Đáng ra, Dương Chí Dũng chỉ được trả lương 3 tháng khi ở tù

Thông thường, cơ quan quản lý chỉ trả lương cho cán bộ bị tạm giam, điều tra về hành vi vi phạm pháp luật cho khoảng thời gian đình chỉ công tác đối với người này (thời hạn không quá 3 tháng), chứ không phải trả lương trong suốt quá trình tố tụng…

Thông thường, cơ quan quản lý chỉ trả lương cho cán bộ bị tạm giam, điều tra về hành vi vi phạm pháp luật cho khoảng thời gian đình chỉ công tác đối với người này (thời hạn không quá 3 tháng), chứ không phải trả lương trong suốt quá trình tố tụng…

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực UB Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ cùng PV “mổ xẻ” việc Dương Chí Dũng được nhận lương trong gần 2 năm ngồi tù.

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội kỳ họp vừa qua về Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ngồi tù, ông có nêu nhận định, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng về thời điểm xử lý kỷ luật lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật. Đối chiếu với Nghị định 34 năm 2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức mà cơ quan chủ quản của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải đã căn cứ để giải quyết trong trường hợp này, ông có thể phân tích cụ thể hơn điểm “mờ” của quy định?

Nghị định 34 đã có nhiều tiến bộ so với Nghị định về kỷ luật cán bộ công chức trước đó nhưng thực ra vẫn có điểm không rõ ràng về việc khi nào cơ quan chủ quản tiến hành kỷ luật cán bộ công chức vì vi phạm pháp luật. Trước nay, nhiều cơ quan khi có cán bộ bị công an bắt tạm giữ đều căn cứ trên cơ sở đó để tiến hành xem xét kỷ luật về mặt hành chính luôn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ quan tính toán đề phòng trường hợp có oan sai, việc quy buộc tội lỗi chưa rõ ràng có thể dẫn đến việc quyết định kỷ luật ban hành rồi sau đó lại phải xem xét lại nên thường thận trọng chờ đến khi có phán quyết của tòa mới quyết định xử lý về hành chính. Tiến hành xử lý kỷ luật sau khi có bản án sẽ đảm bảo chắc chắn hơn.

Theo tôi, vấn đề này chúng ta cũng cần thông cảm vì thực tế vẫn có nhiều vụ án mà người được cho là vi phạm bị bắt, điều tra nhưng sau đó cũng không buộc tội được.

Trước kia ở Bộ Nội vụ, tôi đã từng phải tham gia một vụ giải quyết khiếu nại của cán bộ tại Bộ Ngoại giao. Người này bị bắt đến 8 tháng rồi sau đó được thả vì cơ quan điều tra không khẳng định được tội với lý do đưa ra là hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy tố hình sự. Cơ quan điều tra khi đó cũng đề nghị cơ quản chủ quản xem xét xử lý về mặt hành chính. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cán bộ sau đó lại làm văn bản xin ý kiến cơ quan điều tra xem xử lý hành chính vì lỗi gì.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Có thể kỷ luật Dương Chí Dũng từ rất lâu rồi (Ảnh: Việt Hưng)


Giờ nếu quy kết trách nhiệm cho cơ quan quản lý hành chính cũng rất khó vì hoạt động điều tra nhiều trường hợp kéo rất dài mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc điều tra (phần lớn là cơ quan điều tra của công an) chứ cơ quan hành chính đâu được tham gia trong quá trình này để mà khẳng định cán bộ của mình có lỗi hay không có lỗi. Có những trường hợp có văn bản trả về của cơ quan điều tra đề nghị không đến mức truy tố hình sự, chỉ đề nghị xem xét xử lý hành chính mà lại không nói rõ lỗi của người ta là cái gì thì cũng rất khó.

Vụ việc của Dương Chí Dũng có chi tiết là cựu Cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn, bị truy nã quốc tế 4 tháng trước thời điểm bị bắt. Bộ GTVT giải thích khi đó vẫn chưa thể xử lý kỷ luật ngay vì chưa có thông báo của cơ quan điều tra xác định người này bỏ trốn và đề nghị xử lý kỷ luật ngay?

Thực ra, với trường hợp của Dương Chí Dũng, tôi cho là hoàn toàn có thể kỷ luật ngay từ khi người này bỏ trốn vì không có lý do gì cho việc anh này nghỉ làm và như thế cựu Cục trưởng Cục Hàng hải sẽ bị kỷ luật với hình thức cao nhất là buộc thôi việc. Như vậy nghĩa là cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kỷ luật Dương Chí Dũng từ rất lâu rồi.

Trong Nghị định 34 có điều khoản quy định rõ về việc áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc, trong đó có một nội dung là “bỏ làm việc không có lý do”. Căn cứ vào việc này, Bộ GTVT hoàn toàn có thể xử lý được, không cần có phán quyết của tòa. Mà đối với cán bộ công chức, hình thức buộc thôi việc là mức kỷ luật cao nhất rồi.

Về vấn đề trả lương cho Dương Chí Dũng cũng như cựu Tổng GĐ Vinalines – Vụ phó vụ Vận tải Mai Văn Phúc trong thời gian các cán bộ “dính chàm” này ngồi tù chờ phán xử, nhiều ý kiến đặt vấn đề, quy định chưa thực sự hợp lý, khó giải thích để dư luận chấp nhận chuyện những cán bộ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho cơ quan, cho nhà nước như vậy mà vẫn được hưởng lương trong suốt quá trình tố tụng?

Thông thường, cơ quan chủ quản chỉ trả lương trong thời gian cán bộ bị đình chỉ công tác thôi chứ khi đã có căn cứ xác định anh thực sự có lỗi, người ta không trả lương nữa.

Như quy định thời tôi còn công tác tại Bộ Nội vụ, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, cơ quan có thể ứng trước 50% tiền lương cho khoảng thời gian tạm đình chỉ đó. Sau này khi xem xét mà không bị kỷ luật, cơ quan sẽ tiếp tục trả lương, có trừ đi khoản 50% tiền lương đã tạm ứng đó.

Có ý kiến cho là Nghị định 34, Điều 24 quy định về việc trả 50% lương cho cán bộ trong thời gian bị tạm giam tạm giữ để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật đang có mâu thuẫn với Nghị định 204 năm 2004 về chế độ tiền lương đối với công chức, Nghị định 114 năm 2002 hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về vấn đề tiền lương với nguyên tắc không làm việc thì không hưởng lương?

Tôi cho là không có gì mâu thuẫn cả, chỉ là việc giải quyết chế độ đối với cán bộ công chức khi bị xem xét kỷ luật thôi. Còn khi đã bị kỷ luật buộc thôi việc thì không có bất cứ một chế độ nào nữa. Đối với những trường hợp bị đình chỉ công tác, người ta chỉ trả lương trong thời gian bị đình chỉ đó mà theo quy định việc đình chỉ cũng có thời hạn nhất định, tối đa chỉ là 3 tháng để xem xét quyết định kỷ luật hay không thôi.

Thực tế, trong vụ án tại Vinalines, Dương Chí Dũng được nhận lương không phải trong 3 tháng mà là gần 2 năm bị tạm giam. Việc xác định thời gian đình chỉ công tác ở đây đã bị “nhầm lẫn”, đồng nhất với thời gian tạm giam và cả quá trình tiến hành tố tụng?

Thông thường 2 mức thời gian này khác nhau. Người ta có thể tạm giam 4 tháng, rồi gia hạn nếu cần thiết. Có trường hợp việc tạm giam kéo dài cả vài năm nhưng cơ quan quản lý cán bộ thì không thể đình chỉ công tác lâu như vậy được.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.