Mũi lệch, môi sưng, cằm vón cục vì bơm chất làm đầy

Những hình ảnh các cô gái với đôi môi sưng tấy, mũi lệch, cằm lệch, có cục cứng ở cằm, mũi... vì thẩm mỹ được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều chị có ý định đi “tút tát” nhan sắc giật mình.

Những hình ảnh các cô gái với đôi môi sưng tấy, mũi lệch, cằm lệch, có cục cứng ở cằm, mũi... vì thẩm mỹ được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều chị có ý định đi “tút tát” nhan sắc giật mình. Theo các chuyên gia, nguy cơ đó là có thực, nếu gặp phải hàng lởm.

Lồi lõm trên da vì bơm filler làm đẹp

Hình ảnh mũi lệch, cằm xuất hiện cục lạ sau khi bơm chất làm đầy với mục đích làm đẹp của chị em. Ảnh: facebook
Hình ảnh mũi lệch, cằm xuất hiện cục lạ sau khi bơm chất làm đầy với mục đích làm đẹp của chị em. Ảnh: facebook

Theo lời chia sẻ từ một facebook trên mạng xã hội, hình ảnh này là hậu quả của việc các cô gái đi bơm môi, bơm cằm, nâng mũi làm đẹp tại một spa ở Hà Nội. Đây là một spa nổi tiếng với công nghệ tiêm filler (chất làm đầy) với mục đích nâng mũi, độn cằm, bơm môi nhanh gọn, không đau, không cần phẫu thuật.  Spa này cũng đảm bảo chỉ sau vài ngày bơm Filler thì vùng tiêm hết sưng, mềm ra, tự nhiên như thật. Tuy nhiên, những hình ảnh đăng tải là môi sưng phồng, cằm lệch, mũi vón cục... khiến nhiều người nghi ngờ chất bơm đầy này là hàng lởm.

Theo chia sẻ của người tố cáo spa dùng thuốc lởm: "Spa cam kết với chị thuốc tiêm là thuốc nhập chuẩn, hàng chính hãng nên chị đã tin tưởng, hết lời ca ngợi, giới thiệu bạn bè đến làm đẹp. Tuy nhiên, thực tế nhiều người khi đi tiêm về mặt sưng, nổi cục".

Một nạn nhân của phương pháp bơm chất làm đầy đã chia sẻ, cô cũng rơi vào tình cảnh chỗ lồi chỗ lõm vùng mũi. “Mình tiêm được 3 ngày rồi, lồi lõm. Không tiêm thì thôi tiêm vào như con điên”, chị T.Huyền bức xúc.

Một bạn gái khác nên T.H khi nghe quảng cáo đã cùng em gái đi tiêm chất làm đầy vào đầu mũi. Đến giờ, đã qua gần 1 năm tiêm chất làm đầy, thỉnh thoảng tự dưng cái mũi lại sưng đỏ khi hỏi nơi làm thì được giải thích... do cơ địa. “Không chỉ thỉnh thoảng sưng tấy, giờ mình sờ vào mũi còn thấy 2 cục cứng nhắc 2 bên”, chị H nói.

Nhiều cô gái là những nạn nhân khi được tiêm filler đang khốn khổ, khóc không nổi, cười không xong bởi khuôn mặt biến dạng, mũi lệch, cằm nổi cục... khiến họ không dám đi học, đi làm như bình thường.

Và để khắc phục tình trạng này, họ lại phải chi một khoản không nhỏ cho việc tiêm chất tan hàng chính hãng, để làm tan đi những cục, sưng, tấy mà chính họ cũng đã bỏ tiền ra để mua vào.

Cẩn thận bơm nhầm “keo da trâu”

Khi nhìn những bức ảnh được đăng tải trên facebook và thông tin về chất làm đầy mà mọi người chia sẻ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa  phuật tạo hình thẩm mỹ, BV Việt Nam - Cu Ba cho biết, trong thẩm mỹ, filler là một chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng.

“Mục đích sử dụng filler là khi đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da, chất làm đầy này sẽ thẩm thấu hút nước phồng lên tăng thể tích, từ đó làm căng bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp. Khi bơm vào môi làm môi căng mọng nước. Vì thế, trong thẩm mỹ, filler được sử dụng hợp pháp để làm đẹp như nâng mũi, căng ra mặt, bơm môi...

Tuy nhiên, khi sử dụng chất làm đầy tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín, tại bệnh viện,các chất này phải có nguồn gốc rõ ràng, được công bố chất lượng, được cấp phép lưu hành.

Tuy nhiên, BS Thái cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nỗi không rõ nguồn gốc. Vì thế, điều lo ngại nhất là người dùng có thể bị tiêm phải sản phẩm chất làm đầy trôi nổi không rõ chất lượng. Trên thị trường tồn tại nhiều loại collagen kém chất lượng, collagen làm từ da trâu (còn gọi là keo da trâu) khi dùng có thể gây những hậu họa cả về sức khỏe và thẩm mỹ.

“Khi có một chất lạ như filler vào cơ thể, dù là hàng tốt cũng có thể gây phản ứng, do đó có thể gây các sự cố không mong muốn như dị ứng, viêm. Còn với hàng trôi nổi, keo da trâu khi đưa vào cơ thể, ngay dưới da, chúng có thể nhanh chóng đông cứng và vón cục, gây tình trạng xuất hiện những cục cứng lạ dưới da sau tiêm chất làm đầy. Hay như silicon lỏng cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hại vì khi vào cơ thể sẽ đóng cục tại chỗ, chúng cũng lan đến nhiều nơi trên cơ thể gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Chất này rất khó lấy hết và dễ gây viêm nhiễm”, BS Thái nói.

Bên cạnh đó việc tiêm các chất làm đầy không đảm bảo chất lượng, trôi nổi, làm không đảm bảo vệ sinh có thể gây bội nhiễm nhiễm trùng vùng tiêm.

Vì thế, BS Thái khuyến cáo, chị em nếu muốn làm đẹp, “tút tát” nhan sắc hãy lựa chọn các cơ sở uy tín để đảm bảo chất làm đầy cũng như các chất khác dùng trong thẩm mỹ phải là hàng tốt, được phép lưu hành và sử dụng, để tránh bị đánh tráo filler tốt bằng silicon lỏng, bằng collagen làm từ da trâu.

Hơn nữa trong kỹ thuật tiêm chất làm đầy này cũng cần đúng liều lượng, độ nông - sâu dưới da tùy vùng da và đồng đều để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, đạt được độ căng, phẳng về mặt da, tránh bị nổi sần... Ngoài ra chị em cũng lưu ý, thường sau khoảng 12 tháng tiêm chất làm đầy,  chất này lại đào thải ra ngoài và phải tiêm lại nếu muốn duy trì kết quả thẩm mỹ.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.