Thử thách niềm tin doanh nhân

Những tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn từ bất ổn nội tại của nền kinh tế trong nước… khiến cho DN lao đao, điêu đứng. Thực tế này được dự báo còn kéo dài…

Những tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn từ bất ổn nội tại của nền kinh tế trong nước… khiến cho DN lao đao, điêu đứng. Thực tế này được dự báo còn kéo dài… Đây là một thử thách lớn đối với các doanh nhân. Và để vượt qua giai đoạn này, các doanh nhân luôn phải vững niềm tin.

Doanh nhân trong thời biến động

Các năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng khắp nơi, châu Âu rung lắc với các khủng hoảng nợ quốc gia từ Hy Lạp tới Tây Ban Nha mà các thành viên EU trụ cột như Đức, Pháp cũng phải chịu ảnh hưởng. Nước Mỹ cũng chịu nạn suy giảm và thất nghiệp kéo dài. Nhật Bản và Trung Quốc thì tương tác, kèn cựa nhau, vừa phải nương tựa nhau vừa phải tranh chấp nhau cả về kinh tế lẫn vấn đề biển đảo.

Kinh tế Việt Nam thì rơi vào tình thế vừa có tăng trưởng xuất khẩu ở một số lĩnh vực như dệt may, nông sản... vừa bị đông cứng hay chảy chậm trong lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế là tài chính - ngân hàng - chứng khoán, lại bị đóng băng hoặc suy giảm nghiêm trọng hẳn trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng làm các ngành vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng... cũng chung cảnh "đi nhẹ, nói khẽ và thở oxy" hay vận động, kêu cứu khắp nơi !

Các chính sách vĩ mô được ban hành nhằm chống lạm phát (?) đã đẩy lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với DN tăng cao quá mức chịu đựng. Hiện tượng các doanh nghiệp liên tục kêu cứu, đăng ký ngưng hoạt động, phá sản với số lượng tăng nhiều ở mức đáng lo ngại nghiêm trọng, phản ánh tình hình khó khăn với viễn cảnh còn kéo dài.

Bên cạnh việc tìm hiểu, nghiên cứu các nguyên nhân sâu xa thuộc về chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước ban hành, tính đúng sai, hay dở, tác động thế nào đến DN, các doanh nhân phải chủ động đối phó với các thay đổi, các tác động lợi hại tới đời sống DN mình hay chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, cam chịu.

Nền kinh tế từ 2008 đến nay đã trải qua 5 năm biến động và đầy khó khăn. Nếu có một quy luật có tính chu kỳ, chu trình phát triển và suy giảm của tăng trưởng kinh tế, lạm phát, kể cà chu kỳ sống và chết của mọi sản phẩm và dịch vụ, thì theo lẽ đời thường có giảm sẽ có thời đi lên như thị trường xuống tới đáy sẽ bật dậy.

Chu kỳ suy giảm có thể kéo dải hơn 5 năm, thậm chí tới 7 hoặc 10 năm khó khăn trong những ngày tháng tới. Do đó, một chu kỳ kinh tế khó khăn kéo dài hơn cho tới năm 2015, thậm chí 2018 là điều có thể đang diễn ra.

Nói cách khác, nếu nền kinh tế vượt qua được các khó khăn hiện tại thì phải mất 3 - 5 năm nữa, với các chỉ dấu kinh tế - chính trị - xã hội không dễ dàng như hiện tại.

Kinh nghiệm đã xảy đến với nhiều quốc gia khác đều có sự tác động hồi phục tương tự mất nhiều năm khi mà thị trường bất động sản và chứng khoán lên quá nhanh và sụp đổ nặng ngay sau đó.

Hợp tác để sống còn

Các yếu tố tác động tới "tinh thần doanh nghiệp" và niềm tin của các nhà đầu tư đang chịu thử thách lớn, do vậy, cần có một sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ trong tinh thần và cách thức lãnh đạo (leadership) của việc ban hành các chính sách kinh tế và các chính sách liên quan đến động viên doanh nghiệp và tinh thần doanh nghiệp. Đây rõ ràng là trách nhiệm của các nhà điều hành kinh tế vĩ mô.

Về phía doanh nghiệp thì việc tái cấu trúc đã bắt buộc diễn ra dù muốn hay không, nếu không muốn chỉ nằm im chờ chết. Khái niệm mới về thị trường kinh doanh ở Việt Nam cần ra đời vì đây là "một thị trường đang chuyển đổi", một thị trường chưa có mô hình mẫu nào để dẫn dắt, chưa có tiền lệ trên thế giới.

Điều này dễ thấy khi ta thử quan sát, so sánh mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mỗi người chúng ta sẽ phải tự rút ra các bài học kinh nghiệm riêng về các mô hình phát triển kinh tế.

Trong "nguy" luôn có "cơ", vậy mỗi DN phải tự tìm ra cho mình một lối đi riêng biệt. Thời kỳ "ăn xổi" có còn kéo dài? Không thể ồ ạt chạy theo các xu thế đầu tư chung của đám đông như đầu tư bất động sản, cổ phiếu hay cho vay tài chính nặng lãi lẫn nhau để kiếm lời nữa.

Tích cực cắt giảm các loại chi phí doanh nghiệp theo trình tự ưu tiên nào đó. Tìm cơ hội ở các sản phẩm có vòng quay vốn nhanh hơn, vốn đầu tư thấp, tỉ suất lợi nhuận cao.

Ngồi lại với các đối tác thân thiết để vạch ra kế hoạch hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, thích ứng trong bối cảnh "một thị trường kiểu Việt Nam" với các chính sách đang thay đổi nhanh, biến động lớn.

Tìm kiếm các thị trường mới, khách hàng mới, đi xa hơn, chấp nhận vất vả khó khăn hơn trước, chấp nhận tỉ suất lợi nhuận trong từng thương vụ giảm xuống để cạnh tranh.

Xây dựng các kênh thông tin liên lạc, tìm hiểu xu thế thị trường, xu thế ban hành chính sách của các nhà điều hành kinh tế vĩ mô, cẩn trọng hơn trong mọi quyết định đầu tư mới.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với các cảm xúc và tinh thần trong bối cảnh mới. Làm doanh nghiệp để tìm kiếm giá trị hiệu quả, thêm giá trị gia tăng, vun đắp các lợi ích cộng đồng và xã hội, chứ không hẳn cứ chăm chú vào một mục tiêu duy nhất là "lợi nhuận".

Cảm xúc con người trong mỗi doanh nhân sẽ là cứu cánh cho mỗi con người doanh nhân giữa nhiều khốn khó. Luôn nuôi dưỡng các cảm xúc người và lòng nhiệt thành với con người và cuộc sống quanh ta, để thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa hơn các giá trị thuần vật chất.

Câu nói cũ, sau cơn mưa thì trời lại sáng, và rồi chim én sẽ lại bay cao, rũ bỏ các nỗi vất vả đời thường, đón chào một ngày mai nắng ấm với bầu trời trong xanh sẽ tươi đẹp hơn.

Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.