Chuyện buồn quan chức về hưu đi làm thêm

Phần lớn đều không thiếu tiền nhưng họ ngày ngày vẫn đi làm để tuổi già không quên việc. Tuy nhiên, đôi khi họ không ngờ vì nặng tình với công việc mà lại rơi vào tình cảnh đáng tiếc.

Phần lớn đều không thiếu tiền nhưng họ ngày ngày vẫn đi làm để tuổi già không quên việc. Tuy nhiên, đôi khi họ không ngờ vì nặng tình với công việc mà lại rơi vào tình cảnh đáng tiếc.

Chuyện quan chức về hưu vẫn ngày ngày đi làm là chuyện không mới trên thế giới và cũng chẳng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Ở Anh, người ta biết tới ông Tony Blair với danh hiệu diễn giả đắt giá nhất hành tinh sau khi ông rời chức Thủ tướng. Hay như Bill Clinton trở thành diễn giả ăn khách khi không còn làm Tổng thống Mỹ.

Tại Việt Nam, xu hướng các lãnh đạo về hưu đi làm thêm bắt đầu từ vài năm trước với những tên tuổi lớn tham gia vào các doanh nghiệp như nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank; cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm được bầu vào HĐQT DongA Bank.

Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) là một nơi rất trọng dụng trí tuệ và kinh nghiệm của các cán bộ lão thành. Từ tháng 11 năm ngoái, nhà băng này thành lập hẳn Tổ nghiên cứu Kinh tế vĩ mô do nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy làm tổ trưởng, với nhiệm vụ lập báo cáo định kỳ về kinh tế vĩ mô của Việt Nam; đề xuất những vấn đề cần quan tâm cho Ban lãnh đạo ACB; và chuẩn bị những đề xuất để Ban lãnh đạo ACB đóng góp với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế lớn, cũng như các chính sách thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Từng kinh qua nhiều trọng trách trong Chính phủ, ngay khi về hưu ông Trần Xuân Giá tham gia cố vấn, rồi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, phụ trách Ủy ban Nhân sự, Hội đồng Xử lý rủi ro của ACB. Trong HĐQT ACB còn có sự tham gia của ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ), nguyên Trưởng Đoàn đàm phán WTO. Ông vừa được bầu là Phó chủ tịch HĐQT sau câu chuyện buồn liên quan tới nguyên Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Một quan chức nguyên là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng các tập đoàn lớn, doanh nghiệp chào đón quan chức về hưu vì muốn tận dụng mối quan hệ của các VIP. "Doanh nghiệp rất khoái quan chức về hưu vì người đó vừa có kiến thức, vừa am hiểu luật pháp, vừa có sẵn những quan hệ có thể giúp đỡ họ trong việc sản xuất kinh doanh. Các quan chức đặc biệt là những người nắm chắc luật pháp, các chính sách nên họ tư vấn cho doanh nghiệp rất tốt", vị này nói thêm.

Tâm sự với VnExpress, nhiều quan chức cho biết "đi làm không phải vì tiền, vì địa vị". Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm - người đang làm thành viên HĐQT DongA Bank và là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho biết ông đi làm để không quên những kiến thức và được học hỏi từ chính những người trẻ.

Còn chuyên gia Phạm Chi Lan thì tỏ ra rất hài lòng và mãn nguyện với những công việc của mình sau khi về hưu. Sau khi nghỉ chế độ từ năm 2003, bà làm thành viên cố vấn Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong 3 năm. Bà Lan nói về công việc của mình với niềm tự hào: "Ban nghiên cứu đã xác định thu nhập không thành vấn đề bởi chúng tôi đã có lương hưu rồi và còn có phần bồi dưỡng rất là nhỏ của Thủ tướng hỗ trợ thêm. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã làm việc với nhau rất ăn ý và đóng góp được nhiều".

Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB - Trần Xuân Giá - cũng là một trường hợp tham công tiếc việc khi về hưu. Câu chuyện xảy ra mới đây khiến người ta tiếc và thương cho ông. Trước khi về hưu, ông là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế, xã hội và hành chính. Công thành, danh toại, gia đình hạnh phúc, được nể trọng về cả tâm lẫn tài, ông không thiếu gì trước khi đến với ACB.

Một lãnh đạo cấp cao của ACB nhận xét cái tội nghiệp của ông Giá là ham công việc ngay cả khi mắc bệnh hiểm nghèo. Có người khuyên nghỉ để chăm lo cho sức khỏe, ông nói: "Không suy nghĩ thì tôi không thể sống được. Tôi không làm việc thì coi như chết rồi". Lần phẫu thuật ung thư trước, cứ vừa ra viện là ông lại tới thẳng ngân hàng làm việc không cần nghỉ ngơi".
Ông Trần Xuân Giá. Ảnh: TT.

Bà Phạm Chi Lan, người từng có thời gian làm việc cùng tại Ban cố vấn cho Thủ tướng, buồn khi biết tin ông bị khởi tố : "Khi nghe chuyện, tôi cảm thấy rất buồn và tiếc cho chú Giá. Chú vẫn tâm sự là chỉ muốn đóng góp cho doanh nghiệp để có trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, ACB trước nay vẫn được đánh giá là một ngân hàng quản trị tốt. Tôi nghĩ là cũng phải có những đóng góp của ông Giá, ACB mới được như vậy".
Khác những cán bộ lão thành khác, chỉ giữ vai trò tham mưu, cố vấn chiến lược, ông lên làm Chủ tịch HĐQT, chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của ACB khi ngân hàng này thiết lập mô hình Hội đồng sáng lập - gồm những người chủ thực sự của nhà băng.

Từ sự việc của ông Trần Xuân Giá, câu chuyện lựa chọn "bến đỗ" nào an toàn nhất cho những năm tháng hưu trí cũng khiến nhiều quan chức trăn trở. Nhắc đến sự việc đáng tiếc của ông Trần Xuân Giá tại ACB, nhiều lãnh đạo đã không khỏi xót xa và đau lòng cho người bạn đáng kính. Tâm sự với VnExpress.net, một vị quan chức từng đảm nhận vị trí cấp Bộ trưởng trước đây cho rằng: "Việc của anh Giá như là một tai nạn đáng tiếc cuối đời". Mặc dù rất ủng hộ chuyện các quan chức về hưu tiếp tục tham gia công tác nhưng vị cựu Bộ trưởng cho rằng, cần phải lựa chọn kỹ "bến đỗ" để không làm ảnh hưởng uy tín của chính mình.

Ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ việc chọn làm cố vấn cho DongA Bank là một quyết định "vừa phải" và "an toàn". Vị nguyên Thống đốc cho hay, ngay sau khi nghỉ hưu, ông nhận được những lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp, ngân hàng quy mô lớn hơn rất nhiều nhưng ông đều lắc đầu. "Ngân hàng Đông Á chưa phải là ngân hàng lớn nhưng họ làm ăn chiến lược lâu dài, ổn định. Tôi cần lựa chọn một phương án nào an toàn để đảm bảo những đóng góp của mình sẽ được họ tiếp thu, đồng thời, tránh trường hợp ảnh hưởng tới uy tín của bản thân sau này", ông Kiêm lý giải.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng khó để biết nơi nào là an toàn, nơi nào rủi ro, nhưng theo bà, các quan chức cần lựa chọn nơi nào phát huy trước hết về năng lực, trí tuệ. "Không ít nơi họ mời quan chức cũ, quan chức cao cấp để lấy vị thế chính trị, lấy mối quan hệ chứ không phải vì trí tuệ. Vì vậy, nên xem mục đích người ta lôi kéo mình về làm gì?", bà Chi Lan chia sẻ.

Tháng 6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. Nghị định này chia 4 nhóm bị khống chế thời gian từ lúc về hưu đến khi tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, nhóm một gồm các công chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thương mại; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực này không được kinh doanh trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng. Các nhóm còn lại bị khống chế thời gian 6-18 tháng.

Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 9 vừa qua, khi được hỏi về quan điểm cá nhân về chuyện quan chức nghỉ hưu đi làm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: "Tôi nghĩ Bộ trưởng hay ai trước hết cũng là một công dân. Tôi cũng nghe thông tin nhiều nước, quan chức đi làm sau khi về hưu. Tôi tâm niệm đó là chuyện bình thường, quan trọng là phải làm sao để các quan chức thấy nhẹ nhàng, hôm nay làm quan chức thì ngày mai về có thể làm những việc khác có ích cho xã hội. Làm việc nào phụ thuộc vào sở trường, sở thích của mỗi người, miễn là phải tuân thủ pháp luật".

Theo Vnexpress


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.