Sạch mụn khỏe da

Mụn trứng cá, nghe đến đây không ít chị em rùng mình. Căn bệnh này làm cho nhiều người mất ăn mất ngủ không chỉ cái sự "xấu xí" mà còn khiến nhiều người lo lắng về khoảng thời gian điều trị dài dằng dặc mà không phải lúc nào cũng có hiệu quả.

Đối với một số người, mụn trứng cá thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn dậy thì. Đôi khi, những cái mụn đáng ghét này tiếp tục xuất hiện khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Nhưng với một số người khác, những cái mụn này xuất hiện dai dẳng, kéo dài dù bạn đã bước qua tuổi 25. Thậm chí, đến khi bạn bước vào tuổi 40, chúng vẫn là nỗi ám ảnh thường trực.

Tổn thương kéo dài

Chị L.P, phóng viên của một báo chuyên về sức khỏe kể, cách đây 2 năm, chị "khổ sở" vì những cái mụn trứng cá. Dù đã bước qua tuổi 35 nhưng những đám mụn vẫn xuất hiện. Ban đầu là những cồi mụn nhỏ đầu trắng, sau đó là những cồi mụn đỏ, xuất hiện thành từng đám quanh vùng mũi, hai bên má và cả dưới cằm và cổ. Đi khám nhiều nơi, dùng các loại thuốc bôi, thốc uống. Đông Tây y kết hợp mà vẫn không khỏi. Mà càng nặn, các cồi mụn càng mọc lên to hơn. Chị đã gần như "đầu hàng" trước các nốt mụn đáng ghét này. "Một lần đi họp báo, tôi được bác sĩ Nguyễn Đức Hinh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW tư vấn sử dụng loại thuốc nội tiết tố để điều trị mụn. Khoảng 5 tháng sau, các đốm mụn giảm dần và cứ thế biến mất", chị cười rất tươi.

Cùng ở trường hợp của chị L.P, chị M.H còn mất nhiều năm điều trị bệnh hơn. Chị bảo, bệnh của chị khỏi do một sự bất ngờ. Bắt đầu từ tuổi 26, trên mặt chị Mai Hà đã xuất hiện những đám mụn đỏ, mọc thành từng mảng lớn, tập trung nhiều nhất là vùng mũi và hai bên má. Đi khám, bác sĩ bảo đó là mụn đầu đỏ và kê các loại thuốc bôi nhưng không đỡ. Tái khám, bác sĩ kê thêm thuốc uống nhưng vẫn không khỏi. Trong 4 năm, chị Hà đi hết các phòng khám, trung tâm y tế, bệnh viện để tìm phương pháp điều trị. Một lần, khi đến Bệnh viện Phụ sản TW để được tư vấn tránh thai, chị mới được điều trị khỏi bệnh. Chị kể, "Hôm đấy bác sĩ tư vấn cho tôi cách tránh thai bằng thuốc rồi còn cho biết thêm là loại thuốc tránh thai kết hợp này có khả năng điều trị mụn trứng cá. Sau một thời gian dùng thuốc, các đám mụn trứng cá đã giảm dần. Tôi đã mừng và rất hi vọng. Trong thời gian mới uống thuốc, tôi luôn cảm thấy đau đầu, buồn nôn và có vẻ hơi tăng cân. Gọi điện cho bác sĩ, tôi được biết đó là tác dụng phụ của thuốc. Và đúng là sau 3 chu kỳ, những triệu chứng này biến mất. Sau 5 tháng, độ nhờn của da giảm bớt, các nốt mụn mới không xuất hiện nữa. Mặt tôi đã bắt đầu thay đổi, các nốt mụn lặn dần rồi cứ thế mà mất hẳn. Bây giờ bạn thấy đấy, tôi không còn dấu hiệu của mụn". Nhưng chị M.H cũng nói thêm, thời gian điều trị lâu và cần có sự kiên trì của người bệnh.

Liệu pháp nội tiết tố

Theo PGS.TS. Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội da liễu Việt Nam, mụn trứng cá là một trong những bệnh về da thường gặp ở hơn 80% dân số, cả trẻ em và người lớn đều có thể bị mụn trứng cá. Bệnh thường xảy ra vào giai đoạn tuổi dậy thì. Thế nhưng, phụ nữ trưởng thành cũng có thể bị mụn trứng cá và tỉ lệ ngày càng tăng. Loại mụn trứng cá này được gọi là mụn trứng cá do nội tiết. Một số yếu tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của mụn là sự nhạy cảm quá mức của tuyến bã nhờn trên da đối với nội tiết tố nam androgen trong cơ thể. Androgen gây tăng quá mức sự tiết bã nhờn. Khi tuyến bã sản xuất quá nhiều chất nhờn nhưng không thoát ra khỏi lỗ nang lông do sự sừng hóa cổ nang lông, đồng thời có hiện tượng viêm do vi khuẩn P.acnes gây nên mụn trứng cá. Tình trạng mịn trứng cá thay đổi liên tục theo thời gian, nên liệu pháp điều trị nó cũng cần phải được điều chỉnh theo từng cá thể người bệnh và tình trạng bệnh.

Theo PGS Hiển, cách điều trị mụn trứng cá là tác động vào nguyên nhân gây bệnh. Trong các trường hợp mụn có nguyên nhân từ sự tăng tiết quá mức bã nhờn do nội tiết tố nam androgen, các bác sỹ da liễu sẽ sử dụng thuốc viên nội tiết điều trị mụn có tính kháng androgen cao. Ví dụ như loại thuốc Diane 35 với thành phần Cyproteron Acetate, gọi tắt CPA. Sau khi dùng thuốc, nội tiết tố oestrogen trong thuốc sẽ ức chế buồng trứng sản xuất androgen, đồng thời tăng sản xuất SHBG (sex hormone binding globudin) - globudin kết dính với androgen. Chất CPA trong thuốc sẽ chặn tác động của nội tiết tố androgen lên tuyến bã nhờn của da, nhờ vậy da sẽ sản xuất ít bã nhờn hơn, giảm sự hình thành các đốm mới. Sau một thời gian, da sẽ hết nhờn và mụn sẽ không còn nữa.

Theo PGS Nguyễn Đức Hinh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW, liệu pháp nội tiết tố trong điều trị mụn trứng cá đã được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu, châu Mỹ và cho những hiệu quả rõ rệt. Tại Việt Nam, một thử nghiệm liệu pháp nội tiết tố trên 450 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 40 bị mụn trứng cá tại Hà Nội và TP.HCM. Kết quả cho thấy, sau từ 3 - 6 tháng hầu hết bệnh nhân có những biến chuyển tốt. Các nốt mụn lặn dần rồi mất hẳn mà không để lại sẹo hay bất cứ ảnh hưởng nào lên da. Những tổn thương mụn do viêm cũng giảm hẳn (khoảng 70%). Cũng theo PGS Nguyễn Đức Hinh, việc điều trị mụn trứng cá đòi hỏi có sự phối hợp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Người bệnh phải kiên trì điều trị, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng nhạy cảm da mà chọn loại thuốc cho phù hợp. Thời gian điều trị được tính bằng tháng chứ không phải bằng ngày. Sau đợt tấn công hết mụn, cần điều trị duy trì, nếu không mụn sẽ tái phát. Việc giữ vệ sinh da tốt và có chế độ ăn hợp lý sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị.

Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này cũng để lại một số tác dụng phụ đối với người bệnh. Đó là buồn nôn, cảm giác căng ngực, tăng cân, nhức đầu... Những triệu chứng này sẽ được cải thiện từ 2 - 3 chu kỳ. Có một số tác dụng phụ mà các bác sĩ công nhận đó là khiến âm đạo khô, làm giảm ham muốn với các chị em. Ngoài ra, những bệnh nhân tim mạch, những bệnh nhân ung thư vú, xuất huyết tử cung chưa chẩn đoán, bệnh gan, đau nửa đầu nặng... không nên sử dụng liệu pháp nội tiết tố, trừ khi sử dụng theo đơn của bác sĩ. Hơn thế nữa, theo PGS Hiển, người bị mụn trứng cá không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Thông thường, thuốc nội tiết tố hay còn gọi là thuốc tránh thai kết hợp có thể sử dụng cho phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi sinh sản (có hoặc chưa có con), có nhu cầu trị mụn và da nhờn, ngừa thai, điều hòa chu kì kinh nguyệt, giảm hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, do tâm lý, nhiều người đã ngại ngần khi sử dụng thuốc do sợ không thể sinh con sau khi dùng thuốc hay có nguy cơ bị ung thư. Những thử nghiệm trên thế giới đã chứng minh ngược lại điều này. Việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp có thể làm được 40% nguy cơ u vú lành tính, u sợi tuyến vú, 49% nguy cơ u nang buồng trứng, 17% nguy cơ u xơ tử cung (dùng trên 5 năm), 50% nguy cơ nhiễm trùng vùng chậu, 50% rong kinh, 50% nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, 40% nguy cơ vô sinh nguyên phát.

Theo Hiên Vân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.