Giang khai báo thì ông mua 2 chiếc ôtô trên của một người Lào ở một quán café tại Nghệ An và không biết tên, xe không có giấy tờ. Để hợp thức hóa 2 chiếc xe trên, ông Giang đã lấy BKS từ 1 chiếc ôtô của gia đình lắp vào và một chiếc nữa thì mua lại của người khác. Trước đó Công an Hà Nội cũng đã lập hồ sơ xử lý một số trường hợp xe ôtô biển Lào mua bán trao tay.

Theo Nghị định thư giữa Lào - Việt Nam, ôtô của 2 nước được phép lưu hành trên lãnh thổ của nhau với thời gian tối đa là 30 ngày. Nhưng nhiều năm qua, có hàng nghìn xe ôtô mang biển Lào vào Việt Nam đã quá hạn tạm nhập nhưng không tái xuất, sau đó sử dụng biển số giả, làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hóa thành ôtô Việt Nam.

Hải quan các địa phương đã điều tra, khám phá, tịch thu sung công quỹ hàng chục chiếc xe biển Lào gian lận vào trong nước kiểu trên. Bốn chiếc ôtô xuất xứ từ Lào mua bán trao tay như kể trên đều đã bị Tổng cục Hải quan xử phạt VPHC về hải quan ngoài lĩnh vực thuế, cụ thể xử phạt mỗi trường hợp 10 triệu đồng và tịch thu sung công quỹ toàn bộ tang vật.

Mua xe NN trao tay hay dùng mọi thủ thuật để trốn thuế, đeo biển giả đều để lại hậu quả thiệt hại nặng nề cho người sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật. Muốn giải quyết được tình trạng này, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh, kiểm tra chặt chẽ. Trách nhiệm đó thuộc về ngành Hải quan với sự phối hợp của lực lượng tuần tra kiểm soát CSGT toàn quốc.

Theo Trần Hằng - A.Hiếu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.