Nhân thân tốt, bảo mẫu đánh trẻ được hưởng án treo?

“Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương có trình độ đại học, chuyên ngành giáo dục mầm non, chồng là thạc sỹ dạy nhạc. Bản thân Phương chưa có tiền án, tiền sự. Nếu thành khẩn khai báo rất có thể sẽ chỉ phải nhận mức án treo cho tội danh Hành hạ người khác”, độc giả tên H nhận xét.


“Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương có trình độ đại học, chuyên ngành giáo dục mầm non, chồng là thạc sỹ dạy nhạc. Bản thân Phương chưa có tiền án, tiền sự. Nếu thành khẩn khai báo rất có thể sẽ chỉ phải nhận mức án treo cho tội danh Hành hạ người khác”, độc giả tên H nhận xét.
 
Ba năm tù là quá nhẹ so với hành vi tàn ác
 
Sau khi báo đăng tải bài viết của luật sư nói về mức án mà các bảo mẫu Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Thị Điều và Nguyễn Lê Thiên Lý phải đối mặt tối đa là 3 năm tù giam. Hầu hết độc giả bày tỏ quan điểm cho rằng mức án này là quá nhẹ so với hành vi tàn ác và khủng khiếp mà các bảo mẫu dành cho các em nhỏ.
 
Tuy nhiên, một độc giả tên H lại băn khoăn rằng: “Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương có trình độ đại học, chuyên ngành giáo dục mầm non, chồng là thạc sỹ dạy nhạc. Bản thân Phương chưa có tiền án, tiền sự. Nếu thành khẩn khai báo rất có thể sẽ chỉ phải nhận mức án treo cho tội danh Hành hạ người khác”.
 
Độc giả H lý giải: “Nhân thân tốt và thành khẩn khai báo cộng với việc các bảo mẫu này phạm tội lần đầu sẽ là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt và có thể được xem xét hưởng án treo”.
 

Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương.

 
Không xử tù treo đối với tội phạm mà xã hội lên án
 
Trao đổi với luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Đoàn luật sư TP Hà Nội về những băn khoăn của độc giả H, luật sư Đĩnh cho hay: “Đối với vụ việc này, hành vi của các bảo mẫu hoàn toàn có thể quy về tội Hành hạ người khác theo khoản 2, Điều 110 Bộ luật hình sự với mức án tối đa là 3 năm tù. Về ý kiến bảo mẫu nhân thân tốt có thể được hưởng án treo, theo quan điểm của tôi là không thể xảy ra”.
 
“Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP về điều kiện được hưởng án treo đó là phải đáp ứng cả 4 điều kiện nêu tại Điểm 6.1 mục 6 của Nghị quyết. Trong đó có 1 điều kiện quan trọng là: Việc áp dụng án treo sẽ không được ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 
Ý này có thể được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi, ý này được hiểu rằng việc áp dụng án treo phải đảm bảo không làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và giải tỏa được sự bất bình trong nhân dân. Đối với vụ việc này, hiện tại  nó đang gây ra một sự bất bình rất lớn trong nhân dân, sự phẫn nộ của gia đình những đứa trẻ và của cả xã hội. Nếu áp dụng án treo thì điều này đã không đáp ứng được điều kiện tại điểm d của điểm 6.1 mục 6 của Nghị quyết nói trên”, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh phân tích.
 
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh cũng cho biết tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP sắp có hiệu lực (vào 25/12/2013) có quy định rõ cho trường hợp này rằng: “Khi xem xét, quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, cần lưu ý: không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
 
Do Nghị quyết này vẫn chưa có hiệu lực nên việc trích dẫn điều này chỉ mang tính tham khảo cho cơ quan nhà nước trong quá trình điều tra và xét xử vụ án”.
 
Clip về những bảo mẫu ở Trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) dùng tay chân để “dạy” các bé mầm non. Những hành động chỉ có ở những bộ phim kinh dị như bóp cổ, dí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt...lại được dành cho các bé mầm non.
 
Những cách hành xử không còn tính người khi bắt ép lũ trẻ ăn để "tăng cân" đến phát ói, dốc đầu trẻ xuống thùng nước, ấn tay vào đầu, tát lia lịa vào mặt... của quản lý trường mầm non Lê Thị Đông Phương và nhân viên Nguyễn Lê Thiên Lý  đã khiến dư luận phẫn nộ thực sự.
 
Chiều 17/12, Quận ủy, UBND quận Thủ Đức và các ban ngành liên quan đã họp để giải quyết vụ đày đọa trẻ mầm non xảy ra tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh.
 
Theo quan điểm của ông Trương Văn Thống - bí thư Quận ủy Thủ Đức (TP.HCM), trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử thì nên cho xét xử lưu động và mời hết các nhóm trẻ gia đình cho phép tham dự để răn đe, giáo dục.
 
Cuối giờ chiều 17/12, đại tá Nguyễn Hữu Toàn, trưởng Công an quận Thủ Đức cho biết vừa ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ phường 9, quận 8) và Nguyễn Lê Thiên Lý (18 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) về hành vi “Hành hạ người khác”.
 
Theo Chu Du (Nguoiduatin.vn)

Bình luận