Tiêm trắng da: Trào lưu và sự thật
Hiện nay, trào lưu tiêm huyết thanh làm trắng da đang trở thành cơn sốt làm đẹp với một số chị em phụ nữ. Nhưng liệu tiêm trắng da có thực sực an toàn, mang lại hiệu quả như mong muốn?
Tiêm trắng da – xu thế làm đẹp hiện nay
Da trắng như tuyết, môi đỏ như son – những thước đo về vẻ đẹp hình thể người phụ nữ được hình thành từ xa xưa và đến nay quan niệm đó vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn. Để có làn da trắng nõn, nhiều chị em đã không tiếc tiền của, thời gian, công sức tìm đến “quái chiêu” làm đẹp: tiêm trắng da nhằm biến làn da ngăm đen của mình thành màu trắng sứ không tì vết.
Đắp mặt nạ vàng, mặt nạ kim cương, mặt nạ ngọc trai… được quảng cáo rộng rãi trên internet cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều người mê làm đẹp. Hơn nữa, đắp mặt nạ thì chỉ đắp được ở một khoảng diện tích nhỏ trên cơ thể, không ai rảnh đến mức đắp toàn thân. Thế nên, người ta bắt đầu nâng cấp da bằng cách… tiêm thuốc làm trắng da. Rộ theo phong trào, nhiều chị em cũng tìm đường ra nước ngoài để biến da đen thành trắng. Vậy, tiêm trắng da là gì và phương pháp này có thực sự mang lại hiệu quả như quảng cáo?
Tiêm trắng da là gì?
Da là lớp bên ngoài, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại của môi trường và cũng là một cơ quan bài tiết, đào thải độc tố bên trong cơ thể. Da có cấu tạo gồm ba lớp: thượng bì, trung bì, hạ bì. Lớp trong cùng là nơi sản xuất ra Melanin, có vai trò ngăn chặn tia cực tím gây hại cho cơ thể.
Tiêm trắng da là biện pháp truyền trực tiếp một số chất cần thiết như vitamin, khoáng chất hay các loại dược phẩm vào máu hoặc dưới da nhằm ức chế và triệt tiêu Melanin. Lúc đó, làn da giảm dần lượng hắc sắc tố và chuyển dần sang màu trắng.
Tiêm trắng da có thực sự mang lại hiệu quả?
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh. Bổ sung vitamin C được tiến hành theo nhiều cách như bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, sử dụng viên sủi, viên nén hoặc tiêm trực tiếp vào máu hoặc dưới da.
Một ưu điểm của biện pháp tiêm vitamin C định kỳ là tăng cường khả năng hấp thu, chuyển hóa vào da, hạn chế quá trình oxy hóa thành tố Tyrosinase, sản sinh hắc sắc tố Melanin mang lại vẻ trắng sáng cho làn da.
Tuy nhiên, vitamin C hay bất kỳ một loại dược phẩm nào cũng chỉ có tác dụng ức chế sản sinh Melanin trong một giai đoạn nhất định. Vì vậy, hiệu quả làm trắng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và cần tiến hành thường xuyên.
Tiêm thuốc hay vitamin, mặc dù mang lại hiệu quả làm trắng cho da nhưng lại tiềm tàng nhiều nguy cơ gây hại. Khi các loại thuốc hay vitamin được tiêm vào mạch máu hay dưới da đều dẫn đến những phản ứng nhất định cho cơ thể. Việc sử dụng thuốc hay vitamin C bừa bãi, không có sự chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến nguy cơ gây sốc, dị ứng, phồng rộp da và có thể dẫn đến đột quỵ.
Việc lạm dụng các dược phẩm tiêm trắng da sẽ dẫn đến nhiều tác hại như: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nóng rát dạ dày, gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu.
Riêng việc tiêm huyết thanh vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch đã khiến cho không ít người phải nhập viện do lầm tưởng đây là loại chất siêu sạch và có thể đưa vào cơ thể bằng bất cứ con đường nào và có thể tự tiêm ở nhà.
Lời khuyên của chuyên gia
Hiện nay, không ít trung tâm thẩm mỹ, spa rêu rao về các loại huyết thanh có tác dụng triệt tiêu hắc sắc tố Melanin. Hàng ngàn sản phẩm huyết thanh làm trắng được bày bán công khai, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã gây không ít khó khăn cho người sử dụng.
Melanin có tác dụng chống lại các tia UV gây hại, hạn chế nguy cơ mắc ung thư da. Nhiều loại huyết thanh được bày bán có chứa thành phần gây hại, lột tẩy quá mức khiến vai trò ngăn chặn tác động tia UV của Melanin bị triệt tiêu, làm tăng nguy cơ dị ứng và ung thư da.
Vì vậy, việc tiêm huyết thanh làm trắng cần được thăm khám kỹ càng và có sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ. Cần tìm hiểu rõ ràng thành phần, nguồn gốc xuất xứ cùng hạn sử dụng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.