Cung trầm hay tiếng tơ lòng?

20 năm chắt chiu được tám ca khúc với những vui buồn trong đời, ca sĩ Quang Lý vừa giới thiệu đĩa nhạc Cung trầm, như tiếng tơ lòng của một người nghệ sĩ đã gắn bó với nghiệp cầm ca.

Không nhớ chính xác thời điểm sáng tác ca khúc đầu tiên, nhưng Quang Lý khẳng định chắc chắn rằng, để có tám ca khúc: Xin cảm ơn, Biển ước mơ và em, Dòng sông đêm, Ngày em đi xa, Mẹ ơi, con nhớ mẹ, Có bao giờ phôi phai, Phố đêm và Sài Gòn chiều cuối năm, anh đã phải mất đến 20 năm. Anh nói: "Thực tình, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ sáng tác, và đến bây giờ, khi đĩa nhạc đã ra mắt công chúng, tôi vẫn nghĩ đơn giản, đó là những tâm tình mà tôi muốn chia sẻ cùng công chúng yêu thương mình, đồng hành cùng mình trong suốt hai thập kỷ ca hát. Tôi chỉ ghi lại những niềm vui, nỗi buồn, những cảm xúc bất chợt về cuộc đời, con người trên những nẻo đường đời".

Cung trầm cho người nghe cảm giác như đang nhìn thấy một người nhặt nhạnh những hạt vụn ký ức, để dệt nên tấm thảm nhớ thương: có những niềm vui rưng rưng, có những nỗi buồn trong trẻo và cả nỗi luyến tiếc vì vô tình đánh rơi những gì đẹp nhất của một thời nông nổi...

Không có ca khúc nào mang tên Cung trầm nhưng đĩa nhạc lại được đặt tên chung như thế. Quang Lý giải thích: "Anh bạn tôi sau khi nghe hết tám ca khúc, đã chọn giúp cái tên này. Khi nghe tên đó, tôi rất hạnh phúc vì quả thật, tôi nghĩ, không có cái tên nào hay hơn... Bởi tôi cũng chỉ muốn làm một cung trầm trong bản hòa ca của cuộc đời mà thôi".

Giai điệu chính của tám ca khúc trong Cung trầm là trầm buồn. Phần hòa âm của các nhạc sĩ Hoài Sa, Việt Anh, Vĩnh Tâm... tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Cung trầm. Đó là những bản hòa âm lãng mạn dịu dàng, phù hợp với giọng hát của ca sĩ, lẫn phần lời thâm trầm và giàu chất thơ.

Không khó để thấy tình cảm của Quang Lý với mảnh đất Sài Gòn đã cưu mang anh suốt từ năm 1983 đến nay. Sài Gòn hiện lên trong ca khúc của Quang Lý thật dịu dàng và lãng mạn: "Sài Gòn chiều cuối năm sao bình yên đến thế, những con đường góc phố hẹn hò... bầu trời cao xanh biếc, như màu mắt em xanh, hoa mai vàng nhà bên thấp thoáng bóng em cười, sao mà nhớ mà thương...". Tác giả kể: "Tôi viết Sài Gòn chiều cuối năm vào một chiều trước giao thừa năm 2007. Khi những người bán hoa Tết đã dọn sạch, công viên 23 tháng 9 chỉ còn lại cây xanh, đường phố trống và vắng lạ lùng. Tôi đi dạo trong công viên rồi đi bộ một quãng dài trên phố. Tự nhiên, thấy Sài Gòn thật đẹp, thật lãng mạn, gợi bao nhung nhớ, yêu thương. Không còn một Sài Gòn ồn ào huyên náo nữa mà là một Sài Gòn tĩnh lặng, đầy chiều sâu, chất chứa những nỗi niềm". Chính vì yêu sự bao dung của vùng đất Sài thành, nơi Quang Lý đã lập nghiệp ca hát và khẳng định tên tuổi, anh còn viết ca khúc Phố đêm, một bản tình ca tuyệt đẹp: "Một lần về qua phố cũ, vẫn cây đèn vàng mờ sương, cô đơn đứng đợi chờ..., tiếng cười râm ran phố đêm, một lần về qua nơi ấy, bỗng lòng thấy xốn xang...".

Theo Mai Vi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.