Những chiêu thức hiệu quả để hiểu được con

Không ít ông bố bà mẹ tỏ ra mệt mỏi trước những diễn biến tâm lý, tính cách phức tạp của con qua từng giai đoạn phát triển.

Việc dạy con chưa bao giờ là dễ dàng. Có lẽ những người làm bố làm mẹ ít nhất cũng một lần từng thốt lên mệt mỏi với chuyện dạy con, không hiểu nổi con. Khi con còn bé, cha mẹ phải đối mặt với khủng hoảng tuổi lên 3, lớn lên một chút thì tâm sinh lý khó hiểu của tuổi mới lớn.

Làm thế nào để hiểu được những hành vi, diễn biến tâm lý của con, hiểu được con muốn gì, cần gì là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Bởi chỉ có thấu hiểu con, cha mẹ mới có được những phương pháp giáo dục con hiệu quả.

Tintuconline chia sẻ những cách thức nhằm “hiểu con” sau đây:

>>Không hiểu con, bạn sẽ trở thành những ông bố bà mẹ "thất bại"?

Đặt mình vào địa vị của con

Vì những áp lực, mệt nhọc trong cuộc sống, bố mẹ đôi khi sẵn sàng cho mình cái quyền nổi khùng lên với con vì những lý do rất nhỏ nhặt: con vô tình làm vỡ cái bát, con chưa tắm, con nô đùa ồn ào…. Đối với người lớn đó có thể là những điều hết sức bình thường, nhưng ở trẻ nhỏ, chuyện đó lặp lại nhiều lần lâu ngày sẽ gây tổn thương con, nảy sinh sự nghi ngờ tự ti.

Vì vậy, mỗi cha mẹ hãy “lắng” lại, đặt mình vào vị trí của con để hiểu cảm giác của các bé trước mỗi hành động của mình. Trẻ thơ chưa thể hiểu chuyện và cẩn thận được như người lớn, vậy nên phụ huynh cũng cần nhìn nhận các con ở mức độ trẻ nhỏ.

Trẻ thơ chưa thể hiểu chuyện và cẩn thận được như người lớn

Đừng quá kỳ vọng vào trẻ

Sinh con ra, cha mẹ nào cũng nỗ lực dành cho con những điều tốt đẹp nhất, từ đó mong muốn con phải thế này thế kia xứng đáng với những gì được “đầu tư”. Đừng mắc sai lầm. Con người không ai hoàn hảo cả, con bạn cũng vậy. Bạn đừng quá kỳ vọng ở trẻ để rồi buồn bực vì con chưa được như thế.

Nếu bạn tỏ ra thất vọng hay chán nản mỗi khi trẻ mắc lỗi, sai quấy…trẻ sẽ mất dần đi sự tự tin của chính mình. Chẳng hạn, bạn nhờ trẻ lau chỗ nước bẩn và trẻ lau chưa sạch, bạn lấy giẻ lau lại. Điều này sẽ khiến trẻ tự ái, tự ti và trở nên ngại giao tiếp với bạn.

Hãy lắng nghe và thường xuyên trò chuyện cùng con

Nhiều người phàn nàn là con cái không chịu mở lòng với mình, thế nhưng, trước đó họ đã từng thực sự lắng nghe con chưa?

Trong một cuốn sách nuôi dạy con kiểu Nhật, tác giả cho rằng: Chỉ cần chăm chú lắng nghe con bạn nói, bạn cũng đã truyền đạt đến con thông điệp: “Con vô cùng quan trọng với bố/mẹ”.

Sự khác biết của trẻ khi bố: Gật gù, lắng nghe - Lặng thinh, không gật gù

Cha mẹ có thể khơi gợi chuyện bằng cách tích cực thể hiện thái độ chăm chú nghe con nói. Đơn giản mà hiệu quả nhất là khi vừa nghe chuyện vừa đệm thêm những câu: thế à, thế cơ à và tỏ ý đồng tình. Vì khi người nghe gật gù đồng tình, người nói sẽ dễ dàng truyền đạt nội dung câu chuyện mình cần nói hơn.

Trò chuyện với trẻ cũng là một cách quan trọng để lấy được thông tin và thấu hiểu trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng, vấn đề của trẻ cũng là của bạn.

Mỗi khi trẻ nói với bạn, mặc dù bạn đang làm việc gì thì cũng nên ngừng lại và lắng nghe trẻ nói, đừng làm gián đoạn hay thúc giục trẻ hoặc tỏ ra bạn đã từng nghe chuyện này rồi. Điều quan trọng nữa người lớn nên nhớ là thời gian cha mẹ nói không được dài hơn thời gian con nói, đừng bắt con là người phải lắng nghe bạn khi con đang cần được nói.

Tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của con qua “sách vở”

Hiện nay trên internet, sách báo rất sẵn có những thông tin về nuôi dạy con, bạn chỉ cần bỏ ra chút thời gian để google những từ khóa như: tâm lý lứa tuổi, cách dạy con, dạy con ngoan, dạy trẻ tự lập…. sẽ có rất nhiều thông tin bổ ích để tham khảo và áp dụng với con em mình.

Kiến thức về sự phát triển của trẻ có thể giúp phụ huynh chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo của trẻ. Hiểu con trẻ và sự phát triển của con trẻ rất quan trọng trong việc đưa ra các kỳ vọng và giới hạn thực tế đối với con trẻ.

Người lớn vẫn thường xuyên mắc lỗi để cảm xúc điều khiển bản thân khi giao tiếp với con

Kiểm soát cảm xúc bản thân

Kiềm chế cảm xúc khi dạy con rất quan trọng nhưng người lớn vẫn thường xuyên mắc lỗi để cảm xúc điều khiển bản thân khi giao tiếp với con.

Trước hết, cha mẹ phải biết kết nối cảm xúc với con cái bằng cách bỏ qua một bên công việc, những mệt mỏi và nỗi giận dữ của mình. Chúng ta cần phải tỉnh táo xem xét tình huống. Chẳng hạn, khi một đứa trẻ gào khóc nghĩa là chúng đang cần bố mẹ vỗ về, an ủi, yêu thương cho đến khi cơn giận dữ của chúng qua đi chứ không phải để bố mẹ quát mắng thêm…

Hãy mạnh dạn bỏ qua những việc bạn muốn làm nhưng không thật sự cần thiết để dành thật nhiều thời gian ở bên con, tìm hiểu con, từ đó thấu hiểu con và dạy con hiệu quả.

 V.K (tổng hợp)/Theo VietNamNet

Bạn nghĩ sao về những cách thức bài viết đưa ra? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline bằng cách gửi mail tới địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.