Ê răng vì 'sạn' đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam

Trong một cuộc thi lớn, rất khó để mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng cũng chẳng dễ dàng để xuất hiện nhiều 'sạn' tới vậy, trong một cuộc thi cấp quốc gia...

Trong một cuộc thi lớn, rất khó để mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng cũng chẳng dễ dàng để xuất hiện nhiều 'sạn' tới vậy, trong một cuộc thi cấp quốc gia...

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 đã khép lại với chiếc vương miện thuộc về cô gái Cần Thơ Đặng Thu Thảo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngôi vị cao nhất của sắc đẹp Việt Nam thuộc về một người đẹp miền Tây. Cùng với 2 giải Á hậu 1 và 2 lần lượt được trao cho Dương Tú Anh và Đỗ Hoàng Anh - những nhan sắc vượt trội trong cuộc thi năm nay, khán giả đã có thể phần nào hài lòng về những vẻ đẹp được vinh danh. Tuy nhiên, nếu không có những hạt sạn rất lớn trong quá trình tổ chức cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn
này, hẳn Hoa hậu Việt Nam 2012 sẽ để lại một ấn tượng tốt đẹp hơn trong lòng khán giả.




Hạt sạn lớn nhất của Hoa hậu Việt Nam 2012 chính là việc ứng cử viên sáng giá Vương Thu Phương bị loại ngay trước đêm chung kết. Sự thay đổi tới chóng mặt từ phía ban tổ chức đã đem lại cho người xem cảm giác khá bất ngờ và hụt hẫng, đặc biệt đối với những ai hâm mộ nhan sắc của giải vàng siêu mẫu Việt Nam 2011. 

Ngay khi vòng chung khảo miền khu vực miền Nam, đã có không ít phóng viên đặt câu hỏi về nghi án kết hôn của Vương Thu Phương. Tuy nhiên, câu trả lời Ban tổ chức đưa ra lúc đó hết sức rõ ràng: "Vương Thu Phương đủ điều kiện thi hoa hậu". Chính vì vậy, cú "lật kèo" vào phút chót của Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam đã khiến cho không những thí sinh, khán giả cảm thấy sửng sốt mà còn làm cho uy tín của chương trình gặp ít nhiều ảnh hưởng. Với một cuộc thi có quy mô lớn như Hoa hậu Việt Nam, việc tiền hậu bất nhất trong phát hiện và xử lý những vi phạm của thí sinh hẳn không thể dễ dàng "rút kinh nghiệm" như một cuộc thi cấp xã, phường.

Không chỉ dừng lại ở với trường hợp của thí sinh Vương Thu Phương, đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012 còn vô số những "hạt sạn" khiến khán giả phần nào mất đi sự hào hứng khi theo dõi. Và trong số những "hạt sạn" đó, không thể nào không nói đến âm nhạc. Phần nhạc nền thiếu chọn lọc không chỉ tra tấn lỗ tai người nghe mà còn góp phần quan trọng trong việc đánh tụt cảm xúc của không ít thí sinh khi trình diễn.


Vương Thu Phương phải ngồi dưới hàng ghế khán giả theo dõi đêm chung kết vì vi phạm quy chế

Sự khó chịu của khán giả bắt đầu từ việc phải thưởng thức một nhạc phẩm Rap khi màn trình diễn áo tắm của các thí sinh được bắt đầu. Ca từ hồn nhiên và dễ dãi cũng như cách thể hiện thiếu chuyên nghiệp của ca sĩ phù hợp với một cuộc thi ở quy mô nhỏ, chứ không phải là một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc gia. Rất nhiều cảm xúc của khán giả trong phần thi được cho là nóng bỏng nhất của đêm chung kết đã bay theo tiếng hát của rapper, khi bài hát gần như chẳng ăn nhập chút nào với bước đi của những cô gái trên sân khấu.

Nhưng đỉnh điểm của việc đánh tụt cảm xúc người xem phải nói tới thứ âm nhạc trong phần trình diễn trang phục dạ hội. Xuất phát từ một ý tưởng khá khó hiểu và kì quặc, âm nhạc năm châu được hòa trộn với nhau theo phong cách ... Đông Tây Y kết hợp để nâng gót hồng của gần 40 người đẹp. Nhưng chắc hẳn tất cả thí sinh sẽ cảm thấy đôi chân "nặng như chì" khi phải bước đi trong không gian âm nhạc pha trộn giữa nhạc dân gian Nga, Latin Pop, nhạc Việt Nam và đôi khi cả là những tiếng trống thổ dân.


Độ nóng của phần thi áo tắm đã được âm nhạc giúp "giảm nhiệt" rất nhiều

Không chỉ những người đẹp, phần lớn khán giả ngồi trước màn hình có lẽ đều bâng khuâng tự hỏi liệu mình đang xem cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hay World Cup bởi Livin' la Vida Loca của Ricky Martin phù hợp với không khí của sân vận động hơn là việc làm nhạc nền để các người đẹp khoe dáng trong những bộ đồ dạ hội dài chấm gót. Tiết tấu sôi động, mạnh mẽ của bản nhạc Latin gần như không hề liên quan tới điệu thướt tha, uyển chuyển của những nhan sắc Việt trong màn trình diễn quan trọng bậc nhất này.

Không phải vô cớ mà nhiều khán giả đã phải thở dài: "Xem mà nhớ Gót hồng quá!". Bài hát của cố nhạc sỹ Bảo Phúc từng được Lam Trường thể hiện rất thành công trong hàng loạt những cuộc thi sắc đẹp, nay lại trở thành "kẻ ngoại đạo" trong cuộc thi hoa hậu tổ chức ngay chính quê hương mình, nhường chỗ cho những nhạc phẩm ngoại quốc không hề phù hợp.

Một nghệ sĩ tên tuổi khác cũng trở lại trong nỗi nhớ da diết của khán giả Hoa hậu Việt Nam là cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. Quả thật, nếu chứng kiến những màn "lẩu thập cẩm" được trình diễn trong đêm tôn vinh nhan sắc Việt, nhiều người xem sẽ chẳng kìm nổi tiếng thở dài khi nhớ tới những chương trình được dàn dựng bởi vị đạo diễn tài hoa nhưng bạc mệnh.


Sân khấu được dàn dựng nghèo nàn về ý tưởng, kém cỏi về cách thể hiện hoàn toàn không tương xứng với sân chơi lớn như Hoa hậu Việt Nam.


Nhìn những bóng hồng Việt tươi cười sánh bước cạnh thổ dân Châu Phi, Châu Úc, trang phục dạ hội lộng lẫy hòa quyện cùng giáo mác, body vằn vện, phải có một trí tưởng tượng phong phú lắm mới có thể hiểu hết ý đồ mà những người thực hiện chương trình đã vẽ ra. Và khi cao trào của phần tra tấn thị giác xuất hiện với việc "xào chung một chảo" áo tứ thân của Việt Nam, trang phục dân tộc Đông Âu, khố thổ dân Châu Úc thành một mớ hỗn độn nhảy múa và hú hét trên sân khấu, sự hào hứng của khán giả đối với phần thi cũng đã gần như chạm đáy. Có vẻ như, ham muốn được chứng tỏ khả năng "làm nghệ thuật" của những người làm chương trình quá lớn, lớn tới mức họ quên rằng thứ khán giả quan tâm nhất không phải là xem múa. Họ đang xem Hoa hậu Việt Nam.

Trong một cuộc thi lớn, rất khó để mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng cũng chẳng dễ dàng để xuất hiện nhiều hạt sạn tới vậy, trong một cuộc thi cấp quốc gia...

Theo TTTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.