"Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn nếu ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống ấy" - lời răn Thiên Chúa dường như đã ứng nghiệm với tôi.
Mẹ ung thư hai lần đánh cược với tử thần để sinh con
Tôi là Nguyễn Thị Yên, mẹ của bé Bống 6 tuổi và Tôm 7 tháng tuổi, đã từng là một bệnh nhân ung thư. Hai chữ "đã từng" buông ra bây giờ nhẹ nhàng là vậy, nhưng hồi tháng 7/2013, khi tôi đang mang thai bé Bống được 5 tháng, hay tin mình mắc ung thư vòm họng, bệnh đã ở giai đoạn cuối, đó là một cú sốc lớn với tôi và cả gia đình.
Bác sĩ tiên liệu tôi chỉ còn sống thêm được 2 tháng, và sẽ bị mù nếu không điều trị. Mà muốn chữa bệnh, tôi phải bỏ con đi. Thú thật, đã chẳng có một sự đấu tranh tâm lý nào diễn ra. Tôi nói luôn với chồng và chị gái rằng, tôi sẽ không chọn lựa phương án nào mà trong đó con tôi phải chết cả.
Nếu chỉ còn sống được 2 tháng, tôi sẽ ở bên con 2 tháng, khi đó thai nhi cũng 7 tháng rồi, sinh non vẫn sống được. Nếu tôi trụ được lâu hơn, bé sẽ có cơ hội sống cao hơn. Nếu sinh xong mà tôi mất, con tôi vẫn có mặt ở thế gian, mọi người sẽ nhìn thấy bóng dáng tôi trong hình hài bé bỏng ấy, chứ không phải là những mảnh vụn xương thịt bị cắt bỏ, mãi mãi không thấy ánh mặt trời.
Những ngày sau đó là những ngày tôi triền miên đau đớn, run rẩy vì ung thư hành hạ. Tôi không dùng được thuốc bổ, gần như không ăn uống gì được vì nôn ói, thuốc giảm đau dùng mãi cũng "nhờn". Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ hãi và không hiểu sao mình có thể vượt qua được.
Những khi quá sức chịu đựng, tôi lại ra nhà thờ, quỳ xuống trước tượng Chúa bị đóng đinh câu rút trên thập giá kia mà cầu nguyện: "Lạy Chúa trên cao, hãy cho con dâng nỗi đau này lên với Người, chịu đựng cùng Người, hãy ban cho con sức mạnh để vượt qua, để em bé được lớn lên trong bụng bình an và chào đời khỏe mạnh. Sau đó, số phận con tùy Người định đoạt".
Bống được mổ khẩn cấp khi 36 tuần tuổi, nặng 2,1kg, phải nằm lồng ấp, nhưng thân thể lành lặn, khóc rất to. Còn tôi, dù chuẩn bị tinh thần để chết, nhưng đã sống sót theo một cách rất kỳ diệu. Phút bác sĩ bắt đầu gây tê để mổ con ra, đó cũng là lúc tôi bước vào thế giới của bóng tối. Tỉnh dậy, tôi đã trở thành một-người-mẹ-mù-mắc-bệnh-ung-thư.
Tôi gần như sống 2 tháng sau đó ở viện, với hóa chất và kim truyền. Con gái nhỏ do một tay chị gái tôi chăm sóc. Về nhà rồi, tôi cũng ngủ riêng, hạn chế ôm ấp Bống vì sợ hóa chất làm ảnh hưởng đến con. Và rất tự nhiên, bé Bống quấn quýt và yêu bác còn hơn yêu mẹ. Đến tận bây giờ, bác vẫn một tay cho ăn, tắm táp, ngủ chung, đưa đi học, chăm sóc Bống từng li từng tí.
Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi cũng thấy chạnh lòng, nhưng một đứa trẻ chỉ cần biết ai yêu thương, chăm sóc, quan tâm nó thì nó đáp lại tình yêu đó, chứ nào đã hiểu những gì sâu xa trong lòng người lớn. Dù bé có "lạnh nhạt", không yêu thương mẹ nhiều hay dù tôi đã mù, tôi cũng chẳng có chút hối hận, bởi tất thảy điều ấy có sá gì so với việc sinh linh bé bỏng của tôi đang được lớn lên.
Khi có bầu bé Tôm, bác sĩ nói tôi đã ổn định, sức khỏe có thể chịu được việc sinh nở, các tế bào ung thư đã được chế ngự, nhưng việc bị cắt một bên buồng trứng do u nang, lại bị sảy một bé trước đó cũng khiến tôi lo lắng vô ngần. Cũng có lời xì xào rằng tôi "ngu", "bị điên" khi đã bị mù, mãi mới thoát cửa tử trong lần sinh đầu, bản thân còn phải nhờ người khác chăm sóc vậy mà lại sinh thêm…
Tôi không phải một người mẹ hoàn hảo, chắc rồi. Mọi người có thể cho con đi chơi, đưa con đi học, tối về học bài cùng con, nấu cho con những món ngon… còn tôi, tôi không biết mình có thể sống lâu với con chừng nào, chỉ biết yêu con theo cách của mình, trong toàn bộ khả năng còn lại của mình.
Bống bảo tôi, bao giờ nhìn thấy, mẹ chở con đi lớp, đi chơi công viên nhé. Tôi nghe mà rất đau, khi con đã dành tình cảm cho mình mà mình lại chẳng thể thực hiện yêu cầu nhỏ của con. Tôi đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc của cuộc đời con, nhưng vẫn dành thời gian hát con nghe, tập cho con nói, dạy con những điều hay lẽ phải, giúp con làm toán đơn giản. Với bé Tôm, tôi tự xoay sở cho con ăn uống, thay quần áo, tã bỉm, chơi với con…
Và đáp lại, các con tặng tôi những giây phút hạnh phúc, như Bống chẳng hạn, tiếng đầu đời con cất lên là gọi mẹ. Tôi vẫn nhớ đó là sáng 20/10, tôi từ phòng tắm đi ra, còn bé đang đứng ngoài sân cùng bác. Nghe Bống gọi "Mẹ ơi" mà tôi run lên vì hạnh phúc, vì mình không chăm sóc nhưng con vẫn hiểu tôi là mẹ bé. Còn bé Tôm, con còn rất nhỏ nhưng đã biết bá cổ mẹ, thơm mẹ, biết ê a theo mẹ mỗi khi đi chơi về… Những niềm vui ấy đã khiến tôi có động lực sống tiếp và mọi khó khăn, tủi thân trong thế giới không ánh sáng như tan biến.
Yêu và kết hôn với nhau gần 8 năm, nhưng quãng thời gian đẹp đẽ, êm đềm nhất của chúng tôi có lẽ chỉ hơn 1 năm. Những ngày anh chăm tôi ở viện, mọi người cứ trêu sao tôi xấu thế mà lấy được chồng đẹp trai, tốt tính, tôi cũng chỉ cười mà đưa ảnh ngày xưa cho mọi người xem. Tôi ngày ấy cũng thuộc dạng ưa nhìn, nhưng ung thư và những cơn đau đã kéo xệch mặt, phá nét khiến tôi xấu xí đi nhiều.
Chồng tôi có đang thực sự hạnh phúc với cuộc sống hiện tại không, tôi không dám chắc, vì năm xưa, lựa chọn của anh là một tôi khỏe mạnh, tươi vui, một kỳ vọng về gia đình không giàu có nhưng đầm ấm, cuối tuần, cuối tháng, vợ chồng con cái sẽ đưa nhau đi chơi… Nhưng mọi dự tính sụp đổ khi tôi mắc bệnh và có con cùng một lúc. Có lúc quá khó khăn, tôi khóc với Chúa: "Sao người ta có mọi thứ, lại còn khỏe mạnh, còn con, con là một người mẹ kiểu gì thế này, sao con không thể tự chăm sóc cho gia đình mình…".
Khi sinh Bống, tôi đã dặn chồng: "Nếu em có chết, anh hãy tìm tình yêu mới, xây dựng gia đình mới cho mình, nhưng hãy giúp em quan tâm đến con, đừng để bé đã không có mẹ rồi lại thiếu đi tình cảm người cha. Nếu có khả năng nuôi được thì anh đón con về nuôi, còn khó khăn quá thì để con ở nhà ngoại, 1 tuần nửa tháng đến thăm con, mua quà cho nó, xây dựng tình cảm với con. Con sẽ hiểu thôi".
Cũng có khi, ai đó hỏi rằng, tôi yếu ớt thế này, xấu đi thế này, chồng có tìm niềm vui bên ngoài không. Tôi không biết, chỉ biết là, đến giờ anh vẫn anh quan tâm, chăm sóc vợ, yêu thương con. Nếu một ngày anh không thể chịu thêm cuộc sống này mà muốn chia xa, tôi cũng không trách được, vì ngoài đời có bao nhiêu là điều cuốn hút.
Tôi là người Công giáo, và niềm tin của chúng tôi không cho phép nói đến chuyện đánh ghen hay ly hôn, nhưng trong tim mình, tôi hiểu, mình sẽ chúc phúc cho anh, vì hạnh phúc của anh ấy cũng đáng trân trọng như bản thân mình vậy. Khư khư giữ hạnh phúc của mình, vì mình mà anh đau khổ thì hạnh phúc ấy có nghĩa gì?
Anh luôn khao khát có thêm con. Đó cũng là lý do mà tôi quyết định sinh thêm bé Tôm. Tôi yêu việc anh hy sinh vì mình, ở bên cạnh vợ con trong những ngày căng thẳng nhất, yêu việc anh chấp nhận sống nhờ nhà ngoại để tôi có người chăm nom, yêu việc anh đã ân cần chăm chút và gắn bó với tôi, nên dù có phải đối diện tử thần thêm một lần để tặng cho anh thêm một đứa con nữa, tôi cũng bằng lòng.
Ngày tôi phát hiện ra bệnh, mắt vẫn nhìn bình thường. 10 hôm sau, tôi bắt đầu nhìn 1 thành 2, nhưng bịt 1 mắt đi vẫn còn đọc được chữ. Trước khi sinh hơn 1 tháng, mắt phải tôi mờ dần và tối hẳn. Trước khi sinh 10 hôm, mắt trái tôi cũng mờ đi rất nhanh. Tôi đoán rằng, sinh con xong mình sẽ không nhìn thấy gì.
Bước vào phòng mổ bắt con, tôi vẫn lờ mờ thấy 4 bóng người. Nhưng khi mũi kim gây tê đưa vào người tôi, bóng đêm tràn vào cả hai mắt. Tôi đã chuẩn bị tinh thần và rất bình tĩnh, hiểu rằng mình đã đủ hạnh phúc khi đổi một đôi mắt mà có hẳn một đứa con, nhưng vẫn tiếc vô cùng vì ánh sáng không neo lại thêm chút nữa, để tôi được ngắm gương mặt con trước khi mù hẳn.
Làm mẹ, ai chẳng muốn ngắm gương mặt con mình, được nhìn thấy chúng lớn lên, chơi đùa cùng nhau, được tham dự những sự kiện quan trọng của đời con, nhưng những điều bình thường ấy với tôi cũng là ước mơ xa vời. Tôi không biết con mình sinh ra xinh hay xấu, trắng hay đen, nhưng từ lời mọi người nói lại, tôi mường tượng rằng chúng có gương mặt tròn, da trắng, mũi cao và mắt sáng. Có lẽ đó là hai đứa trẻ xinh đẹp. Cũng có khi tôi ước mình chỉ cần nhìn thấy mặt hai đứa một lần rồi chết cũng vui, nhưng nghĩ lại thì ơn ai nấy hưởng, còn sống bên con ngày nào thì trân trọng ngày đó, cảm nhận con, yêu thương con ngày đó đi vậy.
Sau 6 năm, tôi vẫn chưa quen với việc sống mà không nhìn thấy ánh sáng, vẫn va vào cửa, vẫn ngã dúi dụi mỗi khi hụt chân, nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Điều tôi sợ nhất, trong tất cả, là một ngày nào đó quên mất gương mặt chồng và những người thân yêu. Nếu chẳng may đi lạc, tôi có thể hỏi đường về. Nếu bị ngã, mấy ngày sẽ hết đau. Nếu không được thấy mặt con, đó là số phận. Nhưng nhỡ mà không còn nhớ bóng dáng chồng và người thân, tôi sẽ buồn đến chết mất.
Khi tôi kể câu chuyện của mình, có người khen tôi dũng cảm, mạnh mẽ, phi thường… Nhưng tôi chẳng dám nhận từ nào trong số những danh xưng lớn lao ấy. Tôi chỉ nghĩ mình là một phụ nữ bình thường mang trái tim của người mẹ. Có người so sánh tôi với Thùy Trâm, với Liên - những người mẹ ung thư cũng từ chối điều trị để giữ con. Tôi cũng phục họ lắm, và cảm thấy mình có những người đồng hành, lựa chọn của mình được thấu hiểu.
Nhưng tôi tin rằng, chọn ấp ủ con, đó là một phản ứng bình thường của rất nhiều người mẹ. Trong niềm tin của tôi, mỗi đứa trẻ dù mới hình thành trong lòng mẹ không phải là cục máu vô tri, mà đã là một sinh linh, một con người, cũng có quyền được bảo toàn sự sống như chúng ta vậy. Tôi đã giữ lại con mình với niềm tin ấy, và cũng như Liên, tôi không thể biết mình còn may mắn được sống tiếp cho đến khi kỳ tích xảy ra, và sự hy sinh đã giúp chúng tôi không chỉ giữ được con mà giữ được cả bản thân mình.
Tôi học được cách làm mẹ từ mẹ mình. Mẹ tôi hồi còn sống, nhà nghèo nhưng tốt lành, tần tảo, chăm chút cho con từng tí một. Khi mẹ ra đi, tôi đau, hụt hẫng không muốn sống nữa, và đó là lần đầu tôi cảm thấy yêu ai đó hơn bản thân mình là như thế nào. Tôi cũng học cách yêu thương con mình như thế, một cách rất tự nhiên, từ khi con chỉ là một mầm nhỏ trong tử cung.
Việc giữ con và sinh con, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, với tôi là một việc bình thường, một lựa chọn mà người mẹ nào yêu con cũng không cần cân nhắc. Ai cũng có hoàn cảnh và thách thức để vượt qua, ai cũng có quyền lựa chọn cách mình bước tiếp. Tôi chọn lối con không phải hy sinh sự sống của mình để mẹ sống tiếp.
Khi hay tin vợ ung thư, tôi rất sốc và bối rối, không phải vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối mà vì cô ấy đang mang thai con đầu lòng của chúng tôi. Bác sĩ bảo, nếu điều trị thì phải bỏ con, không thì đi về. Suy nghĩ kỹ, tôi thuyết phục vợ điều trị, dỗ cô ấy sau này khỏe lại mang thai cũng chưa muộn. Nhưng Yên khăng khăng không nghe, bỏ con đi chắc chắn mất con, mẹ thì chưa chắc đã sống được. Yên nói dù có mất tính mạng cũng phải giữ con đến ngày sinh nở, ít nhất là có con, còn biết đâu cô ấy sẽ có kỳ tích.
Tôn trọng quyết định của bà xã, nhưng những ngày đó, mỗi lần nhìn Yên đau đớn quằn quại, sức khỏe suy sụp, tôi cảm thấy mình bất lực lắm. Tình yêu bà xã tôi dành cho các con rất bao la, tôi rất nể phục. Nếu là mình, tôi thật sự không biết có vượt qua nổi không.
Tôi cũng biết Yên yêu mình nhiều, và tôi đáp lại bằng việc ở bên, động viên cô ấy. Có lẽ, với những người mắc ung thư, nhất là giai đoạn cận kề cái chết, họ cần nhất là tình thương yêu của người thân. Trong khi họ đang như vậy mà rời bỏ họ, khác gì cầm dao đâm vào tim họ đâu. Chỉ cần có mặt, kề vai sát cánh bên người thương yêu là tinh thần phấn chấn, hỗ trợ nhiều rồi. Khi Yên vượt qua bệnh, sống ổn và sinh được thêm con, dù đôi mắt mất ánh sáng, nhiều việc phải nhờ vào chồng và gia đình, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì cô ấy hồi sinh.
Chúng tôi không có nhiều thời gian đi chơi, sum vầy, đi du lịch cùng nhau như nhiều gia đình khác, nhưng tôi có hai con là niềm vui, là động lực sống. Còn với Yên, cô ấy nhiều mặc cảm, buồn vì không tự chăm được con hoàn toàn, lo chồng phai nhạt, tôi cũng chẳng biết nói gì nhiều để an ủi, chỉ bảo vợ: "Có anh ở đây rồi! Em đã làm hết sức rồi, còn đâu để anh lo!".
Theo Trí thức trẻ