Hợp tác với 'đại gia': Coi chừng bị lừa

Nhìn từ các vụ án liên quan đến đại gia vi phạm pháp luật cho thấy, trong khi không ít đại gia vì lòng tham vô lối, coi thường pháp luật để làm giàu bất chính mà trở thành tội phạm là điều dễ hiểu.

Nhìn từ các vụ án liên quan đến đại gia vi phạm pháp luật cho thấy, trong khi không ít đại gia vì lòng tham vô lối, coi thường pháp luật để làm giàu bất chính mà trở thành tội phạm là điều dễ hiểu.

Sau vụ ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nhân vật nổi tiếng và giàu có bị bắt vì liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, người ta mới giật mình nhìn lại và thấy rằng, đã có rất nhiều nhân vật từng là đại gia luôn tận dụng cái mác của mình để làm giàu bằng hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả của sự giàu có bất chính của một số đại gia là con đường đến với nhà tù, nơi mà họ phải cần rất nhiều thời gian để tu dưỡng và sửa chữa những lỗi lầm mà họ đã mắc phải.

Ông Lê Hồng Bàng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam được biết đến như một doanh nhân thành đạt trong giới bất động sản ở Hà Nội. Không ai biết ông Bàng có bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng, trong giới bất động sản mỗi khi nhắc tới tên ông Lê Hồng Bàng thì mọi người đều thấy nể về cách làm ăn rất "trúng" của ông. Lẽ ra, ông Bàng cứ phát triển kinh tế và thương hiệu theo cái cách tự nhiên đã làm được thì tốt biết mấy.

Nhưng tiếc rằng, chỉ vì không chịu kiềm chế lòng tham nên ông Bàng đã gây ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cái giá mà ông Bàng phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật là bản án tù chung thân. Kết quả điều tra thể hiện, ông Bàng cùng với hai đồng phạm tự tạo dựng và mạo nhận là chủ đầu tư 4 dự án xây dựng nhà ở có quy mô lớn tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Đỗ Thị Liên tại phiên xử.

Thực tế thì 4 dự án này đều chưa hình thành, chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch và cũng không có quyết định giao đất làm dự án xây dựng nhà ở. Nhưng để thực hiện mục đích kiếm tiền bất chính, ông Bàng và đồng phạm đã tự ý thuê thiết kế dự án và rao bán nhà dưới hình thức "hợp đồng vay vốn" để đăng ký mua căn hộ. Trong thời gian 4 tháng, ông Bàng và các đồng phạm đã thu và chiếm đoạt của hàng trăm người dân với số tiền trên 346 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, nguyên chủ Doanh nghiệp tư nhân Phương Dung (Khánh Hòa) vừa bị phạt 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi gây ra vụ án này, bà Dung đang sở hữu nhiều khách sạn, hàng chục bất động sản ở Khánh Hòa, 10 xe hơi loại sang và nhiều tài sản có giá trị khác. Cách đây 6 năm, người dân ở tỉnh Khánh Hòa mỗi khi nhắc tới tên bà Dung đều nể phục về cách làm ăn trong thời kinh tế thị trường.

Sở hữu nhiều tài sản có giá trị, thế nên bà Dung rất thuận lợi trong việc kêu gọi hợp tác làm ăn. Để mở rộng kinh doanh, bà Dung vay tiền của nhiều tổ chức và cá nhân để tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tiền kêu gọi hợp tác được nhiều, nhưng chẳng hiểu bà Dung kinh doanh những gì mà sau đó doanh nghiệp của bà thua lỗ triền miên.

Không có khả năng trả nợ và bị ngân hàng phát mãi tài sản, bà Dung đã "đánh" vào lòng tham của người dân khi đặt vấn đề vay tiền với lãi suất cao. Khi vay, bà Dung nói dối là đang làm dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng hoặc đầu tư bất động sản. Sau khi cầm được số tiền rất lớn từ người dân, bà Dung đã bỏ trốn khỏi địa phương và một thời gian sau thì bị bắt giữ.

Một đại gia khác là ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông. Với việc dùng nhiều thủ đoạn nhằm chiếm giữ trên 50% cổ phiếu của Công ty Dược phẩm Hà Tây để trở thành đại cổ đông, ông Dũng vừa bị TAND TP Hà Nội xử phạt 4 năm tù về tội thao túng giá chứng khoán.

Để giữ và nâng giá cổ phiếu, ông Dũng trực tiếp mở hoặc mượn tư cách pháp nhân của một số tổ chức kinh tế, cá nhân mở tài khoản giao dịch tại nhiều công ty chứng khoán. Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, để tạo giá trị ảo cho cổ phiếu DVD nhằm thu hút nhà đầu tư, ông Dũng cùng một số người đã thâu tóm, sáp nhập một số công ty dược phẩm, trong đó có Công ty DHT.

Lê Hồng Bàng, Lê Văn Dũng tại phiên xử.

 Sau khi nắm giữ được nhiều cổ phiếu của DHT, ông Dũng đã thực hiện nhiều lần mua đi bán lại cổ phiếu DHT với khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao so với khối lượng giao dịch toàn thị trường mua. Trong 106 phiên giao dịch có 160 lần khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm mua với tổng số tiền là hơn 186 tỷ đồng để thanh toán mua cổ phiếu DHT. Hành vi của ông Dũng và đồng phạm được xác định là vi phạm pháp luật nhằm hưởng lợi bất chính.

Bà Đỗ Thị Liên, 46 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dược phẩm Nhật Tân, người tự nhận là đại gia cũng vừa bị TAND Hà Nội xử phạt án tù chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng mác Giám đốc công ty, bà Liên liên hệ với nhiều người để vay tiền đầu tư độc quyền kinh doanh tân dược nhập khẩu. Hàng chục người dân do tin tưởng bà giám đốc công ty dược nên đã cho vay tiền.

Trong số này, người nhiều nhất là 6,6 tỷ đồng, người cho vay ít cũng tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, có hai chi nhánh ngân hàng cũng cho bà Liên vay hơn 10 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, bà Liên không trả được cả gốc và lãi như đã cam kết. Sự vụ vỡ lở, bên cho vay mới biết, việc nhập khẩu tân dược số lượng lớn chỉ là thủ đoạn của bà Liên nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Cơ quan điều tra xác định, bà Liên đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 60 tỷ đồng.

Ngày 26/9, một người cũng được coi là đại gia trong lĩnh vực bất động sản của Hà Nội là ông Trần Ứng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VLXD-XNK Hồng Hà (Hà Nội) đã bị cơ quan Công an bắt để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, công ty của ông Thanh đã chào bán bất hợp pháp khu căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng của người dân. Sự vụ đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.

Nhìn từ các vụ án liên quan đến đại gia vi phạm pháp luật như trên cho thấy, trong khi không ít đại gia vì lòng tham vô lối, coi thường pháp luật để làm giàu bất chính mà trở thành tội phạm là điều dễ hiểu. Nhưng điều đáng nói nữa là nhiều người dân vì quá tin tưởng khi hợp tác với đại gia mà quên mất việc tìm hiểu kỹ về người mà họ trao tiền khi hợp tác làm ăn.

Hậu quả cuối cùng mà người dân phải chịu là thiệt hại lớn về kinh tế là điều chúng tôi muốn nói. Mong rằng, bài học từ các vụ án liên quan tới việc hợp tác làm ăn với đại gia như đã nêu trên sẽ giúp mỗi người nêu cao tinh thần cảnh giác.

Theo CAND



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.